Công nghệ Trung Quốc bỏ sao chép, đổi mới giữa thương chiến

Thu Thảo
Thu Thảo
17/09/2019 10:48 GMT+7

Insta360, SIVGA, Huami cùng hãng làm drone DJI Technology là vài cái tên trong làn sóng startup công nghệ dần trút bỏ hình ảnh 'nhà máy sao chép' của Trung Quốc , làn sóng khiến Washington lo về một đối thủ Đông Á đang nổi lên.

Tại khu tài chính của Thâm Quyến, một doanh nghiệp 5 năm tuổi tạo ra được chiếc máy ảnh thể thao giành giải thưởng và có thể được so sánh với GoPro. Ở những nơi khác thuộc Đồng bằng Châu Giang, một nhà thiết kế đang cạnh tranh với nhà sản xuất tai nghe tốt nhất thế giới. Đến thủ đô Bắc Kinh, startup ít tên tuổi trở thành một trong các nhà cung cấp đồng hồ thông minh lớn nhất toàn cầu, hãng tin Bloomberg viết.
Insta360, SIVGA, Huami cùng hãng sản xuất máy bay không người lái (drone) DJI Technology thuộc làn sóng nhiều startup dần trút bỏ hình ảnh "nhà máy sao chép" mà Trung Quốc gánh hàng chục năm qua. Đây cũng là những cái tên góp phần vào lo ngại của Washington về một đối thủ Đông Á đang đi lên.

Lợi thế địa lý trong sản xuất 

Tai nghe Sendy Audio Aiva

Ảnh: SIGVA

Tại nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới, chiến dịch mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra nhằm ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc trên thực tế đang thúc đẩy lĩnh vực công nghệ trong nước tăng tốc thiết kế và phát minh. Việc này đem đến khác biệt lớn về mặt địa lý: Bằng cách đưa chuyên môn thiết kế, đổi mới đến tận nơi sản xuất thiết bị, giới doanh nghiệp có thể phát triển sản phẩm nhanh hơn, rẻ hơn.
"90% tai nghe trên thế giới được sản xuất ở Trung Quốc, 90% tai nghe của Trung Quốc được sản xuất ở Quảng Đông, và 90% tai nghe của Quảng Đông được sản xuất ở Đông Hoản", nhà đồng sáng lập kiêm giám đốc sản phẩm SIVGA (Sound Impression Via Genuine Artwork) Zhou Jian giải thích. Zhou từng làm việc cho một số thương hiệu toàn cầu như Bose, Sony và Sennheiser Electronic.
Công ty của ông tọa lạc tại Đông Hoản vì "chuỗi công nghiệp của Đông Hoản gần như hoàn hảo". Zhou ước tính có hàng trăm nhà máy chuyên biệt trong khu vực tập trung vào sản xuất một thành phần cụ thể, chặng hạn như ốc vít. Mạng lưới liên lạc giữa các nhà cung ứng vô số thành phần nhỏ là vô giá, hệt như "sự hỗ trợ từ những người bạn tốt", sếp SIVGA nói.
SIVGA hiện có 30 nhân viên, tung thương hiệu cao cấp Sendy Audio. SIVGA bán mẫu headphone xa xỉ giá 599 USD tên Aiva, với tai nghe bằng gỗ được làm bằng tay và lưới tản nhiệt kim loại chi tiết phức tạp. Mẫu này giao khoảng 2.000 chiếc vào thị trường có biên lợi nhuận cao. "Theo những gì tôi biết thì chúng tôi là công ty duy nhất ở Đông Hoản có bộ phận làm gỗ", ông Zhou cho biết. Thời gian phát triển sản phẩm ngắn và quyết định mới được đưa ra một cách nhanh chóng là hai lợi thế khác của một hãng công nghệ nhỏ.

Drone hiệu DJI

Ảnh: Reuters

DJI là cái tên tiên phong chứng minh rằng giới công nghệ Trung Quốc có thể làm nhiều hơn là việc chỉ sản xuất theo hợp đồng hoặc sao chép người khác cực nhanh. Nhà phân tích Avi Greengart của Techsponential cho biết: "DJI dẫn đầu ngành với các tính năng tự động tránh chướng ngại vật khi bay. Đây cũng là tính năng họ có đầu tiên. Nhiều đối thủ ở Mỹ, Pháp và Đài Loan không thể bắt kịp".
Sự dẫn đầu của DJI cũng xuất phát từ lợi thế địa lý như SIVGA được hưởng. Khi đối thủ Mỹ gặp khó hoặc khiếm khuyết trong quá trình sản xuất, khả năng xác định và phản ứng với vấn đề của họ bị cản trở bởi khoảng cách địa lý lớn giữa nhà thiết kế và bên sản xuất. Nhà sản xuất drone số một thế giới DJI và SIGVA không vướng chuyện này.
"Đây là các hãng Trung Quốc muốn đi đầu và đổi mới. DJI cùng Insta360 là hai ví dụ tuyệt vời cho làn sóng này. Một phần của làn sóng đến từ tinh thần kinh doanh của Thâm Quyến", Anshel Sag, nhà phân tích ngành di động của Moor Insights & Strategy cho hay.

