Châu Âu sắp 'siết' các ông lớn công nghệ Mỹ

22/08/2018 12:22 GMT+7

Các nhà lập pháp châu Âu đang chuyển sự chú ý sang nội dung truyền thông xã hội.

Theo CNN, Ủy ban châu Âu hôm 20.8 cho biết đang soạn thảo các quy tắc mới để loại bỏ nội dung mang tính khủng bố trên các nền tảng truyền thông xã hội. Cơ quan này trước đây đã yêu cầu các công ty công nghệ, bao gồm Facebook, Twitter và Google, gỡ bỏ những nội dung tuyên truyền khủng bố trong vòng một giờ.
“Đối với nội dung khủng bố, kết quả đạt được tuy tích cực, nhưng sự tiến bộ đó vẫn không đủ”, một phát ngôn viên của Ủy ban châu Âu, nói.
Pháp chế mới dự kiến được đề xuất vào cuối năm nay là động thái mới nhất trong một loạt nỗ lực của châu Âu để siết chặt quy định đối với các hãng công nghệ cao. Quy tắc bảo vệ dữ liệu của Liên minh châu Âu (EU) có hiệu lực vào tháng 5.2018 đã thay đổi cách các công ty công nghệ trên toàn cầu thu thập và xử lý dữ liệu cá nhân của người dùng.
Hiện giới lập pháp EU đang chuyển sự chú ý của họ sang nội dung được đăng tải trên mạng xã hội. Năm 2016, Facebook, Twitter và YouTube đã đồng ý xem xét và xóa phần lớn nội dung có tính chất thù hận, chẳng hạn như các bài đăng phân biệt chủng tộc, bạo lực hoặc bất hợp pháp.
Mặc dù nội dung cụ thể của dự thảo luật mới chưa được công bố, nhưng có thể sẽ bao gồm các hình phạt lớn. Luật này sẽ cần phải được chấp thuận bởi các nhà lập pháp và các nước thành viên EU.
Trước đó, cả Facebook và Google đều cho biết họ đang tiến hành theo dõi và xử lý nội dung có vấn đề ở châu Âu. Cụ thể, Google nói trong năm 2018 sẽ có 10.000 người giải quyết những nội dung có thể vi phạm chính sách của công ty. Trong khi đó, mạng xã hội lớn nhất thế giới sẽ tăng đội chống nội dung khủng bố từ 50 lên 200 người.
Ủy ban châu Âu có khả năng sẽ đi theo mô hình đang được Đức sử dụng. Một đạo luật mới có hiệu lực hồi tháng 1.2018 đã cho phép giới chức trách Đức có quyền phạt các công ty truyền thông xã hội lên đến khoảng 60 triệu USD nếu không nhanh chóng xóa bỏ những bài đăng có nội dung căm thù.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.