Lãnh đạo 10 quốc gia Đông Nam Á hôm 22.11 đã ký kết tại Malaysia văn kiện tuyên bố chính thức thành lập Cộng đồng ASEAN vào ngày 31.12.2015.
Lưu thông hàng không tại Đông Nam Á sẽ càng thông suốt hơn - Ảnh: Khả Hòa |
Được xem như một “Liên hiệp châu Âu” tại châu Á, sự vận hành của cộng đồng, tuy còn lạ lẫm với một bộ phận công chúng này, sẽ từng bước thay đổi tập quán sinh hoạt kinh tế của 625 triệu công dân các nước thành viên.
Từ hôm nay, Thanh Niên báo in sẽ giới thiệu về cộng đồng và các tác động thiết thân của nó đối với đời sống người VN trên các số báo thứ hai, tư, sáu hằng tuần.
Ra đời năm 1967 với 5 thành viên ban đầu gồm Indonesia, Philippines, Malaysia, Singapore và Thái Lan, Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vấp phải cái nhìn nghi ngờ của nhiều nhà quan sát. Sự tồn tại của nó khi đó bị cho là rất mong manh, trong bối cảnh mâu thuẫn, tranh chấp lãnh thổ giữa các thành viên sáng lập còn chưa được giải tỏa hết.
Nhưng ASEAN đã phát triển suốt gần nửa thế kỷ qua với 10 quốc gia thành viên và ngày càng trở nên quan trọng trong các cấu trúc kinh tế và chính trị của khu vực và thế giới. “Khi ASEAN mở hội nghị, nhiều quốc gia ngoài khối muốn tham gia. Thậm chí CHDCND Triều Tiên cũng muốn tham gia. ASEAN là nơi duy nhất ngoài LHQ mà nước này thể hiện quan hệ với thế giới bên ngoài một cách hòa bình”, tiến sĩ Termsak Chalermpalanupap tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS, Singapore) nhận xét về vị trí của ASEAN hôm nay.
Tham vọng thành lập một cộng đồng tương tự Liên minh châu Âu (EU) với 3 trụ cột kinh tế, chính trị - an ninh, và xã hội - văn hóa của ASEAN được xem như một bước đi hướng tới những lợi ích thực tiễn, chứ không chỉ là một nơi để các lãnh đạo đến “phát biểu rồi về”. Bỏ qua những khẩu hiệu và ngôn ngữ nặng tính ngoại giao, mục tiêu của Cộng đồng ASEAN là đưa 10 nền kinh tế thành viên hội nhập sâu rộng hơn, qua đó cải thiện đời sống của hơn nửa tỉ dân, đồng thời bảo đảm hòa bình và an ninh khu vực được duy trì.
Mở cửa bầu trời và miễn phí roaming
Không bao lâu nữa, người dân VN nói riêng và 625 triệu dân ASEAN nói chung sẽ có nhiều chọn lựa hơn khi đi lại bằng máy bay, một khi bầu trời mỗi quốc gia sẽ được mở toang cho bất kỳ hãng hàng không nào trong khu vực cung cấp dịch vụ cạnh tranh hơn. Các quốc gia thành viên đã ký thỏa thuận “bầu trời mở” và cam kết thực thi tự do hóa ngành hàng không khu vực, thậm sẽ mở cho các đối tác đối thoại như Trung Quốc, Ấn Độ...
Tương tự, phí dịch vụ chuyển vùng điện thoại di động (roaming), vốn rất đắt đỏ, giữa các quốc gia trong khu vực cũng có thể được bỏ trong tương lai. Được đề xuất bởi cựu Bộ trưởng Thông tin Indonesia Tifatul Sembiring năm 2012, ý tưởng bỏ phí roaming trong ASEAN ngày càng có triển vọng sớm thành hiện thực.
Đó chỉ là 2 trong số hàng trăm loại hàng hóa và dịch vụ mà người dân ASEAN sẽ được sử dụng với giá rẻ hơn và có nhiều lựa chọn hơn khi trụ cột kinh tế (tên chính thức là Cộng đồng kinh tế ASEAN - AEC) chính thức vận hành. Mục tiêu chính của AEC là tạo ra một thị trường và cơ sở sản xuất chung với sự lưu thông tự do xuyên biên giới quốc gia của hàng hóa, vốn và nhân lực trình độ cao.
Chưa hết, bằng cách gộp vào nhau, AEC trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 châu Á và thứ 7 toàn thế giới, có thể cạnh tranh với 2 cỗ máy kinh tế đang trỗi dậy mạnh mẽ trong châu lục là Trung Quốc và Ấn Độ. Giữa lúc nhiều nhà đầu tư muốn vào châu Á hoặc rút khỏi Hoa lục, ASEAN với tư cách một thực thể kinh tế thống nhất có sự bổ khuyết của các thành viên sẽ đáp ứng đủ các yêu cầu của nhà đầu tư. Nếu Singapore có thể cung cấp nguồn nhân lực có trình độ quản lý cao và nền tảng luật pháp tốt, thì VN hay Campuchia lại có lợi thế tài nguyên dồi dào và giá nhân công rẻ.
Liên minh bảo vệ Biển Đông
Thông qua Cộng đồng chính trị - an ninh (APSC), ASEAN sẽ ứng phó các vấn đề an ninh xuyên quốc gia như tội phạm và phòng vệ quốc gia, bảo đảm môi trường hòa bình để phát triển kinh tế. Trong khuôn khổ APSC, các ngoại trưởng ASEAN và ngoại trưởng 17 quốc gia ngoài khối họp thường niên tại Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), trong khi các bộ trưởng quốc phòng họp với những người đồng nhiệm từ 8 cường quốc theo cơ chế ADMM+, nhằm bàn các vấn đề an ninh nổi cộm trong khu vực.
Gần đây, tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông giữa các quốc gia ASEAN với Trung Quốc khiến các cuộc họp ARF và ADMM+ trở nên nóng bỏng. “Rõ ràng, sự lấn tới của Trung Quốc ngay giữa trái tim Đông Nam Á đã làm hồi sinh nỗi lo sợ chung trong toàn khu vực. Nó gây ra sự chú ý lớn nhất trên toàn cầu đối với khu vực và ASEAN”, chuyên gia Malcolm Cook của ISEAS nhận xét.
Bên cạnh vấn đề kinh tế và an ninh, Cộng đồng ASEAN với trụ cột văn hóa - xã hội (ASCC) cũng hướng tới các vấn đề con người như giáo dục, y tế, quản lý thảm họa và xóa đói giảm nghèo, mà mục tiêu chung là lấp dần khoảng cách phát triển giữa các quốc gia thịnh vượng và ít thịnh vượng nhất của khu vực.
Bình luận trên tạp chí Eurasia Review, tiến sĩ Rajaram Panda viết: “Nếu đứng rời rạc, mỗi quốc gia ASEAN có thể quá nhỏ để làm một quân cờ quan trọng trong bàn cờ kinh tế và an ninh chung. Nhưng gộp thành một nhóm hơn nửa tỉ người, Cộng đồng ASEAN có thể là một liên hiệp đáng kể”.
Cộng đồng ASEAN và những con số
Diện tích đất liền: 4,4 triệu km2.
Diện tích phủ nước: gấp 3 lần diện tích đất liền.
Dân số: 625 triệu người, đông thứ 3 thế giới, đông hơn EU, Bắc Mỹ.
Tổng GDP: 2.600 tỉ USD, lớn thứ 3 châu Á (sau Trung Quốc và Nhật Bản), thứ 7 thế giới (sau Mỹ, Đức, Pháp và Anh).
|
Bình luận (0)