Môi trường thiếu thân thiện
Đến tháng 8 năm nay, Liên Minh Huyền Thoại Việt Nam sẽ chính thức tròn 4 tuổi, trở thành một trong những game client (game cài đặt) “thọ” nhất của làng game Việt từ trước tới nay. Đáng chú ý, sức nóng của trò chơi không hề suy giảm một chút nào, bản thân trò chơi cũng đang trở nên ngày càng hấp dẫn, đa dạng về lối chơi và chiến thuật.
Nói thế không có nghĩa rằng, trò chơi là mảnh đất lành cho những game thủ lần đầu tham gia vào Đấu trường Công lý, mặc dù bản thân Riot Games và nhà phát hành Vietnam eSports đã có nhiều nỗ lực để Liên Minh Huyền Thoại “cởi mở” hơn với người chơi mới.
Sự thân thiện này chỉ có trong mơ
Cụ thể, trở ngại lớn nhất cho những “con ma mới” xuất phát từ chính cộng đồng game thủ Liên Minh Huyền Thoại Việt – những người đã có thâm niên và kinh nghiệm chơi game trước đó.
Vốn nổi tiếng bởi sự thiếu thân thiện và khả năng kiên nhẫn gần như không có, game thủ Việt chưa bao giờ được người chơi game online tại các máy chủ quốc tế đánh giá cao (chúng ta đã từng bị nhiều game online phát hành tại khu vực Đông Nam Á chặn IP, do trước đó phải nhận nhiều tố cáo từ game thủ).
Không phải người chơi Liên Minh Huyền Thoại "đời đầu" nào cũng thân thiện
Tuy vậy, khi đối đãi với “người nhà”, một phần không nhỏ game thủ Việt cũng tỏ rõ sự thiếu nhã nhặn, đôi khi vô cùng thô lỗ - đây đều là những chi tiểt làm ảnh hưởng đến quá trình hòa nhập, làm quên Liên Minh Huyền Thoại của những người chơi mới.
Áp lực đến từ cộng đồng
Phải khẳng định ngay một chân lý, chẳng ai thích chung team với những người chơi có kỹ năng kém, đặc biệt trong các trận đánh rank ảnh hưởng đến thứ bậc xếp hạng. Tuy nhiên, thái độ của phần đông người chơi Việt đối với “vấn nạn” này là điều rất đáng bàn.
Bạn có sẵn sàng bỏ qua những lỗi lầm này của đồng đội?
Chắc chắn, không ai trong chúng ta chưa chứng kiến cảnh “sát phạt” lẫn nhau trong các trận đấu Liên Minh Huyền Thoại. Nhiều người chơi sẵn sàng đưa ra những câu từ thô tục, bạo lực và mang tính đả kích vô cùng nghiêm trọng đối với người chơi mới, mỗi khi họ phạm phải lỗi lầm không đáng có.
Thái độ “nóng bừng bừng” này dĩ nhiên chẳng bao giờ có thể giúp cải thiện được diễn biến trận đấu, mà còn khiến cho người phát ngôn mất bình tĩnh, dẫn đến xử lý kém, và “người chịu trận” thì luống cuống tay chân, mất tự tin.
Đừng để việc chơi game mất đi giá trị quan trọng nhất: giải trí
Một số game thủ kỹ năng kém sau khi “ăn búa tạ” từ đồng đội, còn phản ứng tiêu cực bằng cách “hiến máu” cho đối thủ, out game… khiến câu chuyện càng trở nên phức tạp và khiến những người trong cuộc tức tối. Do đó, giá trị cốt lõi của một trò chơi điện tử - chính là tính chất giải trí – gần như biến mất.
Đâu là lối thoát ?
Đây không phải là lần đầu các câu chuyện về cách ứng xử, thái độ khi chơi game… được đem ra bàn luận và mổ xẻ. Bản thân Liên Minh Huyền Thoại cũng đã có nhiều nỗ lực để khắc phục điều này, mà rõ rệt nhất là hệ thống vinh danh/tố cáo được tích hợp vào game từ mùa giải thứ 3.
Tuy nhiên, dường như những con chữ vinh danh này chẳng cải thiện được điều gì cho cộng đồng game thủ Việt, và đang dần bị trôi vào quên lãng.
Rocket League được đánh giá cao nhờ cộng đồng thân thiện
Một số luồng ý kiến còn cho rằng, các game thủ “trình kém” cần tham gia… đánh với máy hoặc tự lập team đánh với nhau, trước khi tham gia vào chế độ đấu chính thức mà đặc biệt là hệ thống đánh xếp hạng. Thế nhưng, cần lưu ý rằng trước khi trở thành “kẻ gánh team”, bất kỳ ai cũng đã trải qua giai đoạn khó nhằn, thậm chí từng trở thành gánh nặng trong nhiều trận đánh rank quan trọng.
Ở tình thế hiện tại, có lẽ kêu gọi thái độ tích cực trong cách cư xử của những người chơi cũ là phương án duy nhất để cải thiện tình hình. Nghe đơn giản vậy, nhưng đây vẫn là vấn đề chưa bao giờ giải quyết được của cộng đồng Liên Minh Huyền Thoại Việt.
Bình luận (0)