Cảnh giác TV thông minh theo dõi người dùng

06/05/2021 14:38 GMT+7

Smart TV (TV thông minh) có kết nối internet nhưng người dùng vẫn rất ít quan tâm tới tính bảo mật của thiết bị này do suy nghĩ đây chỉ là sản phẩm phục vụ giải trí trong gia đình.

Skyworth đổ lỗi cho ứng dụng

Skyworth - hãng sản xuất TV lớn thứ 3 tại Trung Quốc (sau Xiaomi, HiSense) và đứng thứ 5 toàn cầu - vừa phải công khai xin lỗi người dùng để xoa cơn giận dữ khi họ phát hiện ra TV thông minh của hãng âm thầm theo dõi nhiều dữ liệu khác nhau. Skyworth thừa nhận cáo buộc từ khách hàng nhưng đổ lỗi cho ứng dụng của công ty Gozen Data đã thu thập dữ liệu và gửi về trụ sở tại Bắc Kinh (Trung Quốc).

Hãng TV Trung Quốc dính bê bối theo dõi thông tin người dùng

Hãng tuyên bố đã chấm dứt hợp tác với Gozen Data và thông tin thêm rằng ứng dụng từ doanh nghiệp này chỉ được cài sẵn trên TV thông minh Skyworth bản thị trường nội địa Trung Quốc. Model ở các thị trường khác (trong đó có Mỹ và Hồng Kông) không có cài sẵn. Skyworth cũng có sản phẩm TV đang kinh doanh tại thị trường Việt Nam.
“Skyworth không thông qua hay cấp phép cho bất kỳ hành vi thu thập dữ liệu nào ngoài mục đích đánh giá tỷ lệ xem đối với các chương trình TV phát sóng tại Trung Quốc để làm cơ sở tham khảo”, đại diện hãng nhấn mạnh.

'Cánh cửa' cho tin tặc bước vào nhà

Vụ việc lần này chỉ là một ví dụ mới nhất trong quá trình người dùng phát hiện các hành vi đáng ngờ phát sinh từ chiếc TV thông minh trong nhà. Những hãng lớn như LG, Samsung hay Vizio cũng từng bị tố cáo vì smart TV của họ theo dõi thói quen người dùng rồi gửi về cho nhà sản xuất.
Geoffrey A Fowler, nhà báo công nghệ của trang Washington Post phát hiện ra TV thông minh của một số hãng luôn theo dõi từng giây phút người dùng xem TV. Các thiết bị này sử dụng công nghệ nhận diện nội dung tự động (ACR) để biết người dùng đang xem gì, xem cùng ai, ở đâu… Một số hãng sẽ giữ thông tin này để phục vụ công việc kinh doanh của mình, số khác chia sẻ với các nhà quảng cáo hay với những doanh nghiệp như Netflix, Spotify, Microsoft, Google…

So với điện thoại, máy tính thì TV đang là thiết bị thông minh kém bảo mật trong gia đình

Ảnh: AFP

Một báo cáo từ Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) cuối năm 2019 cảnh báo người dùng smart TV rằng tin tặc có thể chiếm quyền kiểm soát thiết bị thông qua TV thông minh kém bảo mật. “Ở mức độ thấp, hacker có thể tùy ý đổi kênh, chơi đùa với âm lượng của TV hay cho trình chiếu các chương trình không phù hợp với trẻ nhỏ. Với viễn cảnh tệ hơn, chúng có thể bật camera trên TV ở phòng ngủ, mở mic thu âm rồi âm thầm theo dõi cả gia đình”, FBI giải thích.
FBI cũng cho rằng các nhà sản xuất TV và nhà phát triển ứng dụng hoàn toàn có khả năng nghe và theo dõi người dùng. TV có thể bị lợi dụng để làm “cánh cửa” cho tin tặc “bước vào nhà” và dù chưa truy cập được ngay vào máy tính thì chúng vẫn có thể tạo ra một lỗ hổng trên router (bộ phát Wi-Fi) trong nhà và chờ cơ hội.
Năm 2017, một tài liệu liên quan tới chương trình “Weeping Angel” bị tung lên mạng, trong đó tiết lộ CIA và MI5 (2 cơ quan mật vụ của Mỹ và Anh) đã tấn công vào TV thông minh và sử dụng microphone của thiết bị để theo dõi người dùng.

Vụ tấn công mạng Mỹ của tin tặc Nga gây tác hại nghiêm trọng hơn tưởng tượng

Trong khi các hãng sản xuất không ngừng quảng bá về những tiện ích và tính năng thông minh mới, hiện đại trên thiết bị, vấn đề bảo mật trên smart TV hiện nay vẫn bị xem nhẹ. Điện thoại, máy tính cá nhân luôn được tối ưu bảo mật, nhận các bản cập nhật vá lỗi thường xuyên từ nhà sản xuất nhưng vẫn bị hack. Vậy nhưng TV thông minh được tích hợp rất ít tính năng bảo mật, và nhà sản xuất thậm chí còn không cập nhật hoặc làm rất chậm đối với các bản update. Điều này đồng nghĩa nếu hacker tìm ra được lỗ hổng, người dùng đối mặt với rủi ro bị tấn công mạng mà không hề hay biết trong thời gian dài.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.