(TNO) Ngày 16.1, UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp với Bộ chỉ huy (BCH) Quân sự tỉnh cùng các sở, ngành, chính quyền địa phương các huyện nằm trong vùng động đất và hạ du thủy điện Sông Tranh 2 tổ chức buổi thảo luận để nghe phổ biến kế hoạch sơ tán dân nếu xảy ra thảm họa vỡ đập.
>> Chưa tích nước phát điện thủy điện Sông Tranh 2
Kịch bản động đất gây vỡ đập thủy điện Sông Tranh 2 (H.Bắc Trà My) được xây dựng trên 2 tình huống: động đất gây vỡ đập trong thời điểm mưa lũ và động đất gây vỡ đập trong điều kiện không có mưa lũ.
|
Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Ngọc Quang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, nói: “Cần xác định kế hoạch này được xây dựng theo kịch bản động đất gây vỡ đập. Nghĩa là, chúng ta chịu sự uy hiếp của khối lượng nước lớn khi đập vỡ. Ứng phó với điều này là phải đặt sự an toàn con người lên trước, tức là phải sơ tán dân”.
Hơn 62.600 người dân cần được sơ tán
Theo dự thảo kế hoạch sơ tán, sông Tranh thuộc thượng nguồn sông Thu Bồn có lòng sông hẹp, nếu có sự cố vỡ đập thủy điện Sông Tranh 2 sẽ gây ngập nhanh ở vùng hạ du các huyện: Bắc Trà My, Tiên Phước, Hiệp Đức, Nông Sơn, Duy Xuyên, Đại Lộc, Điện Bàn và phố cổ Hội An.
Theo đó, số lượng người dân cần sơ tán là hơn 62.600 người dân thuộc 145 thôn, 51 xã, thị trấn. Khi xảy ra sự cố, lực lượng tìm kiếm cứu nạn với hàng ngàn người thuộc các địa phương cũng như bộ đội, công an, các đội cứu nạn của tỉnh sẽ tham gia ứng cứu.
|
Tại cuộc họp này, các cao điểm để người dân tìm đến trú tránh khi xảy ra vỡ đập đã được BCH Quân sự tỉnh Quảng Nam công khai. Theo đó, các thông tin về cự ly di chuyển, tọa độ cao điểm, số dân trong từng thôn, tuyến đường cơ động, phương tiện để sơ tán dân đến điểm an toàn... được công bố.
Theo kế hoạch này, UBND H.Bắc Trà My phối hợp với Ban quản lý (BQL) thủy điện Sông Tranh 2 sẽ đặt trạm quan sát tại nhà điều hành nhà máy để theo dõi tình hình, quan sát 24/24 giờ, khi có động đất phải điện thông báo ngay.
Ngoài ra, các huyện vùng hạ du thủy điện Sông Tranh 2 khảo sát, xác định các vị trí sơ tán cho người dân; tiến hành xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện đến các ban, ngành, hội của huyện, các xã, phường, thị trấn và nhân dân biết để trú tránh. Khi xảy ra sự cố vỡ đập, cần thực hiện tốt phương châm bốn tại chỗ, tự cứu mình là chính, các hộ gia đình, địa phương chủ động sơ tán phòng tránh an toàn.
Vẫn chưa có bản đồ ngập lụt phục vụ sơ tán dân
Tại cuộc họp, điều khiến đại diện chính quyền các địa phương lo lắng là đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có bản đồ ngập lụt khi xảy ra sự cố vỡ đập Sông Tranh 2.
Ông Lê Trí Hiệu, Phó chủ tịch UBND H.Tiên Phước, cho biết: “Mới đây, thủy điện Sông Tranh 2 chỉ xả một lượng nước 500 m3/giây nhưng đã làm ngập địa phương lên đến 1 m. Cho nên, cần phải có bản đồ ngập lụt vùng hạ lưu khi vỡ đập. Trên cơ sở đó mới xác định được các thôn cần di dời, các điểm cao để dân chạy đến…”.
|
Đồng quan điểm này, đại diện các huyện Điện Bàn, Duy Xuyên cũng cho rằng, cần thiết phải có bản đồ ngập lụt; đỉnh lũ khi vỡ đập là bao nhiêu mới có thể sơ tán dân được.
Ông Trần Quốc Khánh, Phó trưởng BCH PCLB H.Đại Lộc nói: “Muốn sơ tán dân thì trước hết phải biết khả năng vỡ đập nước sẽ ngập đến đâu. Đơn vị chức năng cần làm việc với thủy văn để biết lượng nước sông Thu Bồn dâng lên bao nhiêu khi vỡ đập, rồi tính phương án di dời”.
Ông Trần Anh Tuấn, Phó chủ tịch UBND H.Bắc Trà My nhấn mạnh: “Cần phải xác định việc dự báo, dự lượng khi xảy ra thảm họa là quan trọng nhất. Hiện 5 trạm quan trắc động đất không có khả năng dự báo giúp người dân biết trước vỡ đập để chạy… Nếu các dự lượng căn cứ vào 5 trạm này là không được”.
Theo ông Tuấn, khi xảy ra sự cố, trời sẽ mưa, địa hình Bắc Trà My là vùng đồi núi thì lắp đặt còi hú là tốt nhất. Theo đó, sẽ quy định theo hiệu lệnh còi: 1 hồi, 2 hồi hoặc 3 hồi để có cách ứng xử.
Ông Nguyễn Ngọc Quang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu, BCH Quân sự tỉnh nhanh chóng khảo sát, xác định lại các điểm cao, xây dựng lại bản kế hoạch sơ tán nhân dân khi vỡ đập cụ thể, chi tiết hơn. Ông Quang cũng đề nghị, BQL dự án thủy điện Sông Tranh 2 phối hợp với chính quyền địa phương sớm xây dựng hệ thống cảnh báo vỡ đập.
“Đối với những nơi sát đập cần quy hoạch những điểm cao, cần chuẩn bị mặt bằng, các đường để di chuyển… Việc tập trung lực lượng, hiệp đồng như thế nào cũng phải cụ thể. Yêu cầu BCH Quân sự tỉnh có “sản phẩm” cụ thể, để sau Tết trình lên Bộ Quốc phòng và Quân khu 5, sau đó tuyên truyền cho người dân và phục vụ diễn tập”, ông Quang nói.
Hoàng Sơn
>> Chưa thể nói an toàn với Sông Tranh 2
>> Quốc hội kiểm tra thủy điện Sông Tranh 2
>> Lại động đất mạnh tại khu vực thủy điện Sông Tranh 2
>> Quân đội sẽ diễn tập ứng phó động đất tại Sông Tranh 2
Bình luận (0)