Đài Loan giúp nhiều hãng công nghệ chuyển sản xuất sang Việt Nam, Ấn Độ

Thu Thảo
Thu Thảo
15/05/2019 16:54 GMT+7

Vùng lãnh thổ Đài Loan đang hỗ trợ giới doanh nghiệp trong nước tìm trung tâm sản xuất mới ở châu Á, bên ngoài Trung Quốc, giữa lúc thương chiến Mỹ - Trung đe dọa chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu.

Bloomberg trích nhận định của Kung Ming-hsin, người chuyên trách các vấn đề kinh tế của Đài Loan, cho hay quyết định tăng thuế lên 200 tỉ USD giá trị hàng nhập khẩu từ Trung Quốc của Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tuần trước sẽ thuyết phục bất cứ hãng Đài Loan nào còn chần chừ chuyển một số hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc.
Theo ông Kung, sau Đài Loan thì Việt Nam và Ấn Độ là hai điểm đến ưa chuộng của các hãng điện tử xứ Đài. “Các doanh nghiệp Đài Loan có thể đưa sản xuất linh kiện quan trọng, giá trị cao về nhà, song việc lắp ráp và sản xuất hàng loạt thiết bị sẽ đến Đông Nam Á. Các nước Đông Nam Á biết rằng họ có cơ hội”, ông Kung chia sẻ.
Các hãng quốc tế lớn như Apple và Dell Technologies từ lâu phụ thuộc vào lực lượng lao động khủng và năng lực sản xuất của Trung Quốc để lắp ráp mọi thứ, từ iPhone cho đến máy vi tính. Giờ đây, mối đe dọa thuế quan của Mỹ lên cao, cáo buộc gián điệp phần cứng và nền kinh tế Đông Nam Á đi lên là ba yếu tố khuyến khích giới doanh nghiệp công nghệ cân nhắc dịch chuyển sản xuất khỏi nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới.
Đài Loan là cái tên hưởng lợi chính từ sự thay đổi này. Từ đầu năm đến nay, 52 doanh nghiệp địa phương cam kết rót khoảng 9 tỉ USD vào vùng lãnh thổ. Đây là một phần của chương trình mà chính quyền đưa ra nhằm thuyết phục giới doanh nghiệp xứ Đài có cơ sở sản xuất ở Trung Quốc về bớt lại quê nhà.
Dù có rất ít khả năng Trung Quốc bị soán ngôi nhà máy sản xuất điện tử của thế giới, xu hướng này vẫn đang gia tăng khi Mỹ, Trung Quốc căng thẳng chính trị, thương mại và công nghệ. Theo ông Kung, việc chia tách chuỗi sản xuất toàn cầu đang đi từ một trung tâm là Trung Quốc sang nhiều hệ thống đa hướng. Trong hệ thống này, sản xuất ở Trung Quốc vẫn sẽ tiếp diễn trong khi sản xuất ở các nước khác sẽ để dành để phục vụ thị trường Mỹ và thị trường khác ngoài Trung Quốc.
Nhiều quan chức Đài Loan hiện giúp giới doanh nghiệp đàm phán với chính phủ ở các nước châu Á về thuế, trợ cấp và phát triển khu công nghiệp. Dù ghi nhận sự đi lên của Đông Nam Á, ông Kung vẫn thừa nhận mối lo ngại về hệ sinh thái sản xuất điện tử tại đây. Đông Nam Á vẫn còn chặng đường dài phải đi để bắt kịp Trung Quốc.
“Nếu sản xuất một dòng sản phẩm được di dời, toàn bộ chuỗi cung ứng cũng phải di chuyển. Chúng cần là một cụm”, Phó chủ tịch Quanta Computer, ông C.C. Leung cho hay. Quanta đã chuyển phần nhiều sản xuất bo mạch máy chủ từ Trung Quốc về lại Đài Loan trong năm qua, hiện mở rộng cơ sở ở Mỹ. Hãng sắp đối mặt mức thuế 25% mà Mỹ áp lên máy tính xách tay nếu ông Trump quyết định áp thuế nốt lên 300 tỉ USD giá trị hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.
“Hiện tại chưa có sự đồng thuận giữa các chuỗi cung ứng rằng Đông Nam Á là nơi tốt nhất. Nếu sản xuất dàn trải tại nhiều nước khác nhau, chi phí vận chuyển sẽ cao. Tất cả lợi nhuận của chúng tôi sẽ về với các hãng logistics và hải quan địa phương”, ông Leung nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.