Cộng đồng doanh nghiệp "cầu cứu" Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang

Bắc Bình
Bắc Bình
04/10/2021 08:44 GMT+7

Cộng đồng doanh nghiệp tại Tiền Giang đã gửi thư “cầu cứu” lên Chủ tịch UBND tỉnh này sau tỉnh ban hành kế hoạch phục hồi sản xuất kinh doanh trên địa bàn .

50% đơn hàng đã dịch chuyển khỏi Tiền Giang

“3 tháng qua, chúng tôi đã phải giữ chân hơn 12.000 công nhân bằng cách hỗ trợ lương cơ bản theo phân vùng (3,92 triệu đồng/người). Tới tháng này, công ty chỉ còn hỗ trợ được 50% lương cơ bản mà thôi. Thông qua các nhóm quản lý thì người lao động cho biết họ đang gặp rất nhiều khó khăn và mong muốn đi làm lại nhưng hầu hết họ vẫn đang trong các khu vực bị hạn chế đi lại như trong vùng xanh Covid-19…Trong khi khoảng 50% đơn hàng đã bị đối tác dịch chuyển đi nơi khác nhưng chúng tôi vẫn đang kẹt cứng, không thể triển khai được các đơn hàng còn lại nếu phải áp dụng 3 tại chỗ’”, đại diện Công ty TNHH Dụ Đức Việt Nam (nhà đầu tư Đài Loan trong KCN Tân Hương, H.Châu Thành, Tiền Giang) nói với PV Báo Thanh Niên vào ngày 3.10.

KCN Long Giang ở H.Tân Phước, Tiền Giang vẫn đìu hiu dù địa phương đã thiết lập vùng xanh khoảng 1 tháng qua.

bắc bình

Cùng ngày, đại diện Công ty TNHH Count Vina (nhà đầu tư Hàn Quốc, cũng trong KCN Tân Hương) cho biết, công ty đã dừng hoạt động từ ngày 15.7 đến nay. “Cho nghỉ đến hết tháng 10 rồi đến đầu tháng 11 tỉnh Tiền Giang cho công nhân đi làm lại nhưng phải tiêm đủ 2 mũi vắc xin Covid-19. Nhưng, hiện chỉ 57% công nhân được tiêm mũi 1, chưa được 1% tiêm mũi 2 và với tình hình này thì đến hết tháng 10, công ty của chúng tôi cũng không thể hoạt động trở lại được”, ông Chế Trường Lâm, Trưởng phòng Hành chính Công ty Count Vina, cho biết.

Từ Sài Gòn cầm 67 ngàn đồng chờ qua chốt Quốc lộ 1 về miền Tây

Về khách hàng, theo đại diện Công ty TNHH Count Vina thì họ còn gặp khó khăn hơn nhiều so với các doanh nghiệp FDI khác trên địa bàn Tiền Giang. Theo đó, năm 2020, phía đối tác Đức không nhận hàng vì dịch Covid-19 bán không được. Năm nay thì bên Việt Nam xuất không được cũng vì dịch Covid-19. Mẫu sản phẩm mới chưa tạo được vì các chuyên gia vẫn bị kẹt bên ngoài chưa vào được tỉnh Tiền Giang. Chuyên gia không vào doanh nghiệp được nên ngay cả việc đánh giá thiệt hại cũng chưa thể thực hiện. Số đơn hàng thì mất dần dần đến nay đã gần hết. Tỉnh không kịp thời hỗ trợ tái thiết phục hồi ngay lúc này thì doanh nghiệp rất khăn để tiếp tục trụ lại.

Hầu hết các doanh nghiệp trong KCN Tân Hương ở H.Châu Thành, Tiền Giang tiếp tục ngưng hoạt động vì không thể áp dụng 3 tại chỗ.

BẮC BÌNH

“Thú thực là ngay cả chúng tôi cũng không biết được có thu hút được công nhân trở lại nhà máy hay không chứ nói chi đến các doanh nghiệp có số lượng công nhân lớn đến vài chục ngàn người. Công ty chúng tôi cũng có đề xuất nhiều lần lên UBND tỉnh Tiền Giang để công nhân được hưởng hỗ trợ từ Nghị quyết 68 của Chính phủ nhưng chưa nhận được sự hỗ trợ”, ông Chế Trường Lâm chia sẻ.

3 tại chỗ không còn phù hợp?

Trong cuộc trao đổi với PV Báo Thanh Niên, nhiều doanh nghiệp ở Tiền Giang bày tỏ mong muốn được cho tự lên kế hoạch phòng chống dịch tại nhà máy theo hướng dẫn, giám sát của chính quyền. Phía chính quyền cần quan tâm hơn nữa người lao động trong các nhà máy để họ được tiếp cận vắc xin Covid-19.

