Facebook kỳ vọng gì từ tiền ảo Libra?

19/06/2019 19:03 GMT+7

Facebook tuyên bố sẽ triển khai tiền điện tử Libra vào nửa đầu năm 2020, mang đến cơ hội tiếp cận các giao dịch trực tuyến cho hàng tỉ người trên thế giới .

Mạng xã hội lớn nhất thế giới mô tả Libra như một hệ thống tài chính và tiền tệ toàn cầu, một dạng tài sản kỹ thuật số hoạt động trên công nghệ blockchain, mang đến khả năng bảo mật cao.
Khác với các loại tiền ảo dựa trên blockchain hiện tại, người dùng không thể đạt được Libra thông qua phương thức “đào tiền” (mining). Thực tế, loại tiền này dựa trên cơ chế phát hành tiền cơ bản là sử dụng tài sản bảo chứng. Điều này có nghĩa mỗi đồng Libra được phát hành sẽ có một tài sản giá trị tương đương được đưa vào tài khoản ngân hàng trung ương để bảo chứng. Nhờ đó, giá trị của Libra sẽ ổn định, tránh cảnh bị thao túng bởi giới “đào tiền” như các loại tiền điện tử khác.
Tuy nhiên, việc bảo chứng với tỷ lệ giá trị 1:1 (một Libra đổi một tài sản bảo chứng) là điều bất thường trong thế giới tiền ảo. Giáo sư Ari Juels tại Viện nghiên cứu Jacobs thuộc Cornell Tech cho hay tiền điện tử không được bảo chứng bằng cách này vì có thể khiến hàng tỉ USD giá trị tài sản “nằm im một chỗ”, không được lưu thông trên thị trường. “Ngay cả các cơ quan tài chính truyền thống, ví dụ như ngân hàng ở Mỹ, cũng không hoàn toàn bảo chứng kiểu này”, Ari nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Facebook vốn đang phải đối mặt với nhiều chỉ trích từ cộng đồng cũng như chính quyền, liên quan tới vấn đề quyền riêng tư và thông tin cá nhân trên nền tảng mạng xã hội của hãng. Việc này khiến Ủy ban Ngân hàng thuộc Thượng viện Mỹ đã phải gửi văn bản cho CEO Mark Zuckerberg, yêu cầu giải thích làm cách nào công ty có thể bảo vệ thông tin tài chính của người dùng. Theo CNN, Facebook mới chỉ xác nhận rằng đã nhận câu hỏi từ Thượng viện và đang soạn câu trả lời.
Về phần mình, đại diện Facebook khẳng định dữ liệu tài chính sẽ được xử lý độc lập bởi ví điện tử Calibra và không chia sẻ hay đồng bộ với bất kỳ dữ liệu người dùng mạng xã hội nào. Hãng cũng cho biết sẽ sử dụng những quy trình xác thực, chống lừa đảo như trên thẻ ngân hàng, các hệ thống tự động và chủ động theo dõi nhằm bảo vệ, ngăn ngừa các hành vi lừa đảo.
Hãng thành lập Hiệp hội Libra, một tổ chức độc lập để quản lý và ví điện tử Calibra - ứng dụng liên quan đến loại tiền ảo mới. Hiệp hội có hàng loạt tên tuổi trong lĩnh vực tài chính, công nghệ với vai trò thành viên sáng lập như Paypal, eBay, Visa, Mastercard, Thrive Capital, Uber, Mercy Corps, Andreesen Horowitz… Các sáng lập viên đầy kinh nghiệm trong các lĩnh vực chủ chốt của dự án Libra như luật tài chính quốc tế, blockchain, nhu cầu tài chính trên toàn thế giới…
Người dùng sẽ giao dịch Libra qua Messenger hoặc WhatsApp Ảnh: Facebook
Theo chuyên gia bảo mật độc lập Nguyễn Hồng Phúc, dựa trên tài liệu do Facebook cung cấp, Libra có vẻ là đồng tiền được thiết kế tốt nhất hiện nay (có sử dụng blockchain). Tuy nhiên vấn đề không hoàn toàn nằm ở câu chuyện bảo mật đối với đồng tiền ảo do mạng xã hội lớn nhất phát hành.
“Facebook không sử dụng vàng hay tài sản vật chất làm tài sản bảo chứng mà dùng tiền gửi ngân hàng và trái phiếu chính phủ (ngắn hạn). Hoạt động này giống với việc phát hành tiền giấy ở hầu hết các ngân hàng trung ương trên thế giới”, anh Phúc bình luận.
Với việc phát hành tiền ảo sử dụng bảo chứng bằng tiền gửi và trái phiếu chính phủ, hoạt động của đơn vị phát hành Libra sẽ tương tự một ngân hàng trung ương (cụ thể là Hiệp hội Libra), đưa ra chính sách để kiểm soát giá trị đồng Libra đối với các loại tiền tệ khác.
“Blockchain chỉ được dùng trong tác vụ clearing house (thanh toán bù trừ). Quy mô của Libra khi dùng toàn cầu rất lớn nên blockchain sẽ giảm nhẹ công việc khi không phải thành lập một ngân hàng để lo xử lý các giao dịch trên toàn cầu có sử dụng Libra. Cũng theo tài liệu kỹ thuật, Libra có thiết kế của đồng tiền ảo Ethereum nên sẽ có tính năng Smart Contract để có thể ứng dụng trong nhiều giao dịch hơn”, anh Phúc chia sẻ.
Trong vai trò là người tạo ra Hiệp hội Libra và đồng tiền ảo mới, Facebook tuyên bố khi dự án được triển khai, hãng sẽ rút khỏi vai trò lãnh đạo, để mọi thành viên Hiệp hội bình đẳng trong quản lý đồng Libra. Tuy nhiên điều này vẫn cho thấy mạng xã hội lớn nhất thế giới sẽ có vai trò trong việc kiểm soát đồng tiền này.
Bên cạnh đó, Libra được phát hành bởi một công ty và điều hành từ Hiệp hội, thay vì một ngân hàng hay chính phủ. Với quy mô sử dụng và tiếp cận ở mức độ toàn cầu, đồng tiền mới của Facebook đặt ra bài toán quản lý đau đầu cho các nhà quản lý xuyên quốc gia nhằm bảo vệ đồng tiền nội địa cũng như cả nền tài chính.
Facebook hiện có khoảng 2,4 tỉ người dùng toàn cầu, một lượng chủ sở hữu và tiêu dùng bằng Libra đầy tiềm năng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.