Megvii là startup chuyên công nghệ nhận dạng khuôn mặt, bị xem là có liên quan đến hành vi giám sát người dân ngày càng nhiều của chính phủ Trung Quốc. Đến nay, hãng cho hay chưa có thông tin về việc mình bị vào bất cứ danh sách nào của chính phủ Mỹ, song điều này không tránh được nhiều đồn đoán về “số phận” của doanh nghiệp.
Megvii không nổi danh bên ngoài Trung Quốc, song lại là “ngôi sao” tại quê nhà. Thành lập năm 2011, hãng có trụ sở ở Bắc Kinh chủ yếu bán phần mềm có khả năng nhận dạng khuôn mặt, giới tính và tuổi tác của người đi qua camera giám sát, cho dù đó là ở ga tàu hay trong trung tâm thương mại. Công ty cũng nghiên cứu về cách để máy móc nhận dạng tư thế của con người.
Nhiều nhà cung ứng dịch vụ thanh toán và sản xuất smartphone, chẳng hạn như Lenovo Group, sử dụng dịch vụ chính Face++ của Megvii để nhận dạng kỹ thuật số khách hàng. Megvii xử lý hơn 400 yêu cầu xác minh danh tính cho khách hàng thanh toán, ngân hàng và nhiều khách hàng khác. Công ty được nhiều nhà đầu tư tên tuổi, chẳng hạn như Alibaba và cả Ant Financial của tỉ phú Jack Ma, hậu thuẫn. Startup đang tính kế hoạch IPO trên sàn Hồng Kông, huy động khoảng 1 tỉ USD.
Megvii được biết đến nhiều với tư cách một trong các hãng đi đầu mảng trí tuệ nhân tạo (AI) ở Trung Quốc. Đây cũng là lý do vì sao startup có 2.000 nhân viên đứng giữa cuộc tranh luận chính trị toàn cầu về cách thức triển khai, kiểm soát và quản lý AI.
|
Dù công nghệ nhận dạng khuôn mặt ở Trung Quốc cũng được dùng cho nhiều hành vi tích cực như tìm trẻ em mất tích, bắt tội phạm và hỗ trợ giao thông tốt, giới làm luật và nhân quyền Mỹ vẫn lấy động thái của chính quyền Trung Quốc với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương để chứng minh rằng quốc gia Đông Á lạm dụng AI. Hồi tháng 4, The New York Times đưa tin Bắc Kinh dùng phần mềm từ Megvii, SenseTime và nhiều hãng trong nước khác để theo dõi người Duy Ngô Nhĩ.
Megvii cho hay họ không thiết kế hay tùy chỉnh phần mềm để đặt mục tiêu vào các nhóm dân tộc thiểu số. Khi hợp tác với khu vực công, hãng cũng không có quyền truy cập dữ liệu cá nhân vốn được lưu trên máy chủ riêng của khách hàng. “Chúng tôi yêu cầu khách hàng của chúng tôi không vũ khí hóa công nghệ, giải pháp và sử dụng chúng cho các mục đích bất hợp pháp, trong đó có việc vi phạm nhân quyền”, công ty cho biết.
Dù thế, Megvii thừa nhận rằng AI vẫn có thể có “nhiều hậu quả không lường trước”, hệt như tất cả các loại công nghệ khác. Hãng muốn hợp tác với cộng đồng AI toàn cầu để bảo đảm sản phẩm có tác động tích cực lên xã hội.
Giữa tuần này, các thành viên Ủy ban Cải cách và Giám sát Mỹ có phiên điều trần, tìm hiểu cách luật pháp có thể hạn chế việc giới thực thi pháp luật sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt. Một phần của cuộc thảo luận là về tác động của AI lên quyền dân sự. Các nhà lãnh đạo quân sự Mỹ cũng cho rằng việc Trung Quốc nắm bắt tốt AI có thể khiến Mỹ bị trượt lại phía sau.
|
Ở Trung Quốc, Megvii cạnh tranh với SenseTime cho vị trí startup AI giá trị nhất. Cả hai doanh nghiệp huy động được nhiều tiền và được công nhận chuyên môn kỹ thuật ở cả trong và ngoài Trung Quốc. Kai-Fu Lee, người đứng đầu Sinovation Ventures và là nhà đầu tư sớm cho Megvii, cho hay startup này là “công ty đi đầu thế giới về công nghệ nhận dạng khuôn mặt, hình ảnh”. Sinovation sau đó bán một phần cổ phần trong Megvii và rời khỏi hội đồng quản trị hãng.
Hai người thành lập Megvii từng theo học hoặc làm việc tại Microsoft Research và Đại học Thanh Hoa. Megvii cũng là một trong các hãng chiến thắng cuộc thi toàn cầu về tầm nhìn máy tính năm 2017 và 2018, hơn các đội đến từ Google, Microsoft và Facebook. Hiện công nghệ của Megvii được triển khai trong hơn 250 dự án tại Trung Quốc, giúp cảnh sát bắt giữ hơn 10.000 tội phạm. Phần mềm nhận dạng khuôn mặt của hãng được dùng ở những nơi như sân bay, trạm giao thông công cộng, tòa nhà văn phòng.
|
Hiện chưa rõ Megvii phụ thuộc công nghệ Mỹ ra sao, và lệnh cấm mua công nghệ Mỹ sẽ có ảnh hưởng xấu thế nào. Doanh số ở Mỹ của Megvii rất nhỏ. Trung Quốc nỗ lực tài trợ cho các hãng chất bán dẫn có thể hỗ trợ máy tính chuyên sâu mà các hệ thống AI yêu cầu, song nhiều doanh nghiệp Trung Quốc vẫn phụ thuộc vào Intel, Qualcomm, Nvidia.
“Để Trung Quốc bắt kịp và có Nvidia của riêng mình phải cần ít nhất một thập niên. Đây không phải là nơi mà vốn và tiền mặt có thể giúp doanh nghiệp dễ dàng vượt lên”, ông Lee từ Sinovation nhận định.
Bình luận (0)