5 mẹo giúp bán điện thoại cũ được giá hơn

28/05/2020 12:03 GMT+7

Một vài bước chuẩn bị đơn giản sẽ giúp người dùng bán lại thiết bị cũ của mình với mức giá tốt hơn, giảm gánh nặng tài chính khi “lên đời” sản phẩm mới .

Có cả trăm lý do để người dùng bán chiếc điện thoại cũ đang dùng (hoặc không còn dùng tới). Nhưng một khi tính chuyện bán, mấu chốt là phải chuẩn bị sẵn sàng cho thiết bị từ trước, không phải tới lúc xác định “chia tay” mới làm.

Không bao giờ quên ốp bảo vệ

Có nhiều loại ốp để bảo vệ điện thoại, giúp giữ máy trong tình trạng hoàn hảo hơn so với khi dùng trần

Ảnh: AFP

Ốp bảo vệ có thể xấu hay đẹp, dày hay mỏng tùy sở thích và thẩm mỹ của từng người. Nhưng chắc chắn phải có để bảo vệ điện thoại khi đa phần máy được trang bị tới hai mặt kính ép vào một khung kim loại như hiện nay. Dù ốp bảo vệ che mất vẻ đẹp, sự sang trọng hay những màu sắc lung linh, độc đáo của smartphone, sản phẩm này lại cần thiết để tránh máy rơi vỡ, va quệt, giữ thiết bị luôn ở tình trạng tốt, mang lại lợi thế khi cần bán. Một chiếc máy rao bán kèm “quà tặng” là vài mẫu ốp lưng cũng là lợi thế hấp dẫn. Ai mà không thích có quà tặng chứ?
Vì sự cần thiết đó, người dùng nên xác định mua ốp trước khi dùng điện thoại. Không ít trường hợp người dùng làm rơi máy ngay khi vừa mở hộp nên có ốp càng sớm càng tốt. Một chiếc ốp “đạt chuẩn” sẽ phải che phủ được ít nhất 4 cạnh bo tròn của máy, nếu phần viền ốp cao hơn màn hình một chút càng tốt.

Mua ngay tấm dán bảo vệ màn hình

Tấm dán giúp bảo vệ màn hình khỏi trầy xước khó tránh

Ảnh: AFP

Tấm dán có loại dán dẻo chống xước và dán cường lực bằng kính (khuyên dùng). Ngày nay, kính cường lực bảo vệ màn hình điện thoại rất phổ biến và gần như có đủ cho toàn bộ smartphone trên thị trường, và mức giá cũng rất dễ chịu, có thể chỉ từ hơn 10.000 đồng.
Kính cường lực không chỉ chống xước cho màn hình mà còn giảm thiểu rủi ro cho màn hình trong trường hợp rơi máy hay va đập vào đồ vật khác. Bạn cũng đừng quên mua dư thêm vài tấm bởi mỗi lần va đập, cường lực đều có thể nứt hoặc vỡ trong quá trình sử dụng nên luôn cần sẵn để thay thế (hoặc tặng kèm cho người mua máy sau này). Thay kính dán cường lực kinh tế hơn nhiều so với thay màn hình điện thoại.

Giữ hộp sản phẩm và mọi thứ kèm theo

Nếu bán lại máy cho hãng trong chương trình thu cũ đổi mới, có thể bạn không cần quan tâm tới hộp sản phẩm. Nhưng khi giao dịch với người mua khác, thì hộp và tất cả phụ kiện kèm theo sẽ cần thiết, thậm chí còn là lợi thế để mang về cho người bán thêm ít tiền so với việc chỉ bán máy trần (không hộp, không phụ kiện) hoặc máy, sạc, cáp.

Lau máy sạch sẽ trước khi bán

Máy được chăm sóc cẩn thận và sạch sẽ dễ thu hút người mua hơn

Ảnh: Meitu

Dù bán cho ai thì điều quan trọng vẫn là bàn giao một chiếc điện thoại đẹp, sạch sẽ. Sản phẩm bóng bẩy và hoạt động hoàn hảo luôn bán được giá hơn, đồng thời tạo sự tin tưởng cho người mua rằng thiết bị được giữ gìn cẩn thận. Còn máy trông bụi bẩn như chẳng được ai chăm lo sẽ chẳng mấy ai ngó ngàng tới và luôn mất giá. Đừng quên lau sạch cả phụ kiện và vỏ hộp.

Thay màn hình vỡ

Đôi khi người bán sẽ được lợi hơn nếu thay màn hình cũ đã vỡ bằng loại mới để máy đẹp hơn trước khi đem bán lại cho hãng hoặc rao lên chợ công nghệ, giao dịch với người khác. Tất nhiên người bán nên tham khảo trước giá thay màn hình để biết chắc tại thời điểm đó bán máy đã vỡ màn hình sẽ tốt hơn hay thay mới rồi bán lại được nhiều tiền hơn.
Màn hình hoặc tấm lưng kính đã vỡ sẽ là lý do chính đáng để người mua yêu cầu khoản giảm giá đáng kể.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.