Công khai quá tải

24/06/2011 23:34 GMT+7

Tình trạng chở quá tải đã được chấp nhận như một chuyện đương nhiên trong giới vận tải. Thậm chí chủ hàng, tài xế hay các cảng đều công khai tổng tải trọng thật trong các giấy tờ giao dịch, phiếu cân mà không hề sợ CSGT "hỏi thăm".

 

Xe chở phôi sắt, tổng tải trọng ước khoảng 80 tấn, vô tư vượt cầu Tân Thuận hạn chế tải trọng 30 tấn - ảnh: Diệp Đức Minh

Khó hay không muốn phạt?

Nếu CSGT xử phạt nghiêm, thì với mức phạt

3 - 5 triệu đồng với chủ xe, tài xế bị tước bằng lái 30 - 60 ngày thì doanh nghiệp sẽ lỗ nặng và không dám chở quá tải nữa

Ông Lương Hoàng Trung - Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM

Trong nửa đầu tháng 6, chúng tôi thường xuyên trực trước cổng các cảng bốc xếp hàng rời như Bến Nghé, Lotus, Khánh Hội... và bao giờ cũng chứng kiến từng dòng xe quá tải nặng nề từ trong cảng đi ra. Trên thực tế, tài xế, chủ xe muốn chở hàng nhiều hay ít, nặng hay nhẹ đều do nhân viên, máy móc trong cảng bốc xếp lên xe. Sau khi chất hàng, mỗi xe rời cảng đều phải cân tải trọng và in phiếu cân, dùng phiếu này để giao dịch công khai. Nói cách khác, việc chở quá tải không phải là chuyện âm thầm, lén lút mà được thừa nhận từ công đoạn bốc xếp, sau đó công khai vận chuyển trên những cung đường hàng chục km để về các khu công nghiệp, nhà máy.

Chúng tôi có trong tay phiếu cân của hàng loạt xe chở hàng tại một cảng ở TP.HCM. Các phiếu cân này thể hiện rất rõ ngày giờ, số xe, loại hàng, số lượng, tải trọng hàng và tổng tải trọng xe, cũng có nghĩa là thể hiện rất rõ tình trạng quá tải nghiêm trọng của xe.

Chẳng hạn, ngày 21.6, xe biển số 57L-86... chở sắt khoanh với số lượng 35 cuộn, trong đó chỉ riêng khối lượng hàng đã lên đến 62 tấn, còn tổng tải trọng gần 80 tấn. Như vậy, xe này chở quá tải gấp đôi tổng tải trọng và gấp 3 lần tải trọng hàng cho phép, nhưng vẫn có thể tự nhiên chạy từ Q.4 về khu công nghiệp Sóng Thần (Bình Dương). Tương tự, xe 57L-74... chở thép tấm với số lượng 63 tấm, tải trọng hàng 73 tấn, kể cả xác xe thì tổng tải trọng là 90 tấn. Xe 57M-32... chở 39 cây sắt phôi, tương đương tổng tải trọng trên 82 tấn. Xe biển số 57L-01... chở 11 bó sắt phôi tương đương tổng tải trọng 81 tấn. Xe biển số 57L-30... chở đến 13 bó sắt phôi tương đương tổng tải trọng 93,5 tấn. Xe 57L-61... chở 55 cây sắt phôi tương đương tổng tải trọng 94 tấn... Hầu hết các xe chở sắt, thép từ các cảng đi ra không xe nào có phiếu cân dưới 80 tấn, nhiều xe nặng trên 100 tấn là chuyện thường, tương đương mức độ vượt tải gấp 3 - 4 lần.

Chở quá tải, tài xế cũng ớn

Ông K. - người có hơn 30 năm trong nghề vận tải tại TP.HCM - cho biết nếu hỏi có thích chở quá tải hay không thì chắc chắn 100% tài xế đều trả lời là không muốn. Họ chở là vì bị chủ xe bắt buộc. "Nhiều khi thấy xe chất hàng như núi, lên đến 100 - 110 tấn hàng, tôi cũng ớn lạnh, ngồi lên xe là phó thác tính mạng mình. Chỉ cần một sơ suất nhỏ, hay bộ phận nào của xe gãy, gặp sự cố thì khó mà thoát nạn. Các tài xế già còn e dè, chứ mấy tài xế trẻ gan lì, xốc nổi nên vô tư, chẳng may gặp sự cố thì không cách nào thắng lại, vô cùng nguy hiểm. Tôi từng tận mắt chứng kiến vụ tai nạn trên đường Nguyễn Văn Linh, xe đầu kéo chở 3 cuộn tôn (37 tấn/cuộn), tải trọng hàng 111 tấn hàng (cả xác xe là hơn 130 tấn), khi tài xế thắng gấp, cuộn tôn phía sau trườn tới bứt đứt xích đè chết tài xế” - ông K. kể.

