(TNO) Ý tưởng đưa công nghệ vào thi đấu bóng đá sau cùng đã được Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) chấp thuận và sẽ nhanh chóng được trình làng trong thời gian ngắn sắp tới.
>> Nhìn lại những vụ "bàn thắng ma" nổi tiếng
>> UEFA đi trước FIFA
>> Chelsea vào chung kết với “bàn thắng ma”
|
Ở cuộc họp diễn ra tại Zurich (Thụy Sỹ) vào ngày 5.7 (giờ địa phương), tổng thư ký Jerome Valcke thông báo FIFA đã phê chuẩn ý tưởng áp dụng công nghệ xác định bàn thắng đã đi qua vạch vôi khung thành hay chưa vào các trận đấu bóng đá. Quyết định trên được đưa ra sau cuộc bỏ phiếu kín của các nhà làm luật thuộc Hội đồng các Liên đoàn bóng đá quốc tế (IFAB).
Theo đó, giải đấu Club World Cup 2012 diễn ra tại Nhật Bản vào tháng 12 tới sẽ trở thành sự kiện bóng đá đầu tiên thuộc FIFA được áp dụng hai công nghệ gồm Hawk-Eye và GoalRef.
Chủ tịch FIFA Sepp Blatter cảm ơn Frank Lampard Việc FIFA thông qua việc sử dụng công nghệ xác định bóng đã qua vạch vôi khung thành hay chưa có thể sẽ chấm dứt những tình huống gây tranh cãi. Có thể nói đó là nhờ vào tình huống trong trận đấu giữa Anh và Đức ở vòng 2 World Cup 2010. Khi đó, Frank Lampard đã sút bóng trúng xà ngang dội xuống qua vạch vôi nhưng không được công nhận. Chính vì vậy, phát biểu trên Sky Sports sau cuộc họp hôm qua (5.7), chủ tịch FIFA Sepp Blatter nói: "Tôi phải nói cám ơn Lampard. Tôi thật sự thất vọng khi chứng kiến tình huống xảy ra ở Nam Phi. Nó khiến tôi sốc và cảm thấy cần phải thay đổi". |
Ngoài ra, tổng thư ký Jerome Valcke cũng cho biết FIFA dự định xem xét khả năng áp dụng công nghệ vào các trận đấu thuộc FIFA Confederations Cup diễn ra năm 2013 và vòng chung kết World Cup 2014, trong trường hợp hai công nghệ Hawk-Eye và GoalRef cho thấy được kết quả khả quan.
“Chúng tôi muốn đảm bảo hệ thống những hệ thống công nghệ phải phải hoạt động với sự chính xác ở mức 150%, chứ không phải 90%”, tổng thư ký Jerome Valcke nói với AP.
Trước mắt, nhiều khả năng giải bóng đá hàng đầu nước Anh (Premier League) sẽ tiến hành đưa công nghệ vào các trận đấu trong thời gian sớm nhất.
“Giải Premier League từ lâu đã luôn ủng hộ việc áp dụng công nghệ xác định bóng đi qua vạch vôi. Chúng tôi rất hoan nghênh quyết định của IFAB và sẽ tiến hành thảo luận đưa hai hệ thống Hawk-Eye và GoalRef vào thi đấu trong thời gian sớm nhất”, Sport Mail dẫn thông điệp từ giải Premier League.
Tin từ Goal.com cho biết FIFA sẽ đầu tư số tiền lên đến 250 ngàn USD cho một số sân vận động để lắp đặt hai hệ thống Hawk-Eye và GoalRef. Tuy nhiên, các nhà lầm luật thuộc IFAB cũng nhấn mạnh chức năng của công nghệ nêu trên chỉ được sử dụng để xác định những tình huống bóng đã đi qua vạch vôi hay chưa.
Theo giải thích từ Goal.com, nếu bóng đã lăn qua vạch cầu môn, một tín hiệu sẽ được gửi đến đồng hồ của trọng tài chính điều khiển trận đấu. Tuy nhiên, trọng tài vẫn có quyền từ chối bàn thắng, bất chấp hệ thống đã chỉ ra bóng đã lăn qua vạch cầu môn, trong trường hợp “các ông vua áo đen” trên sân cho rằng công nghệ hoạt động thiếu chính xác.
