Đông Nam Á đón sóng đầu tư công nghệ nhờ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc

Thu Thảo
Thu Thảo
22/10/2018 19:58 GMT+7

Đông Nam Á đang đi qua đợt bùng nổ đầu tư trực tiếp nước ngoài vì cuộc chiến thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc khiến nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp thuộc mảng công nghệ, di cư.

Bloomberg trích thông tin từ Maybank Kim Eng Research cho biết dòng tiền chảy vào sản xuất ở Việt Nam tăng 18% trong 9 tháng đầu năm 2018, được thúc đẩy bởi nhiều khoản đầu tư, trong đó có dự án sản xuất polypropylene 1,2 tỉ USD do hãng Hàn Quốc Hyosung thực hiện.
Từ tháng 1 đến tháng 7, đầu tư trực tiếp (FDI) vào Thái Lan tăng 53% so với cách đây một năm, lên 7,6 tỉ USD. Dòng tiền vào sản xuất tăng gấp năm lần, theo dữ liệu từ ngân hàng trung ương Thái Lan. Ở Philippines, FDI vào mảng sản xuất tăng mạnh từ 144 triệu USD cách đây một năm lên 861 triệu USD.
“Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc có thể thu hút thêm nhiều công ty đến ASEAN (Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á) để không dính thuế quan. Các lĩnh vực như sản phẩm tiêu dùng, công nghiệp, công nghệ và viễn thông, ô tô cùng hóa nhất thể hiện sự quan tâm vào khu vực Đông Nam Á”, hai nhà kinh tế Chua Hak Bin và Lee Ju Ye ở Maybank cho hay.
Đông Nam Á đang hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại, vì khu vực này trở thành cơ sở thay thế cho nhiều doanh nghiệp tìm cách di dời sản xuất ra khỏi Trung Quốc để tránh bị Mỹ áp thuế quan. Khoảng 1/3 trong số hơn 430 công ty Mỹ ở Trung Quốc đã hoặc đang xem xét chuyển sản xuất ra ngoài Đại lục giữa căng thẳng leo thang, theo cuộc khảo sát thực hiện từ ngày 29.8 đến ngày 5.9.
“Căng thẳng thương mại leo thang càng đẩy nhanh xu hướng đang diễn ra. Đông Nam Á là khu vực tăng trưởng mạnh, là nơi gia công nước ngoài với chi phí sản xuất thấp, tự do hóa thương mại và các rủi ro địa chính trị thấp”, nhà kinh tế cấp cao Trinh Nguyen thuộc Natixis Asia ở Hồng Kông nhận định.
Dù vậy, ASEAN chưa chắc hoàn toàn miễn dịch với sóng gió căng thẳng thương mại. Báo cáo công bố hôm nay 22.10 cho thấy chiến tranh thương mại là yếu tố khiến xuất khẩu của Thái Lam giảm bất ngờ trong tháng 9.
Một số doanh nghiệp có kế hoạch mở rộng hoặc di dời sản xuất đến Đông Nam Á Ảnh: Bloomberg
Trên đây là thông tin về vài doanh nghiệp có kế hoạch di dời hoặc tăng cường sản xuất đến các cơ sở ở Đông Nam Á. Trong số này, có nhiều hãng liên quan đến công nghệ, điện tử tiêu dùng.
Đơn cử, Panasonic thuộc mảng điện tử đóng nhà máy ở Mỹ năm 2017, chuyển sang sản xuất và xuất khẩu ký gửi từ Malaysia. Hãng Kayamatics chuyên về các thiết bị internet có hai nhà máy ở Trung Quốc nhưng có kế hoạch sản xuất thêm ở Kuala Lumpur và Penang thuộc Malaysia.
Delta Electronics, hãng cung ứng linh kiện năng lượng cho Apple, thì đề nghị chi 2,1 tỉ USD mua lại chi nhánh Thái Lan để mở rộng sản xuất. Trong khi đó, Merry Electronics chuyên làm tai nghe cho các hãng như Bose có ý định chuyển một số hoạt động sản xuất từ nam Trung Quốc xuống Thái Lan.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.