Công nghệ 'phủ sóng' hoạt động dạy ngoại ngữ năm 2023 và dự đoán gì năm 2024?

Ngọc Long
Ngọc Long
31/12/2023 18:44 GMT+7

2023 là năm các sản phẩm công nghệ, nhất là trí tuệ nhân tạo (AI) như ChatGPT, ghi dấu mạnh mẽ trong hoạt động học và dạy ngoại ngữ tại Việt Nam với nhiều ứng dụng, phương pháp mới.

Công nghệ 'phủ sóng' hoạt động dạy ngoại ngữ năm 2023 và dự đoán gì năm 2024?- Ảnh 1.

Học sinh Trường THCS Cầu Kiệu (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) được giáo viên hướng dẫn thao tác trong giờ học nghe môn tiếng Anh

NHẬT THỊNH

Được ra mắt vào tháng 11.2022 và bắt đầu phổ biến tại Việt Nam từ tháng 1, ChatGPT hiện thu hút hàng triệu người dùng với các tính năng được cập nhật liên tục. Sự nở rộ của công cụ này cũng "mở đường" cho hàng loạt hội thảo, tập huấn về sử dụng AI trong giáo dục từ cấp bộ đến cấp trường xuyên suốt năm 2023, đánh dấu một bước ngoặt đối với việc học và dạy ngoại ngữ nói riêng, các môn học nói chung.

Thay đổi "cuộc chơi"

Có kinh nghiệm đào tạo giáo viên và đứng lớp ở lĩnh vực công lẫn tư, thạc sĩ Khưu Hoàng Nhật Minh, Giám đốc phát triển và học thuật Trung tâm Anh ngữ Origins Language Academy, đánh giá xu hướng dùng AI như ChatGPT, Bard... hiện phổ biến tại các thành phố lớn và với giáo viên trẻ. "Song, thầy cô lớn tuổi và một số tỉnh vẫn chưa thích ứng được với những công cụ này", thầy Minh nói.

Một xu hướng khác là việc tích hợp AI trong lớp học ngày càng chuyên sâu, cá nhân hóa và giúp xóa bỏ các rào cản, thay vì chỉ dừng ở hỗ trợ soạn bài như trước. Chẳng hạn, giáo viên nay chỉ cần nắm được nguyên lý sư phạm là có thể tạo ra ngữ liệu phù hợp với những phương pháp mới, như dạy ngoại ngữ qua tác vụ. Hay học sinh có thể trực tiếp trò chuyện với AI để phát triển năng lực phát âm, giao tiếp, theo thầy Minh.

"Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế như việc dùng AI mới phổ biến ở mảng text to text (trả về đáp án văn bản) chứ chưa đi sâu vào text to image (đáp án hình ảnh), hay nội dung đào tạo giáo viên chưa đi sâu vào bản chất của AI mà chỉ đang dừng ở việc hướng dẫn những câu lệnh có sẵn để thầy cô thực hành thêm. Chưa kể, AI nhiều khi còn đưa ra câu trả lời sai, ảnh hưởng đến chất lượng học tập", thạc sĩ Minh chia sẻ.

Cũng theo chuyên gia, khi AI ngày càng "phủ sóng", giáo viên sẽ thay đổi vai trò từ truyền đạt tri thức thành điều phối công nghệ. Đồng nghĩa, giáo viên sẽ hướng dẫn trực tiếp cho mỗi học sinh cách tương tác với công nghệ, thay vì phải dạy cho cả một lớp học như trước. Mặt khác, tầm quan trọng của giáo dục nhân cách cũng phải được đề cao để các em có thể biết cách dùng AI an toàn, có chọn lọc và phản biện.

Công nghệ 'phủ sóng' hoạt động dạy ngoại ngữ năm 2023 và dự đoán gì năm 2024?- Ảnh 2.

Những công cụ AI như ChatGPT được đánh giá là thay đổi "cuộc chơi" của việc dạy và học ngoại ngữ

PEXELS

"Năm 2024 sẽ có thêm nhiều sáng tạo hơn nữa với AI tạo sinh. Đây cũng là năm xu hướng dùng AI có thể phân hóa làm hai. Một là những giáo viên đã ứng dụng hiệu quả AI sẽ tiếp tục biến hóa thêm các cách dùng khác nữa. Hai là những người gặp rào cản hoặc nghi ngờ chất lượng nội dung do AI tạo ra sẽ mất niềm tin và tạm thời quên công cụ này đến khi có một 'cú hích' khác như ChatGPT", thạc sĩ Minh dự đoán.

