Cách kiểm tra thông tin chủ sở hữu trang web để tránh bị lừa đảo

09/07/2019 10:07 GMT+7

Đã bao giờ bạn truy cập vào một trang web và tự hỏi chủ trang web là ai chưa? Nhất là đối với các trang web mua sắm trực tuyến, vì bạn cần phải biết người bán là ai và nơi họ bán.

Theo PCWorld, các trình duyệt hiện nay đều tích hợp cơ chế nhận diện giúp nhận biết các trang web đang cố nhúng các phần mềm độc hại hoặc đặt các quảng cáo lừa đảo để lấy thông tin từ máy tính của bạn. Nhưng cũng có nhiều trang web né tránh bằng nhiều cách và thậm chí chủ sở hữu không thèm ghi rõ hoặc mạo danh các thông tin liên hệ của họ để tránh bị khiếu nại hoặc truy tìm khi bị phát hiện.
Sẽ thật tuyệt nếu có một dịch vị tiết lộ thông tin chủ sở hữu và nơi đặt trang web? May mắn thay, có một số dịch vụ như vậy và hướng dẫn sau đây sẽ giúp bạn kiểm tra nhanh thông tin của một trang web khi cần.
Sử dụng WHOIS để kiểm tra các trang web mờ ám
Hiện có nhiều dịch vụ và tổ chức cung cấp các thông tin nhận diện trang web miễn phí. Đáng chú ý nhất trong số đó là ICANN - Tổ chức cung cấp số và định danh tên miền Internet, đây cũng là tổ chức phi lợi nhuận chịu trách nhiệm phân bổ không gian địa chỉ IP và quản lý tên miền quốc tế. Dịch vụ tra cứu thông tin trang web mà họ cung cấp có tên là WHOIS, giúp cung cấp các thông tin đăng ký của mọi trang web trên thế giới.
ICANN sẽ gửi email cho chủ sở hữu hoặc quản trị viên của các trang web mới và chủ sở hữu của các trang web hiện tại (nếu họ sửa đổi thông tin) để yêu cầu xác minh và cập nhật thông tin đăng ký trên các trang web của họ. Nhiều người có thể bỏ qua các email này, nhưng theo quy tắc ICANN yêu cầu bạn phải trả lời hoặc họ sẽ tạm ngưng tên miền của bạn trong 72 giờ đến 15 ngày. Nếu không may quên xác minh thông tin và bị khóa tên miền, bạn sẽ phải vào trang chủ của ICANN và làm theo hướng dẫn để kích hoạt lại tên miền.
Không phải trang web ẩn danh nào cũng xấu, bởi nhiều người muốn bảo vệ quyền riêng tư của họ tránh khỏi đối thủ hoặc những kẻ xấu muốn theo dõi họ hay các rủi ro tiềm ẩn khác. Nhưng sự sát sao và minh bạch của ICANN đòi hỏi họ phải tuân thủ, qua đó cũng giảm thiểu những kẻ xấu muốn né tránh cung cấp thông tin.
Ngoài WHOS, còn có rất nhiều dịch vụ cung cấp tra cứu tên miền tương tự như WhoIsHostingThis hay Whois.net… Thậm chí, các dịch vụ cung cấp máy chủ và tên miền ở Việt Nam cũng thường có phần tra cứu thông tin đăng ký tên miền tương tự, bạn cũng có thể sử dụng chúng.
Nhưng hiện có nhiều trang web sử dụng dịch vụ bảo mật tên miền (bảo vệ proxy) như WhoIsGuard, Proxy Protection hay Domains by Proxy để bảo vệ các thông tin cá nhân của chủ sở hữu không bị công khai trên Internet. Các dịch vụ này cho phép hiển thị thông tin chủ sở hữu dưới dạng ẩn danh hoặc bằng những thông tin thay thế của nhà cung cấp dịch vụ.
Vậy thì làm thế nào để phát hiện các trang web xấu khi chủ sở hữu của chúng sử dụng dịch vụ bảo vệ thông tin tên miền? Theo quy định, trừ khi bạn có trát tòa án hay các yêu cầu hợp lệ từ cơ quan thực thi pháp luật hoặc đại diện pháp lý tương đương.

Bật tìm kiếm an toàn trên Google là một cách để tránh truy cập nhầm vào các trang web độc hại

Ảnh chụp màn hình

Dùng các dịch vụ tính phí hoặc bật chế độ tìm kiếm an toàn trên trình duyệt
Nhưng vẫn còn có cách khác để truy tìm thông tin chủ sở hữu thực của các trang web thông qua việc truy vấn máy chủ DNS/WHOIS thụ động, trong khi WHOIS là dịch vụ tra cứu cơ sở dữ liệu thông qua máy chủ trực tiếp. Bạn có thể thực hiện điều này thông qua các dịch vụ có tính phí như SecurityTrails, SurfaceBrowser, Deteque, DomainTools...
Các dịch vụ này sử dụng nhiều kỹ thuật khác nhau như kiểm tra chéo dữ liệu từ nhiều nguồn, tra cứu lịch sử của WHOIS hay nghiên cứu các tên miền liên quan, nói chung là không đơn giản và có tính phí. Đó là lý do hầu hết người dùng phổ thông hằng ngày đều chấp nhận bỏ qua các phương pháp tốn kém này. Còn một cách nữa là sử dụng các trình theo dõi lừa đảo, gian lận và chặn trang web bằng các ứng dụng bảo mật.
Nhưng lời khuyên tối ưu của chúng tôi là bạn hãy tham khảo danh sách các trang web uy tín từ các dịch vụ đánh giá uy tín và thường được cung cấp miễn phí, trước khi giao dịch qua các trang web đó. Ngoài ra, bạn có thể sử dụng cách đơn giản nhất là bật tùy chọn Tìm kiếm an toàn trong phần cài đặt của Google tại đây.
Còn nếu bạn vẫn nghi ngờ trang web nào đó, hãy tìm theo tên miền trang web hoặc tên trang web, cộng thêm các từ khóa như khiếu nại, đánh giá, lừa đảo, giả mạo… và xem kết quả trả về để tham khảo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.