Công nghệ nào tối ưu nhất? Hai kỹ thuật theo dõi quả bóng đã được một số bộ môn thể thao áp dụng từ ít lâu nay. Kỹ thuật Hawk-Eye (mắt thần), vốn sử dụng nhiều camera để theo dõi quả bóng, nay được áp dụng trong tiến trình xét xử ở hai bộ môn cricket và quần vợt.
Được sử dụng lần đầu trong các kỳ tranh tài cricket tại Anh và Pakistan hồi năm 2001, nay kỹ thuật này được chấp nhận như là một phần của môn cricket. Tuy nhiên, việc sử dụng kỹ thuật này trong bộ môn quần vợt đã gây ra tranh cãi, nhất là vụ cây vợt nữ Serena Williams bị loại ra khỏi giải US Open hồi năm 2004. Các đoạn video thu hình cho thấy là một số lỗi mà trọng tài bắt là sai và mặc dù ban lãnh đạo giải này không đảo ngược quyết định của trọng tài, nhưng hệ thống Hawk-Eye đã được lắp đặt trên sân Flushing Meadows từ năm 2006. Nhóm phát minh ra hệ thống Hawk-Eye dự trù đặt sáu máy camera chung quanh khung thành để dùng trong bóng đá. Các camera được điều chỉnh để nhận quả bóng là “mục tiêu để quan tâm” chứ không phải là thủ môn hay các cầu thủ khác. Các camera sau đó sẽ phát hiện chính xác nếu như quả bóng vượt qua đường biên, thì các camera này sẽ gởi một tín hiệu "bíp" đến máy thu sóng của trọng tài.
Hệ thống theo dõi quả bóng công nghệ cao (GoalRef) còn lại được đặt tên là Cairos dùng một kỹ thuật khác. Thay vì dùng các camera, hệ thống này cài một chip điện tử vào bên trong quả bóng. Ông Christian Holzer, thành viên của công ty Cairos (Đức) nói rằng “chip cài bên trong quả bóng” không có ảnh hưởng gì tới các đặc tính của bộ môn này. Chip điện tử được đặt ngay trung tâm quả bóng trong một lớp bao bọc rất chắc chắn. Ông Holzer còn nhấn mạnh: "Chúng tôi đã dùng quả bóng này trong hơn một trăm trận đấu để xem coi có ảnh hưởng gì không, và thực tế mà nói, không có ảnh hưởng gì”. Công ty Cairos nói rằng toàn bộ thiết bị này nặng có 15 gam, trong lúc quả bóng Jabulani được dùng ở World Cup 2010 cân nặng từ 420 đến 445 gam. |
Những vụ bóng qua vạch vôi nhưng không được công nhận 1. Ukraine - Anh (Euro 2012): Trận đấu cuối cùng của bảng D Euro 2012 giữa tuyển Anh và Ukraine: lần này đến lượt đội chủ nhà chịu thiệt. Phút 62, đang bị dẫn 0-1, tuyển Ukraine tưởng như đã san bằng được cách biệt khi cú sút của Marko Devic đưa bóng vượt qua thủ môn Joe Hart rồi bay qua vạch vôi khung thành trước khi John Terry phá ra. Viktor Kassai, trọng tài người Hungary quay sang nhìn trợ lý ở khu vực cầu môn rồi cho trận đấu tiếp tục. Kết quả Ukraine không thể vượt qua vòng bảng. 2. Sulley Muntari (AC Milan - Juventus, 2012) AC Milan đang trở thành nạn nhân của những quyết định bất lợi của trọng tài. Trong hai trận hòa Juventus và Catania gần đây (cùng tỷ số 1-1), lần lượt Sulley Muntari và Robinho bị các vị vua áo đen cướp trắng bàn thắng. Điều này khiến người hâm mộ Rossoneri tức giận và yêu cầu ban tổ chức Serie A cần phải xem xét đưa thêm trọng tài hoặc áp dụng công nghệ vào việc giám sát trận đấu. 3. Necati Ates (Antalyaspor - Besiktas, 2012) Tình huống diễn ra trong trận đấu tại giải vô địch Thổ Nhĩ Kỳ. Trong nỗ lực tấn công cận thành, tiền đạo Necati Ates của Antalyaspor sút bóng qua vạch vôi của Besiktas. Thủ môn Cenk Gonen sau đó phá bóng ra ngoài. Trọng tài và trợ lý bị cản tầm nhìn nên khẳng định bóng chưa qua vạch vôi. Kết quả là Antalyaspor không được hưởng bàn thắng xứng đáng và Besiktas giành chiến thắng 2-1. 