Cộng đồng quốc tế nỗ lực vì biển Đông

22/11/2012 04:00 GMT+7

Không chỉ phân tích cặn kẽ vấn đề biển Đông, các chuyên gia quốc tế còn cùng nhau nhấn mạnh nền tảng pháp lý giải quyết tranh chấp tại đây.

Chiều 21.11, Hội thảo khoa học quốc tế lần thứ tư về biển Đông với chủ đề “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển ở khu vực” đã bế mạc tại TP.HCM. Trả lời Thanh Niên, GS Ngô Vĩnh Long, Đại học Maine của Mỹ, nhận định hội thảo quy tụ nhiều chuyên gia đầu ngành về biển Đông trên thế giới, giúp phân tích cặn kẽ nhiều khía cạnh xung quanh vấn đề trên. Đây là một trong những nỗ lực quan trọng phục vụ cho chiến lược lâu dài nhằm giải quyết rốt ráo tranh chấp tại biển Đông.

Giáo sư hàng hải Geoffrey Till, Đại học King tại Anh và Trường nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam (RSIS) ở Singapore, khẳng định biển Đông đóng vai trò trung tâm đối với lợi ích của nhiều bên. Phó đô đốc (đã nghỉ hưu) Hideaki Kaneda, Giám đốc Viện Okazaki ở Nhật Bản, cũng khẳng định nhiều nước đang có lợi ích tại đây, chẳng hạn như Mỹ, Nhật, Úc, Ấn Độ… Các nước này đang hình thành cơ chế an ninh hàng hải trên biển Đông nên cần tham gia giải quyết vấn đề ở khu vực này.

“Đường lưỡi bò” vô lý

Tại hội thảo, không ít ý kiến chỉ trích việc Trung Quốc đưa yêu sách trên biển Đông với bản đồ “đường lưỡi bò”. Phát biểu tại hội thảo, chuyên gia Lý Danh Tượng thuộc RSIS cho rằng: “Sự mập mờ trong yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở biển Đông gây lúng túng cho những người ngoài cuộc với câu hỏi chính xác thì Trung Quốc đang yêu sách điều gì. Một số nhà quan sát tin rằng Trung Quốc yêu sách vùng nước lịch sử bên trong “đường 9 đoạn” ở biển Đông”. 

Kết thúc hội nghị, các đại biểu nhất trí rằng đường lưỡi bò và cái gọi là "quyền lịch sử" của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý và gây quan ngại cho các quốc gia có liên quan. Lập luận về quyền lịch sử của Trung Quốc cũng không có cơ sở.

Trả lời báo giới bên lề hội nghị, Giáo sư Tô Hạo, Đại học Ngoại giao ở Bắc Kinh (Trung Quốc), thừa nhận “đường lưỡi bò” đơn thuần là do chính phủ Trung Hoa Dân Quốc trước đây vẽ ra. Đồng thời, ông cũng giải thích lòng vòng về bản đồ này: “Vùng nước nằm phía trong “đường 9 đoạn” không phải là vùng nước Trung Quốc có chủ quyền, mà chỉ là vùng nước có thể đưa ra bàn thảo với các quốc gia khác”. Ông Tô Hạo còn thừa nhận bản đồ “đường lưỡi bò” do Trung Quốc đưa ra gây quan ngại cho các bên tranh chấp lẫn cộng đồng quốc tế.

Trong hội thảo lần này, sự quan ngại không chỉ đến từ “đường lưỡi bò” mà còn từ những hành động của Bắc Kinh. Theo bà Stephanie Kleine-Ahlbrandt, chuyên gia thuộc Nhóm nghiên cứu khủng hoảng quốc tế (ICG), chính các cơ quan trong nội bộ Trung Quốc cũng cạnh tranh nhau để tìm kiếm lợi ích trên biển Đông. Điều này dẫn đến nhiều hành động quá đà, gây quan ngại.

Ngoài ra, trình bày tham luận tại hội thảo, các chuyên gia như Giáo sư Carlyle Thayer, thuộc Học viện Quốc phòng Úc, và chuyên gia Richard A.Bitzinger, thuộc RSIS, cũng chỉ ra những hệ lụy của việc Trung Quốc không ngừng gia tăng quân sự trong khu vực.

Philippines sẽ tổ chức họp về biển Đông

Philippines sẽ tổ chức một đợt hội nghị với các nước ASEAN trực tiếp liên quan tới tranh chấp tại biển Đông. AFP dẫn lời Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario ngày 21.11 cho hay các cuộc họp cấp thứ trưởng ngoại giao sẽ diễn ra tại Manila từ ngày 12.12.

Các cuộc họp lần này không mời đại diện của Trung Quốc, nước luôn khăng khăng rằng tranh chấp cần được giải quyết trên cơ sở đàm phán song phương. “Chúng tôi tôn trọng ý kiến của Trung Quốc nhưng không chấp nhận nó. Tranh chấp trên biển là mối nguy cho an ninh và ổn định của toàn khu vực”, Ngoại trưởng del Rosario nói. Do đó, theo ông, cần thúc đẩy cách tiếp cận đa phương cho vấn đề biển Đông để tìm một giải pháp hòa bình.

Lê Loan

Ngô Minh Trí

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.