|
Đề nghị này đang gây bão trên mạng dưới nhiều góc nhìn khác nhau. Theo tôi, chỉ có điều nên làm rõ: mục đích công khai danh tính người mua dâm để làm gì?
Nhu cầu “khó cưỡng”, xóa sạch chỉ là mơ ước
Theo chia sẻ của ông Hoàng Thành Thái, Phó giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội thì “Chúng tôi nghĩ với tất cả những người mua dâm, cần thiết phải công khai danh tính đến đoàn thể, chính quyền địa phương để kiểm điểm, giáo dục, đấy là hình thức để răn đe, để không tái phạm”.
Hình phạt đánh vào danh dự này có thể đem đến kết quả là những người từng mua dâm sẽ chùn bước nếu không muốn bị công khai danh tính đến đoàn thể, chính quyền địa phương…
Tuy nhiên, nếu nói rằng nhờ thế nạn mua bán dâm sẽ chấm dứt thì… còn lâu, thậm chí việc “mua bán” diễn ra tinh vi hơn.
Tệ nạn mại dâm - như cách nhìn nhận lâu nay của xã hội Việt - dường như tồn tại đã rất lâu rồi và chưa bao giờ chấm dứt, dù có những đợt truy quét chỗ này chỗ khác, dù có trường “phục hồi nhân phẩm” - nơi giáo dục và dạy nghề cho những cô gái hành nghề mại dâm.
Trên thực tế lâu nay, cứ dẹp được “nạn đứng đường, chèo kéo” chỗ này thì sẽ… phát sinh chỗ khác, âu cũng là lẽ tự nhiên về một nhu cầu “mua-bán” mặt hàng đặc biệt trong đời sống con người.
Nhìn rộng ra, các nước trên thế giới: dù giàu hay nghèo, dù phát triển hay đang phát triển… cũng đều không tránh khỏi tệ nạn này. Có nước chấp nhận cho công khai hoạt động ở một khu vực nào đó để quản lý, có nước cấm nhưng trên thực tế vẫn không triệt tiêu được tệ nạn này, bởi bản năng sinh lý vẫn là thứ quyến rũ khó cưỡng nên bằng cách nào đó sự đổi chác “tình - tiền” vẫn diễn ra muôn ngàn cách, với đủ kiểu “ngụy trang” vô cùng đa dạng.
Thế nên, Việt Nam cũng sẽ không bao giờ thoát khỏi tệ nạn này: may ra thì có thể đảm bảo môi trường xã hội chỗ này chỗ kia đã được kiểm soát nhưng xóa sạch được tệ nạn mại dâm sẽ mãi mãi chỉ là mơ ước mà thôi.
Cần công bằng cho cả đôi bên
Thỉnh thoảng, báo chí vẫn đăng tải chỗ này chỗ kia bị phát hiện có “ổ mại dâm trá hình”… với những hình ảnh chụp tại “hiện trường” rất phản cảm là các cô gái bán dâm… lấy tay che mặt. Chưa bao giờ trong các bản tin đó chụp cận cảnh các “quý ông mua dâm” bị bắt. Hình phạt dường như sau đó cũng chỉ “giáng” vào “bên bán” là các cô gái bán dâm sẽ bị đưa vào trường phục hồi nhân phẩm để được giáo dục hay học nghề. Nhìn tổng thể, cách xử phạt này không công bằng và hoàn toàn thiên vị cho “bên mua”.
Thiết nghĩ, có lẽ không cần công khai danh tính kẻ mua dâm làm gì mà chỉ cần công khai hình ảnh thôi cũng đủ. Thay vì chỉ chụp ảnh các cô gái bán dâm đang co rúm người và lấy tay che mặt, các bản tin phát hiện “ổ mại dâm trá hình” nên chụp hình kẻ mua dâm và kẻ bán dâm cùng đứng thẳng hàng, giống các bản tin chụp hình các băng cướp hay nhóm tội phạm, như thế mới công bằng.
Hình ảnh tự nó sẽ nói lên rất nhiều điều, và hậu quả nếu có thì cũng không tệ hại như việc công khai danh tính tại địa phương hay trên các phương tiện truyền thông.
Có ai biết trên thực tế: các vụ phát hiện “ổ mại dâm trá hình” chiếm tỷ lệ bao nhiêu phần trăm so với những vụ mại dâm đang tồn tại? Không có con số thống kê, nhưng tôi tin rằng tỷ lệ phát hiện là rất nhỏ so với số vụ đang tồn tại! Đôi khi các cơ quan chức năng chỉ chú tâm bắt những “ổ mại dâm trá hình” tồn tại ở gốc cây, lề đường, quán nhậu, nhà hàng, cơ sở massage... mà quên rằng hình thức mại dâm còn tồn tại trong những “hợp đồng làm ăn” giữa các ông chủ hoặc giữa các quan chức.
Hình thức mại dâm kiểu “cung ứng gái tơ” cho những “hợp đồng làm ăn” giữa những người “có máu mặt” này mới đúng là thứ cần lên án và phá bỏ tận gốc rễ!
Đáng buồn thay, trong bất kỳ vụ việc nào cũng có những “ngoại lệ” và điều mà chúng ta chỉ nhìn thấy đôi khi không phản ánh được đúng sự thật.
Cát Văn (*)
(*) Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một người dân đang sống tại TP.HCM
>> Đề nghị hình sự hóa mua dâm đồng tính
>> Mua dâm rồi giết người, lãnh án tử hình
>> Bắt 2 vụ người nước ngoài mua dâm
>> Đi mua dâm bị cướp
>> Bị bắt vì mua dâm trong lúc hưởng tuần trăng mật
Bình luận (0)