Ai cũng biết, từ nhiều thế kỷ nay, đình làng đã trở nên quan trọng và quen thuộc với người nông dân Việt Nam ở phía sau lũy tre làng như thế nào. Đình làng không chỉ tiêu biểu cho kỷ cương, cho “lệ làng”, là nơi thờ tự nhưng cũng là nơi mà “chế độ dân chủ nông thôn” được thực hiện trong sự đồng thuận của người dân, tiêu biểu là sự đồng thuận của các vị bô lão. Những người già luôn được kính trọng ở nông thôn Việt Nam từ ngày xưa, do tuổi tác và nếp sống đạo đức của họ. Vì vậy, họ có tiếng nói quan trọng ở đình làng - nơi diễn ra những tế lễ xuân thu nhị kỳ cùng những cuộc hội họp bàn việc làng.
Hồi xưa có nói “Phép vua thua lệ làng”, không chỉ ngầm phê phán sự tiêu cực của “lệ làng” hay sự bất lực của “phép vua”, mà nó còn nói lên tính tích cực của “lệ làng”, khi nó góp phần giải quyết những vấn đề bức xúc trong làng xã, mang lại sự công bằng cho người dân.
Tôi có cảm giác, chuyện này mang một ý nghĩa biểu trưng nào đó. Khi tiếng nói của người dân, tiếng nói của các vị bô lão trong làng không còn được tôn trọng, thì tới lượt chính đình làng cũng không còn được tôn trọng. Và người ta có thể bỏ qua mọi dư luận, bỏ qua tiếng nói của người dân để “vác đình làng đi bán”. Có thể sẽ có người lập luận rằng: bán gỗ sưa đình làng là để tu tạo đình làng, để mua ruộng công quả cho đình làng, cũng là nhằm phục vụ sự tồn tại phát triển của đình làng. Nhưng có một điều còn quan trọng hơn. Đình làng là tượng trưng cho kỷ cương, cho luật lệ của làng, nghĩa là tiêu biểu cho tiếng nói người dân, cho sự đóng góp, bàn bạc và phản biện của các vị bô lão trong làng. Nếu trước những ý kiến của người dân và bô lão không đồng thuận, mà các vị “chức sắc” vẫn bỏ qua, thì chính cái “hồn vía”, cái cốt lõi của đình làng đã không còn được tôn trọng. Khi ấy, đình làng dù được tôn tạo, cũng chỉ còn là cái xác. Hồn của đình làng - chính là tiếng nói của người dân - đã mất, thì đình làng bị biến thành, và chẳng khác nào “kho hợp tác xã” mà có thời chúng ta đã phải chứng kiến.
Thanh Thảo
Bình luận (0)