 HOÀNG VIỆT

Một cán bộ CSGT cho rằng rất khó xử phạt xe quá tải, bởi CSGT không thể dừng xe khi không có dấu hiệu vi phạm ban đầu (xe chạy quá tốc độ hay lấn tuyến...). Mặt khác, muốn xử phạt quá tải phải có phiếu cân, nhưng việc áp giải xe đến trạm cân xe gặp nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, ông Lương Hoàng Trung - Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM - cho rằng nếu CSGT cương quyết xử phạt xe quá tải thì hoàn toàn không khó. "Chỉ cần một buổi ghi nhận tại các cảng, CSGT hoàn toàn có thể nắm được trọng lượng của một số loại hàng cơ bản (phôi sắt cây, phôi sắt bó, thép tấm, tôn cuộn, phân bón...) và chỉ bằng một vài phép nhẩm tính là có thể nhận biết được xe quá tải hay không. Từ dấu hiệu ban đầu đó, CSGT yêu cầu dừng xe và kiểm tra phiếu cân là có đủ cơ sở xử phạt, bởi việc cân xe đã được các cảng thực hiện giùm rồi. Nếu CSGT xử phạt nghiêm, thì với mức phạt 3 - 5 triệu đồng với chủ xe, tài xế bị tước bằng lái 30 - 60 ngày thì doanh nghiệp sẽ lỗ nặng và không dám chở quá tải nữa" - ông Trung nói.

Cầu đường lãnh đủ

Theo ông Trung, việc kiểm soát xe quá tải được quy định rất kín kẽ trên các văn bản pháp luật nhưng trong thực tế thì hoàn toàn buông lỏng. Từ 2 năm trở lại đây, mức độ quá tải ngày càng nghiêm trọng, không phải chỉ vượt tải vài chục phần trăm, mà ít nhất là 200 - 400% tải trọng cho phép.

 Kỹ sư Vũ Đức Thắng - Phó chủ tịch Hội Tư vấn khoa học công nghệ và quản lý TP.HCM (Hascon) - phân tích, việc xe quá tải lưu thông sẽ có sức phá hủy kết cấu cầu đường rất lớn. Trong đó, nếu những xe quá tải vừa phải thì mức độ hư hỏng chưa thể thấy ngay bằng mắt thường mà tích lũy từ từ làm giảm tuổi thọ cầu đường. Riêng những xe quá tải nghiêm trọng sẽ làm mặt đường võng xuống, biến dạng ngay và các xe phía sau cứ thể bồi vào làm nứt, hỏng mặt đường. Nếu các xe chở quá tải 10% thì mức độ tổn hại cho cầu đường tăng 1,5 lần, trong khi xe vượt tải 95% sẽ gây tổn hại gấp 12,5 lần.

Theo ông Lê Quyết Thắng - Giám đốc Khu quản lý giao thông đô thị số 1 - thực tế cho thấy các tuyến đường có xe tải nặng thường xuyên lưu thông như Nguyễn Tất Thành, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Hữu Cảnh... phải tiến hành duy tu, bảo dưỡng thường xuyên hơn và chi phí cao hơn so với các tuyến đường khác. Chẳng hạn, cầu Khánh Hội vừa đưa vào sử dụng 2 năm và đường Nguyễn Tất Thành đều phải tiến hành bù lún nhiều lần. Tương tự, trục đường Nguyễn Hữu Cảnh thường xuyên trong cảnh nhếch nhác, xuống cấp cũng một phần do xe quá tải và thời gian qua ngân sách đã phải chi hàng trăm tỉ đồng sửa chữa, bù lún. Các cây cầu tại TP.HCM cũng phải tiến hành đại tu, trong đó cầu Bình Triệu 1 vừa hoàn thành việc nâng cấp, còn cầu Sài Gòn đang được sửa chữa lớn với chi phí hàng chục tỉ đồng.

Ông Lê Hồng Việt - Phó chánh thanh tra Sở GTVT TP.HCM: Tăng cường kiểm tra trước các cảng

Mới đây, Quy chế phối hợp liên ngành kiểm tra tải trọng trên địa bàn TP.HCM của UBND TP quy định các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra tại các cổng cảng biển, cảng cạn, cảng sông, kho hàng, khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao..., khi phát hiện xe chở quá tải thì yêu cầu xe vào bên trong để hạ tải. Trường hợp kiểm tra trên đường khi phát hiện xe chở quá tải trọng cho phép thì áp tải xe đến trạm cân gần nhất để hạ tải. Trường hợp xe chở quá tải gây hư hại cầu, đường thì buộc chủ xe phải khôi phục lại tình trạng ban đầu... 

Phương Thanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.