Công nghệ chế biến mỹ phẩm “siêu tốc”

01/01/2011 02:29 GMT+7

Nếu chứng kiến “công nghệ” chế biến các loại mỹ phẩm này thì có lẽ không một ai dám mua về sử dụng.

Như Thanh Niên đã thông tin, ngày 18.12, Phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC 46) Công an TP Cần Thơ kết hợp cùng chính quyền địa phương tiến hành kiểm tra nhà số 132/28S đường Hùng Vương, P.Thới Bình, Q.Ninh Kiều, TP Cần Thơ do ông Phạm Thanh An (SN 1975) là chủ hộ. Tại đây, PC 46 đã phát hiện ông An và một số công nhân đang sản xuất trái phép và tàng trữ số lượng lớn các loại kem, mỹ phẩm tẩy trắng và lột mụn thành phẩm cùng số lượng lớn bao bì, nhãn mác của nhiều cơ sở mỹ phẩm đang được tiêu thụ mạnh trên thị trường.

Chết do sử dụng kem tẩy trắng da

Cách đây không lâu, tại tỉnh Đồng Tháp, dư luận xôn xao về cái chết bất thường của em Nguyễn Ngọc Bích (15 tuổi, ngụ ấp Hòa Quới, xã Hòa Tân, H.Châu Thành). Cơ quan CSĐT tỉnh Đồng Tháp phải cho khai quật để khám nghiệm tử thi, làm rõ nguyên nhân. Theo bà Nguyễn Thị Hoa, mẹ em Bích, kể: buổi chiều, Bích đến tiệm bán mỹ phẩm Thảo My cạnh chợ Nha Mân mua thuốc (được trộn sẵn) về “tẩy trắng”. Khoảng một giờ sau, Bích bắt đầu có triệu chứng nóng sốt, nôn mửa, khó chịu... gia đình tức tốc chuyển em đến Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc cấp cứu nhưng sức khỏe Bích trở nên xấu hơn rồi tử vong.

Tại cơ quan điều tra, ông An thừa nhận, từ tháng 8.2008 đến ngày bị phát hiện, cơ sở này đã chế biến và tung ra thị trường các tỉnh khu vực ĐBSCL, Bình Dương, Nha Trang, Vũng Tàu, TP.HCM... gần 190 ngàn hộp kem loại tẩy trắng da “siêu tốc”, với số tiền thu được trên 678 triệu đồng. Nếu chứng kiến “quy trình công nghệ” chế biến các loại kem trên thì có lẽ không một ai dám  mua về sử dụng. Bởi lẽ, về mặt chuyên môn, ông An không có bất cứ một bằng cấp, chứng chỉ nào về ngành dược; chỉ “học lóm” người khác rồi mua các loại hóa chất trôi nổi trên thị trường về trộn lại, cho ra thành phẩm bán ra thị trường. Theo khai nhận của ông An, ông đã mua các loại hóa chất như vaseline, acid salicylic, lattat, phẩm màu, sáp trắng và thuốc dùng để uốn tóc... sau đó trộn chung với nhau, đem đun, rồi đưa vào cối dùng mô-tơ trộn cho đều; mua loại hũ dùng đựng bánh flan để đựng thành phẩm, dán nhãn mác vào, tung ra thị trường với 4 loại: kem lột lạnh nha đam thơm (40g), kem cao cấp đảm bảo, kem lột lạnh 1 giờ, kem lột lạnh 2 giờ. Sau đó, bỏ mối cho các nơi tiêu thụ với giá từ 3,5 đến 6 ngàn đồng/hũ. Ngoài việc sử dụng các hóa chất trên, ông An còn dùng hóa chất, phẩm màu trộn vào các loại kem để cho ra nhiều loại mỹ phẩm khác nhau, nhưng thực chất chỉ là một.

Khám xét cơ sở của ông An, lực lượng chức năng còn phát hiện số lượng lớn các nhãn mác, bao bì của nhiều cơ sở mỹ phẩm trong nước như: kem lột lạnh AiHao, kem tẩy trắng 3 Day của Công ty TNHH mỹ phẩm Tỷ Hoa (26 Thủ Khoa Huân, Q.1, TP.HCM), kem lột da cao cấp Xuân Hồng của Công ty Hóa mỹ phẩm Ngọc Lan (đường Cách Mạng Tháng 8, Q.10, TP.HCM), kem lột da cao cấp Hoa anh đào (Hà Nội)... Cơ quan điều tra cũng đang làm rõ, ngoài việc sản xuất 4 loại kem, mỹ phẩm trái phép trên, ông An còn chế biến các loại kem khác giả nhãn hiệu các cơ sở sản xuất trên theo đơn đặt hàng của một số đối tượng kinh doanh mỹ phẩm.
  
Trao đổi với PV Thanh Niên, dược sĩ  Châu Ngọc Tâm, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm TP Cần Thơ cho biết, các loại hóa chất mà ông An dùng để chế biến kem tẩy trắng da hiện có bán công khai trên thị trường. Tuy nhiên, việc sản xuất các loại mỹ phẩm phải được sự cho phép của các ngành chức năng và phải ghi rõ thành phần của các loại hóa chất theo một  liều lượng cho phép.

Hiện trên thị trường có bán rất nhiều loại mỹ phẩm không ghi rõ xuất xứ, nguồn gốc; trong đó có việc quảng cáo tẩy trắng da “siêu tốc”. Để làm các loại này, các cơ sở sản xuất mỹ phẩm bất hợp pháp pha chế nhiều loại hóa chất với liều lượng cao, sẽ khiến ăn mòn da…

Mai Trâm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.