Chip máy tính Apple Silicon có phải là chiến thắng mới của ARM?

26/06/2020 15:59 GMT+7

Apple vừa công bố một sự thay đổi mang tính nền tảng xuyên suốt các dòng máy tính Mac. Theo đó, hãng sẽ rời bỏ vi xử lý Intel trên kiến trúc x86 lâu nay để chuyển qua sử dụng các chip máy tính Apple Silicon.

Dù sẽ phải mất thêm vài năm để hoàn tất quá trình chuyển đổi sang nền tảng mới, nhưng thông báo của Apple đã thay đổi hoàn toàn cái nhìn về thị trường điện toán trong tương lai.
Bởi lâu nay, các vi xử lý của Intel và AMD dựa trên kiến trúc x86-x64 vẫn mặc nhiên thống trị thị trường máy tính. Nhưng với đà tiến bộ của công nghệ di động, các kiến trúc cũ kỹ này đang dần lỗi thời và chạm tới các giới hạn vật lý lẫn hiệu năng, trong đó chip Intel đang dần mất lợi thế khi có kiến trúc cồng kềnh và mức tiêu hao điện năng cao dù đã chuyển xuống tiến trình 10nm.
Không chỉ có Apple, trước đó Microsoft cũng đã nỗ lực tìm phương án thay thế x86 bằng một nguyên mẫu máy tính Surface chạy chip ARM, gần đây Microsoft cũng trình diễn một mẫu máy tính chạy chip Snapdragon tùy chỉnh riêng với sự hợp tác của Qualcomm. Nhưng giới hạn sức mạnh của Snapdragon và các yếu tố khác vẫn cản trở Microsoft trong nỗ lực cách mạng này.
Cuộc đua về tương lai điện toán di động trở nên hấp dẫn hơn khi Apple tuyên bố tự sản xuất chip máy tính riêng dành cho các máy Mac, một hướng đi nhằm đẩy mạnh hơn nữa khả năng kiểm soát phần cứng và phần mềm như cách mà họ đã thành công với iPhone và iPad, giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn cung của bên thứ ba. Thú vị hơn, chip Apple Silicon mới sẽ dùng kiến trúc ARM quen thuộc trên các thiết bị di động, nhưng sở hữu sức mạnh không thua kém và thậm chí là vượt trội các chip máy tính truyền thống hiện có của Intel và AMD.
Rõ ràng Apple là một khách hàng lớn của Intel, nhưng ở góc độ điện toán thì việc rời bỏ là tất yếu, nhất là khi chip máy tính Intel đang tỏ ra hụt hơi với đối thủ AMD và cả chính đà phát triển của máy tính. Nhưng sâu xa hơn, đây cũng là bước đi cần thiết của Apple sau khi họ bị trì trệ trên kiến trúc ARM do thiết kế RISC. Dù ARM đã phát huy thế mạnh trên các thiết bị di động (đặc biệt là điện thoại thông minh), nhưng trong suốt 15 năm qua nó vẫn nằm trong giới hạn thiết bị dùng pin vốn bị giới hạn nhiều về năng lực điện toán.
Vậy RISC là gì? Nó là thuật ngữ viết tắt của cụm từ “Reduced Instruction Set Computing”, một kiến trúc rút gọn của chip máy tính tiêu chuẩn và được phát triển từ những năm 1980 nhằm khắc phục các vấn đề trong bộ xử lý ban đầu. Cụ thể, RISC được thiết kế để cố gắng đơn giản hóa các tập lệnh và các hoạt động cơ bản nhất mà một con chip có thể thực hiện. Một lệnh RISC được thiết kế để thực hiện trong xung nhịp tính toán duy nhất nhằm giảm tài nguyên của thiết bị.
Ban đầu, các chip RISC được thiết kế để có thể thực hiện công việc tương tự như một chip truyền thống nhưng trong thời gian ngắn hơn, dễ thiết kế hơn và sản xuất rẻ hơn. Các chip truyền thống sau này được gọi là Complex Instruction Set Computing, viết tắt là CISC. Trong thập niên 1990, cả hai kiến trúc chip này đều được sử dụng rộng rãi, nhưng các chip CISC mà Intel, AMD và VIA đang sử dụng dần chiếm lĩnh các thị trường điện toán quan trọng, trong khi các chip có kiến trúc RISC mà ARM đang sử dụng đã dần chuyển sang dùng trong các thiết bị di động nhỏ gọn và có yêu cầu tính toán thấp hơn, phần lớn chúng chỉ dùng pin để hoạt động.
Rồi hiệu suất của smartphone bùng nổ tạo ra một cuộc tranh luận gay gắt về việc liệu RISC có thực sự là một thiết kế ưu việt cho cả các thiết bị mạnh mẽ hơn như máy tính cá nhân (PC) hay không, và quyết định của Apple có lẽ sẽ xác nhận điều đó. Tuy nhiên, dù các chip máy tính mới của Apple thực sự có thể chứng minh khả năng của nó qua các máy Mac, nhưng điều này có thể không liên quan nhiều đến ARM mà còn liên quan đến thiết kế RISC mà ARM đang sử dụng.
Theo Endaget, đây không chỉ là một bước tiến mới của ARM, mà có lẽ còn là một sự trỗi dậy của RISC sau nhiều năm nằm dưới bóng của CISC. Nếu Apple thành công, tương lai điện toán sẽ sang trang mới, nơi mà Intel và AMD sẽ phải thay đổi cách tiếp cận nếu không muốn bị tụt lại.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.