Cụ thể, các doanh nghiệp mong muốn ngành chức năng tỉnh Tiền Giang hướng dẫn cụ thể về cách phòng dịch tại nhà máy. Khi có sự cố thì cách ly điều trị những người có liên quan, phun khử khuẩn tại nơi xảy ra ổ dịch và tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh. “Nếu có sự cố xảy ra dịch thì chính doanh nghiệp chịu thiệt hại đầu tiên và nghiêm trọng nhất. Do đó, chắc chắn chính chúng tôi sẽ làm hết mình để phòng dịch. Chi phí phòng dịch theo kế hoạch tại nhà máy, hỗ trợ điều trị, cách ly cho công nhân…chúng tôi tự chịu. Để chuẩn bị cho phòng dịch, đã chuẩn bị sẵn nơi cách ly, vùng đệm giữa các chuyền, tổ, xưởng…Đương nhiên, nếu doanh nghiệp mà giấu dịch để xảy ra hậu quả nghiêm trọng thì bị xử lý hình sự. Tỉnh có số ca nhiễm nhiều hơn, số ca nhiễm còn lại trong ngày cũng nhiều hơn Tiền Giang nhưng đều đã làm vậy, không hiểu sao Tiền Giang lại có vẻ như không muốn cho chúng tôi hoạt động lúc này”, một doanh nghiệp FDI có hơn 12.000 lao động, bức xúc.

Trước làn sóng công nhân kéo về quê nhà khiến cho chủ các doanh nghiệp có số lượng lớn công nhân lao động tại tỉnh Tiền Giang cũng hết sức lo lắng.

BẮC BÌNH

Trong thư “cầu cứu”, các doanh nghiệp FDI cũng mong muốn chính quyền tỉnh Tiền Giang tạo điều kiện cho người công nhân lao động làm việc cho họ được di chuyển theo Chỉ thị 15 về phòng chống dịch mà UBND tỉnh Tiền Giang đã áp dụng trên địa bàn toàn tỉnh. Hiện, đa số công nhân vẫn đang ở trong các rào chắn, bảo vệ vùng xanh…Không những vậy, các chuyên gia của các doanh nghiệp FDI vẫn chưa thể trở lại địa phương, vào doanh nghiệp để làm việc. Đó là một trở ngại rất lớn.

Sở dĩ cộng đồng doanh nghiệp tại Tiền Giang gửi thư “cầu cứu” lên Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang vì ngày 1.10, UBND tỉnh Tiền Giang ban hành kế hoạch “phục hồi sản xuất kinh doanh cho các cơ sở kinh doanh trên địa bàn”. Kế hoạch chia thành 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ 1.10 đến 31.10; giai đoạn 2 đến 31.12; giai đoạn 3 từ tháng 1.2022 về sau. Trong giai đoạn 1, cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp phải áp dụng 3 tại chỗ phải là đối tượng sản xuất, dịch vụ hàng hóa thiết yếu. Nếu được chính quyền cho phép hoạt động 3 tại chỗ thì định kỳ 7 ngày phải xét nghiệm PCR toàn thể người lao động, 3 ngày phải test đối với người có tiếp xúc nhận hàng hóa từ bên ngoài. Doanh nghiệp chỉ được bố trí công nhân đã được tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin Covid-19 (hơn 14 ngày), trước khi vào nhà máy phải có giấy xét nghiệm PCR âm tính với Covid-19. Trong giai đoạn 2, đối tượng công nhân lao động phải tiêm đủ 2 mũi vắc xin Covid-19 và doanh nghiệp chuyển đổi từ 3 tại chỗ sang phương thức chống dịch khác…

Tỉnh Tiền Giang đang áp dụng Chỉ thị 15 để phòng chống dịch Covid-19.

BẮC BÌNH

“Kế hoạch phục hồi sản xuất, kinh doanh của tỉnh Tiền Giang không muốn cho chúng tôi có hoạt động trong thời gian đến hết tháng 10.2021. Đó là những động thái nghiêm trọng, tiếp tục đặt ra thách thức quá lớn đối với chúng tôi”, đại diện Công ty TNHH Dụ Đức Việt Nam cho biết.

Theo đại diện Công ty Dụ Đức Việt Nam, ngay sau khi nhận Kế hoạch phục hồi sản xuất kinh doanh của UBND tỉnh Tiền Giang ký ngày 1.10, phía công ty cùng 10 doanh nghiệp khác của tổng số 52.000 lao động đã thống nhất ký gửi thư “cầu cứu” lên ông Nguyễn Văn Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, với hy vọng được ông chỉ đạo tháo gỡ. Đến nay, phía ông Nguyễn Văn Vĩnh, cũng như UBND tỉnh Tiền Giang chưa phản hồi thư này.

“Theo số liệu gần nhất, Tiền Giang đã được phân bổ 480.000 liều vắc xin Covid-19, cao thứ 9 trong cả nước… Số ca nhiễm mỗi ngày chỉ vài chục ca, chủ yếu trong các khu cách ly. Nhưng, tỉnh Tiền Giang vẫn lấy chủ trương 3 tại chỗ làm trọng tâm áp dụng cho các doanh nghiệp, điều này không đồng bộ với chủ trương tại các tỉnh phía Nam trong thời gian qua, đặc biệt là các doanh nghiệp có đông công nhân lao động. Chúng tôi đã kiến nghị UBND tỉnh Tiền Giang nhiều lần nhưng chưa được phản hồi thỏa đáng”, cộng đồng 11 doanh nghiệp đặt vấn đề với Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.