Từ Đông Hoản đến Thâm Quyến

Công nhân tại Thâm Quyến

Ảnh: Reuters

Cũng như Đông Hoản, Thâm Quyến là nơi hội tụ của nhiều nhà sản xuất linh kiện và cung ứng khao khát tìm khách hàng. Chợ Huaqiangbei bày bán một loạt sản phẩm từ máy cạo râu hybrid cho đến loa bluetooth. Sự đa dạng của các món hàng điện tử là nguồn cảm hứng và động lực để nhiều doanh nghiệp thực sự đổi mới. Các công ty thành công là những hãng tận dụng tối đa hoạt động sản xuất và sự lặp đi lặp lại xung quanh họ.
"Thâm Quyến có hệ thống chuỗi cung ứng tốt. Nhìn từ góc độ nghiên cứu, phòng nghiên cứu và phát triển chỉ đóng góp 60% vào sản phẩm, phần còn lại phải đến từ nhà máy sản xuất", CEO One Plus, một doanh nghiệp khác có mặt tại Thâm Quyến, chia sẻ. Ông này sống cách dây chuyền sản xuất chỉ 45 phút đi xe.
Dù không nổi tiếng như Apple và ít nhiều còn mang danh "copycat", các hãng công nghệ nhỏ Trung Quốc vẫn làm được sản phẩm cao cấp, đẳng cấp thế giới. Dù có là công ty đầu tiên sở hữu công nghệ hay không, giới doanh nghiệp Trung Quốc vẫn nỗ lực làm công ty đầu tiên có sự đột phá.
Lấy Huami, doanh nghiệp được Xiaomi hậu thuẫn vào năm 2014, làm ví dụ. Công ty này tạo Xiaomi Mi Band, sản phẩm cung cấp hầu hết các tính năng của máy theo dõi thể dục Fitbit với giá bán chỉ bằng một phần nhỏ của Fitbit là 20 USD. Mi Band tràn ngập thị trường Trung Quốc. Sau khi mở rộng bán hàng tại Mỹ và ra mắt thương hiệu Amazfit riêng của mình, Huami hiện giao đi hơn 5 triệu thiết bị mỗi quý, vị thế khá ổn để CEO hãng cởi mở về chuyện thách thức ít nhất một số đối thủ lớn hơn, trong đó có Apple và Samsung Electronics.

Xiaomi Mi Band

Ảnh: Bloomberg

"Mô hình hoạt động của Garmin và các nhà cung ứng thiết bị thông minh khác ở Mỹ và châu Âu còn thiết sót. Giá bán lẻ của họ cực cao. Bạn chỉ có thể bán hàng thật đắt đến một nhóm khách hàng nhỏ vì thị trường chủ đạo, thị trường cấp thấp sẽ là nơi của những công ty như chúng tôi", CEO kiêm nhà sáng lập Huami Wang Huang nói.
Bằng chứng cho nhận định của ông Wang thể hiện rõ trên thị trường smartphone vốn ngày càng bị chi phối bởi những cái tên Trung Quốc như Xiaomi, Oppo và Huawei. 2018 là năm mà các hãng trên xâm nhập mạnh thị trường châu Âu với giá tốt hơn, tính năng hay hơn. Cùng SIVGA, Huami và Insta360, họ theo chân doanh nghiệp như Lenovo, một trong những thành công đột phá đầu tiên của Trung Quốc sau khi mua mảng kinh doanh PC của IBM năm 2004.
Các nhà phê bình Mỹ chẳng hạn như Tổng thống Donald Trump thường lên án các hãng Trung Quốc chuyên sao chép nước ngoài, cho rằng thiết kế, phần mềm của iPhone được "sáng tạo lại" bởi Huawei, Xiaomi và nhiều hãng khác. Song doanh nghiệp phương Tây không thể làm gì nhiều trong tình huống này. Một số công ty, chẳng hạn như Segway, đệ đơn kiện vi phạm quyền sở hữu trí tuệ với một số thương hiệu Trung Quốc song cuối cùng thua cuộc và bị đối thủ thâu tóm.
"Không thể ngăn được xu hướng dịch chuyển sang sản xuất, nghiên cứu và thiết kế cao cấp của Trung Quốc", Jia Mo, nhà phân tích thuộc Canalys kết luận.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.