Công nghệ ngoài hành tinh đang nằm trong lòng Thái Bình Dương?

23/04/2022 20:00 GMT+7

Nhà vật lý thiên văn Avi Loeb, giáo sư Đại học Harvard (Mỹ), đang lên kế hoạch cho sứ mệnh tìm kiếm điều mà ông cho là công nghệ ngoài hành tinh trong lòng Thái Bình Dương.

Mô phỏng một thiên thạch lao xuống biển

afp/getty

Báo cáo của Bộ Tư lệnh Không gian Mỹ (USSC) tuần trước đã xác nhận vật thể lao xuống Thái Bình Dương năm 2014 đến từ một hệ sao khác ngoài Thái dương hệ.

Sau 8 năm kể từ khi sự kiện trên xảy ra, USSC mới tiết lộ vật thể liên sao lao qua bầu trời bên trên đảo Manus (Papua New Guinea) trên thực tế là một thiên thạch, theo Đài CNN.

Xuất phát từ ngoài hệ mặt trời, thiên thạch liên sao có tên CNEOS 2014-01-08 đã trải qua cuộc hành trình dài trước khi lao xuống bờ đông bắc của Papua New Guinea ngày 8.1.2014.

Tuy nhiên, giáo sư Loeb lại cho rằng vật thể trên phải là một dạng phi thuyền của người ngoài hành tinh chứ không đơn thuần là thiên thạch như thông tin do quân đội Mỹ cung cấp.

Trong bài viết trên trang The Debrief, vị giáo sư nêu lên một câu hỏi: “Phải chăng bất kỳ thiên thạch liên sao nào cũng có thể mang theo thành phần có nguồn gốc nhân tạo rõ ràng hay không”.

“Và có lẽ một số thành phần công nghệ vẫn sống sót sau vụ va chạm (dưới biển)”, theo ông Loeb.

Giáo sư Loeb dành nhiều thập niên để nghiên cứu thiên văn học và gần đây chuyển hướng nghiên cứu nhằm tìm ra câu trả lời về việc liệu có sự sống nằm ngoài trái đất hay không.

Cách đây vài năm, ông cũng là nhà thiên văn học đã phát hiện Oumuamua. Đây là vật thể liên sao đầu tiên được ghi nhận từng xâm nhập hệ mặt trời. Thiên thể bí ẩn xuất phát từ hướng của chòm sao Thiên Cầm, cách Trái đất khoảng 25 năm ánh sáng.

Giải mã bí ẩn dao găm "ngoài hành tinh" của Pharaoh Tutankhamun

Trong bài viết mới về CNEOS 2014-01-08, ông phân tích rằng sứ mệnh trục vớt cần sử dụng các nam châm dò tìm thềm biển có diện tích 10 km vuông của Thái Bình Dương, nơi thiên thể được cho là đã rơi xuống.

“Giấc mơ của tôi là ấn nút vào một thiết bị hoạt động và được sản xuất bên ngoài địa cầu”, ông cho biết.

Vẫn chưa rõ bằng cách nào ông và đội ngũ của mình có thể hoàn tất việc trục vớt thiên thạch ở Thái Bình Dương.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.