Công nhân Khu công nghiệp Nomura, TP.Hải Phòng tham gia chương trình tập huấn phòng chống ma túy và tín dụng đen do Ban Tuyên giáo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức |
Công ty TNHH Tohoku Pioneer, nằm trong khu công nghiệp Nomura, TP.Hải Phòng chuyên sản xuất thiết bị âm thanh có 2.700 công nhân. Đặc thù công việc làm theo ca, doanh nghiệp này khó tổ chức hoạt động tập trung có đầy đủ công nhân tham gia, thế nhưng công đoàn vẫn hoạt động sôi động. “Công ty có 45 phân xưởng thì có 45 nhóm kết nối công nhân thông qua Zalo. Mỗi nhóm đều có một người phụ trách, mọi thông tin thời sự, tuyên truyền được truyền tải qua Zalo cung cấp đến công nhân”, chị Đỗ Thị Sắm, cán bộ công đoàn chuyên trách của công ty nói.
Cũng theo chị Sắm, trong năm, các chương trình tuyên truyền phòng chống ma túy thường xuyên được tổ chức nhưng tham dự trực tiếp chỉ có thể huy động vài trăm công nhân. Sau đó, tài liệu tập huấn đều được cập nhật cho các các trưởng nhóm tiếp tục lan tỏa đến công nhân. “Sau mỗi hoạt động chúng tôi đều khảo sát độc lập và kết quả cho thấy nhiều công nhân phản hồi thông tin tiếp nhận rất hữu ích”, chị Sắm nói.
Năm 2022, Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Ninh tổ chức 12 hội nghị tuyên truyền phòng, chống tội phạm, ma túy, mại dâm và tệ nạn xã hội. Qua thống kê, gần 2.500 lượt cán bộ công đoàn, công nhân lao động tiếp cận các thông tin này. Ở các khu công nghiệp, công đoàn tổ chức cấp phát 3.700 tờ rơi về nội dung phòng, chống mại dâm, ma túy và tệ nạn xã hội. Ngoài ra, Liên đoàn Lao động phối hợp với Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Quảng Ninh duy trì cố định 5 điểm đón tiếp công nhân khi có nhu cầu tư vấn pháp luật.
Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương là đơn vị có nhiều phương pháp tuyên truyền đổi mới, linh hoạt với thời gian, địa điểm phù hợp với đặc thù của các doanh nghiệp nhằm không làm ảnh hưởng đến sản xuất. Trong đó, công nhân trẻ là đối tượng tập trung tổ chức các hoạt động tuyên truyền vì nhóm này chưa được tiếp cận nhiều kiến thức pháp luật, dễ bị lôi kéo vào tệ nạn xã hội, nhất là ma túy. Công đoàn các cấp vận dụng nhiều phương thức như: tuyên truyền trực tiếp, xây dựng tủ sách pháp luật, qua bảng tin và hệ thống loa phát thanh nội bộ...để cảnh báo công nhân tránh xa, nói không với tện nạn ma túy… Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp thường xuyên tổ chức thi đấu thể thao, văn nghệ… tạo môi trường giải trí lành mạnh cũng là giúp công nhân tránh xa ma túy.
Chuyên gia có nhiều năm gắn bó, tâm huyết với hoạt động tuyên truyền phòng chống ma túy, bác sĩ-đại tá Tạ Đức Ninh, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và ứng dụng phòng chống ma túy, nguyên Trưởng phòng thường trực Chương trình quốc gia phòng chống ma túy (Bộ Công an) cho rằng, nhiều cuộc khảo sát cho thấy, trong số những nguyên nhân khiến nhiều người sa vào ma túy là họ không được tiếp cận đầy đủ thông tin, hiểu đúng về tác hại cũng như sự nguy hiểm của ma túy. “Nhiều người nghiện chia sẻ với tôi rằng, giá như họ được tiếp cận thông tin về ma túy sớm hơn chắc chắn sẽ không lựa chọn để trở thành người nghiện. Các hoạt động tuyên truyền phòng chống ma túy được tổ chức thường xuyên và đến được nhiều công nhân thì đó là giải pháp tổ chức công đoàn tham gia phòng chống ma túy hiệu quả và ít tốn kém về chi phí nhất”, ông Ninh nói.
Bằng cách đa dạng hóa các phương thức tuyên truyền, các cấp công đoàn đã thực sự giúp công nhân lao động, đặc biệt là công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp, được cung cấp đầy đủ kỹ năng phòng, chống ma túy một cách hữu hiệu nhất. Đó chính là biện pháp bảo vệ công nhân mà Công đoàn Việt Nam đang thực hiện ngày càng hiệu quả.
Bình luận (0)