Úc siết chặt luật an ninh mạng

Bảo Vinh
Bảo Vinh
21/08/2018 08:30 GMT+7

Chính quyền Úc công bố dự luật bắt buộc các công ty công nghệ hỗ trợ cơ quan điều tra lấy thông tin từ nghi phạm nếu không muốn bị phạt.

Dự luật an ninh mới mang tên Hỗ trợ và Tiếp cận, bắt buộc các hãng công nghệ, bao gồm cả công ty nước ngoài hoạt động tại Úc, hỗ trợ hoặc cung cấp công cụ để cơ quan an ninh tiếp cận với dữ liệu mã hóa bị nghi là dính líu đến hoạt động phạm tội. Theo Đài ABC, những nội dung được yêu cầu có thể gồm giúp các nhà điều tra đăng nhập một thiết bị điện tử hay theo dõi các cuộc hội thoại trên các ứng dụng liên lạc như Messenger của Facebook hay WhatsApp... Cơ quan chức năng cũng có quyền yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ không được tiết lộ những hoạt động điều tra, theo dõi này. Nếu không muốn tuân thủ, họ có quyền kiện lên tòa án, nhưng trong trường hợp thua kiện, họ có thể bị phạt đến 10 triệu AUD (gần 170 tỉ đồng) còn cá nhân thì đối diện án tù từ 5 - 10 năm.
Bộ trưởng An ninh mạng Úc Angus Taylor khẳng định dự luật nói trên hết sức cần thiết vì tội phạm ngày càng sử dụng nhiều phương thức giao tiếp bảo mật trên mạng. AFP dẫn lời ông Taylor cho hay trong năm qua, khoảng 200 cuộc điều tra về tội phạm hình sự nghiêm trọng hoặc khủng bố gặp bế tắc vì luật an ninh mạng hiện hành. Giới chức ước đoán đến năm 2020, toàn bộ việc giao tiếp giữa các nhóm khủng bố hoặc tội phạm có tổ chức đều được thực hiện qua những ứng dụng liên lạc mã hóa.
Tuy nhiên, dự luật dự kiến được đưa ra bỏ phiếu tại quốc hội vào tháng 11 cũng gây nhiều lo ngại về chính sách bảo mật và quyền riêng tư. Giới chuyên gia công nghệ còn lo ngại việc các nhà cung cấp dịch vụ phải suy giảm độ bảo mật của các cuộc hội thoại để cảnh sát nghe lén sẽ vô hình trung tạo điều kiện cho tin tặc xâm nhập. Bên cạnh đó, việc thiếu một cơ quan giám sát hoạt động điều tra sẽ dễ dẫn đến tình trạng lạm quyền. Dự luật mới cho phép giám đốc cơ quan tình báo, an ninh hoặc tổng chưởng lý Úc có quyền ra yêu cầu thu thập thông tin trong khi nhiều nước khác thành lập ủy ban đặc biệt để giám sát hoạt động này, theo Đài ITV News.
Đến nay, quy định về quyền tiếp cận thông tin mạng vẫn còn là vấn đề được tranh luận gay gắt ở các nước và tòa án thường chỉ xét xử theo từng trường hợp cụ thể. Theo Đài ABC, đại diện các công ty công nghệ lớn như Facebook, Google, Microsoft, Twitter hay Yahoo! tại Úc đã kêu gọi “đối thoại xây dựng” với chính phủ về dự luật mới trên cơ sở tôn trọng quyền riêng tư và tự do ngôn luận.
Reuters dẫn nguồn thạo tin cho biết chính quyền Mỹ đang tiến hành kiện Facebook vì hãng này từ chối để lực lượng hành pháp nghe lén cuộc gọi thoại của một nghi phạm trên ứng dụng Messenger. Tuy nhiên, Facebook biện minh rằng cuộc gọi thoại trên Messenger đã được mã hóa và chỉ có người tham gia mới nghe được. Chưa rõ kết quả phân xử nhưng nếu chính quyền Mỹ thắng, phán quyết này có thể trở thành án lệ để buộc các công ty cho phép nghe lén đối với các ứng dụng liên lạc mã hóa như Hangouts, Signal hay WhatsApp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.