"Một ứng dụng khác rất đáng chú ý của AI là hỗ trợ bồi dưỡng học sinh giỏi môn ngoại ngữ như tiếng Anh. Trước đây, việc đào tạo kỹ năng nói, viết chủ yếu đến từ năng lực tích cóp lâu dài của cả giáo viên và học sinh. Nhưng từ khi có AI, 'cuộc chơi' đã thay đổi nhờ việc tạo ra bài mẫu tốt và chuẩn hơn, cũng như hỗ trợ giáo viên định hướng cách diễn đạt cho học trò. Đây có thể là trào lưu của năm 2024 và giúp các tỉnh thành tăng vọt về chất lượng thí sinh", thầy Minh lưu ý.

Những xu hướng mới

Ở khía cạnh quốc tế, tiến sĩ Phùng Thùy Linh (Linh Phung), sáng lập viên Eduling International đồng thời là Giám đốc Chương trình tiếng Anh tại ĐH Chatham (Mỹ), nhận định nhiều sản phẩm công nghệ giáo dục (edtech) đang có điểm chung nổi bật là thiết kế hệ thống dựa trên những phát hiện từ khoa học của việc học, lập mô hình giảng dạy, dùng dữ liệu và công nghệ để thúc đẩy kết quả học tập.

"Tổng hòa các yếu tố trên gần đây gọi là learning engineering (tạm dịch: kỹ thuật học tập). Riêng với ứng dụng Eduling Speak, vai trò của AI trong hệ thống này là phân tích dữ liệu người học để tạo nội dung mới và tối ưu các cơ hội học tập, đồng thời giúp phản hồi và trợ giúp người học ngay lập tức", chị Linh chia sẻ.

Cũng theo tiến sĩ Linh, thực tế hiện nay nhiều giáo viên xem các sản phẩm edtech như một phần không thể thiếu. Công nghệ giúp kết hợp tài liệu giảng dạy ở các dạng thức khác nhau, tạo ra các hoạt động học tập, đồng thời cung cấp tài liệu là các tác vụ ngôn ngữ để người học luyện tập thêm ngoài giờ. "Bản thân thầy cô cũng tiết kiệm được thời gian làm việc nhờ công nghệ AI như ChatGPT", chị Linh cho hay.

Công nghệ 'phủ sóng' hoạt động dạy ngoại ngữ năm 2023 và dự đoán gì năm 2024?- Ảnh 3.

Học sinh Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (Q.4, TP.HCM) trong giờ học tiếng Anh với giáo viên nước ngoài

NHẬT THỊNH

"Nhiều phương pháp dạy ngoại ngữ mới cũng ngày càng được áp dụng phổ biến như dạy dựa vào tác vụ (task-based), dựa vào dự án (project-based), hoặc dựa vào nội dung (content-based)... Bản chất của những phương pháp này là bắt đầu việc dạy học bằng ý nghĩa, nội dung chứ không phải bằng hình thức ngôn ngữ như từ vựng, ngữ pháp giống kiểu truyền thống", chuyên gia Anh ngữ chia sẻ thêm.

Tiến sĩ David Bish, Giám đốc học thuật EF Education First (EF), thông tin rằng trên thế giới, trong đó có Việt Nam, đang diễn ra một số xu hướng học tiếng Anh nổi bật. Ví dụ, trình độ tiếng Anh của giới trẻ ngày càng suy giảm ở một số nơi, và điều tương tự xảy ra với trình độ tiếng Anh của phụ nữ. "Một số nước châu Á cũng có thể đang 'quay lưng' lại với tiếng Anh như Trung Quốc, Nhật Bản", ông Bish lưu ý.

Một điểm nổi bật khác, theo bảng xếp hạng chỉ số thông thạo Anh ngữ năm 2023 của EF, Việt Nam hiện xếp thứ 58 trên 113 quốc gia, vùng lãnh thổ và nằm trong nhóm có mức độ thông thạo trung bình. Trong đó, hai khu vực dẫn đầu là đồng bằng sông Hồng và Đông Nam bộ. Và nhìn chung, mức độ thông thạo tiếng Anh của người Việt đã tăng 9 điểm, xếp thứ 7 trong khu vực châu Á và cao hơn Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản.

"Dữ liệu trên cho thấy sự tăng trưởng vượt bậc của Việt Nam khi chỉ hai năm trước, Việt Nam nằm trong nhóm có mức độ thông thạo thấp do các ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Việc dạy và học tiếng Anh tại Việt Nam đang ngày càng hiệu quả và nở rộ hơn bao giờ hết", tiến sĩ Bish nhận định.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.