4. Clint Hill (Bolton - Queens Park Rangers, 2012) Trong trận đấu giữa Bolton và Queens Park Rangers hồi tháng 3.2012, khi tỷ số đang là 0-0, hậu vệ Clint Hill của QPR đã có pha chạy cắt mặt đón cú đá phạt góc tuyệt vời của Joe Barton và lắc đầu gọn gàng đưa bóng đi cực kỳ chính xác. Bóng đã bay vào quá bên trong vạch vôi khung thành của Bolton, song rất nhanh thủ môn Adam Bogdan đã với tay móc bóng ra. Clint Hill ăn mừng, đồng đội anh cũng mừng và tin chắc đó là bàn thắng, trong khi phía Bolton các cầu thủ cũng đã đứng yên, không có phản ứng gì. Thế nhưng trọng tài Martin Atkinson lại không nghĩ thế, ông cho trận đấu tiếp tục. Kết quả, đội chủ nhà Bolton đã giành thắng lợi 2-1. 5. Frank Lampard (Chelsea - Tottenham, 2011) Chắc chẳng có ai xui xẻo như Frank Lampard khi danh sách này anh xuất hiện tới 2 lần. Thủ thành Heurelho Gomes bên phía Tottenham để bóng lọt háng khi bắt cú sút của Lampard. Dù đã rất cố gắng cứu, nhưng trái bóng vẫn lăn qua vạch vôi. Nhưng bàn thắng không được công nhận vì Gomes đã kịp moi bóng ra trước khi trọng tài kịp nhìn thấy. 6. Frank Lampard (Anh - Đức, 2010) Cái tên Jorge Larrionda, trọng tài người Uruguay bắt chính trận Anh gặp Đức tại vòng 1/16 World Cup 2010 chính là "kẻ thù truyền kiếp" với người hâm mộ đội tuyển Anh. Vị “vua sân cỏ” này đã từ chối bàn thắng hợp lệ của Lampard và Tam Sư - hôm đó đã thua tuyển Đức 1-4. 7. Pedro Mendes (Tottenham - M.U, 2005) Việc từ chối bàn thắng mười mươi của Pedro Mendes vào lưới M.U năm 2005 là một trong những quyết định tồi tệ nhất mà các trọng tài tại xứ sở sương mù đưa ra. Quan sát thấy Roy Carroll lên cao, Mendes quyết định sút bóng từ giữa sân. Tuy nhiên, thủ thành của M.U đã kịp di chuyển tới vị trí thuận lợi để ôm gọn cú sút. Có điều một sai lầm đã khiến anh bắt trượt, bóng bay thắng vào khung thành đến hơn 2m. 8. Freddie Sears (Crystal Palace - Bristol City, 2009) Freddie Sears (Crystal Palace) đã sút vào cầu môn nhưng oái ăm, trái bóng lại bật ra do trúng phải thanh cố định mành lưới phía đằng sau, khiến trọng tài chính không biết đâu mà lần. Ông buộc phải chạy ra ngoài đường biên để thảo luận với người trợ lý và đưa ra kết luận cuối cùng: bóng... chưa đi vào lưới mà đã bay ra ngoài, trúng vào thanh giằng rồi bay ngược trở lại sân. * Ngoài các vụ kể trên, còn có các vụ của John Eustace (Watford - Reading, 2008) và Paddy Connolly (Dundee United - Partick Thistle, 1993). ** Không chỉ có bóng đá hiện đại, thời những năm 70, 80 của thế kỷ trước, việc xác định bóng lăn qua vạch vôi hay chưa luôn là vấn đề nhức nhối. Có tình huống nhanh đến nỗi, trọng tài không kịp nhìn xem bóng đập vào đâu, chỉ biết bóng bay ra ngoài là không công nhận bàn thắng. Và Geoff Hurst (1966), Clive Allen (1980) cũng từng tức tưởi vì cái quyết định "đánh đồng" này.
Khánh Uyên - Lĩnh Nam
Bình luận (0)