Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS): Vướng mắc trong phân định đường biên giới

29/11/2006 23:17 GMT+7

Hội nghị CIS đã bế mạc tại thủ đô Minsk của Belarus hôm 28.11 nhưng các nước thành viên vẫn chưa thể đưa ra các quyết định mang tính đột phá nào về việc phân định biên giới cũng như cải cách tổ chức này.

Tại Hội nghị CIS (gồm 12 nước thuộc Liên Xô trước đây, trừ 3 nước cộng hòa vùng Baltic) lần này, các lãnh đạo đã ký được nhiều hiệp ước hợp tác khác nhau nhưng không thể tìm ra tiếng nói chung trong việc phân định đường biên giới giữa các nước thành viên. Sau khi Liên bang Xô Viết tan rã vào thập niên 90 của thế kỷ trước, các nước cộng hòa Xô Viết cũ bắt đầu phân định lại đường biên giới của mình. Nhìn chung, tiến trình phân định này diễn ra khá suôn sẻ nhưng tranh chấp giữa một số thành viên vẫn còn dai dẳng. Theo hãng tin Kazinform của Kazakhstan, phát biểu tại cuộc họp báo sau Hội nghị CIS, Thư ký điều hành CIS V.Rushailo than thở: "Không có quyết định nào được đưa ra do sự thiếu nhất quán giữa các quốc gia". Ukraine từ lâu đã muốn kết thúc việc phân định ranh giới với Nga. Tuy nhiên, hai nước này hiện vẫn phải tiếp tục các nỗ lực phân định ranh giới gây tranh cãi chạy xuyên qua biển Azov, biển Đen và eo biển Kerch. Biển Caspi là một vấn đề gây bất đồng giữa Azerbaijan, Nga, Kazakhstan, Turkmenistan.

Lãnh đạo của 11 nước tham dự Hội nghị CIS (vắng Tổng thống Turkmenistan) cũng không thể phác họa các biện pháp cải cách tổ chức này, vốn bị một số thành viên chỉ trích là hoạt động kém hiệu quả. Tổng thống Kazakhstan N.Nazarbayev, Chủ tịch CIS, cho biết các ngoại trưởng của tổ chức này sẽ soạn thảo một kế hoạch hoàn thiện hoạt động của CIS trước tháng 7.2007.

Tổng thống Nazarbayev thừa nhận rằng hơn 1.600 văn bản đã được CIS thông qua nhưng hơn 70% trong số này chưa được thực thi. Ông cũng nhấn mạnh tham vọng gia nhập Tổ chức thương mại Thế giới (WTO) của các quốc gia CIS đã gây khó khăn cho các nỗ lực thành lập khu mậu dịch tự do trong khu vực và các nỗ lực này có thể bị "xếp xó" sau khi các thành viên gia nhập WTO. "Nếu tất cả quốc gia CIS gia nhập WTO, sẽ không có bất cứ cuộc thảo luận nào về không gian kinh tế trong khu vực", hãng tin RIA Novosti trích lời ông Nazarbayev cho hay.

 Điểm sáng tại hội nghị này là các lãnh đạo CIS đã thông qua tuyên bố về việc tăng cường hợp tác chống nhập cư, di cư bất hợp pháp, ký hiệp định về quy chế người đứng đầu Trung tâm chống khủng bố của CIS. Các lãnh đạo cũng đã ký hiệp ước chống rửa tiền, tài trợ khủng bố cũng như văn bản bảo vệ các quan tòa xét xử các vụ án hình sự và chống buôn người. Ngoài ra, theo Tổng thống Nazarbayev, trong khuôn khổ Hội nghị CIS đã có "sự trao đổi ý kiến đáng kể" giữa Tổng thống Nga V.Putin và Tổng thống Georgia M.Saakashvili. Ông Nazarbayev cho biết cuộc trao đổi ý kiến đó "tạo hy vọng quan hệ giữa hai nước này sẽ được cải thiện với sự thúc đẩy của các bên" trong CIS. Nga cũng tuyên bố dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu thịt và rượu từ Moldova, vốn được Nga ban hành hồi tháng 3 vừa qua.

C.Y

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.