Vinaphone là nhà mạng thứ hai tại Việt Nam, sau Viettel, chính thức phủ sóng 5G thương mại trên phạm vi cả nước. Từ ngày 20.12, người sử dụng dịch vụ của nhà mạng này đã có thể trải nghiệm kết nối 5G mà không cần đăng ký gói cước riêng. Cụ thể, kết nối mạng 5G Vinaphone sẽ tự động kích hoạt nếu người dùng đang sở hữu gói cước dữ liệu 4G bất kỳ của nhà mạng này và SIM được lắp trên máy điện thoại, máy tính bảng có hỗ trợ 5G.
Trải nghiệm thực tế chất lượng 5G Vinaphone
Trong buổi lễ công bố triển khai dịch vụ 5G di động diễn ra tại trụ sở VNPT ở Hà Nội ngày 20.12, những người có mặt tại đây đã thử nghiệm kết nối công nghệ mạng mới đạt tốc độ tải xuống tới 1.700 - 1.800 Mbps. Kết quả này lớn hơn tốc độ mạng internet băng rộng tiêu chuẩn tại các hộ gia đình phổ thông ở Việt Nam hiện nay, nhưng việc đo đạc được thực hiện trong môi trường khá lý tưởng (trụ sở của nhà cung cấp dịch vụ).
Ở thời điểm hiện tại, Thanh Niên đã thực hiện nhiều lần đo ở môi trường bên ngoài, tại nhiều tuyến phố thuộc các quận khác nhau ở Hà Nội. Kết quả thu được chưa bằng con số đo tại buổi lễ ra mắt, tuy nhiên vẫn cao hơn rất nhiều khi so sánh với tốc độ 4G hoặc với sóng 5G của nhà mạng khác.
Ở phần thử nghiệm đo nhiều lần tại một số địa điểm thuộc quận Đống Đa, trong đó có khu vực gần trụ sở VNPT, kết quả luôn dao động trong khoảng 700 - 800 Mbps và giữ mức ổn định, không có tình trạng chênh lệch bất thường giữa các lần đo. Điều này khác hẳn kết quả đo thử nghiệm 5G của một nhà mạng khác cũng do Thanh Niên thực hiện hồi cuối tháng 10.2024.
Kết quả tương tự cũng xuất hiện ở nhiều khu vực thuộc quận Hoàng Mai, quận Hai Bà Trưng, quận Hoàn Kiếm. Đây đều là những quận có mật độ dân cư lớn hoặc diện tích rộng. Tuy nhiên, tại khu vực trung tâm phố cổ (nơi tập trung đông dân cư và khách du lịch), quanh hồ Hoàn Kiếm (quận Hoàn Kiếm), kết quả lại sụt giảm với tốc độ tải xuống thấp nhất ghi nhận được là hơn 90 Mbps, mức cao trung bình dao động 500 - 600 Mbps.
Những con số này cho thấy tốc độ mạng 5G Vinaphone đang ở mức cao so với mặt bằng chung hiện nay và lớn hơn gấp khoảng 5 - 7 lần so với tốc độ mạng 4G cũng của đơn vị này cung cấp. Về tổng quan, tốc độ kết nối có sự đồng đều tương đối ở các lần đo, chỉ một vài trường hợp rất nhỏ (chiếm khoảng 10 - 15% tổng số lần đo) có tốc độ thấp hẳn tại những thời điểm nhất định sẽ không có ảnh hưởng đáng kể nào tới trải nghiệm của người dùng.
Đánh giá mạng 5G Vinaphone
Với tốc độ như đã nêu, mạng 5G Vinaphone về cơ bản sẽ đáp ứng được những gì người dùng phổ thông đang trông đợi ở công nghệ internet di động này. Ngoài tốc độ cao đồng đều, chất lượng kết nối cũng ổn định, đặc biệt không xuất hiện tình trạng "đơ kết nối" khi di chuyển từ những khu vực có sóng 5G sang nơi không có 5G, buộc phải nhận 4G. Đây là tình trạng mà nhiều người dùng 5G của Viettel gặp phải ở giai đoạn đầu nhà mạng này mới triển khai dịch vụ.
Tuy nhiên, một "điểm trừ" đối với dịch vụ 5G Vinaphone ở thời điểm này là địa điểm phủ sóng vẫn thấp. Thực tế cho thấy còn nhiều khu vực người dùng chưa thể kết nối với dịch vụ 5G mà vẫn chỉ hiện 4G hoặc 4G+ (LTE Advanced, tốc độ cao hơn khoảng 20% so với 4G) trên cột sóng điện thoại. Người dùng sẽ cần chờ thêm thời gian ngắn nữa để nhà mạng gia tăng độ phủ. Lãnh đạo đơn vị này cho biết kế hoạch tiếp tục phủ sóng rộng hơn nữa trong năm 2025 và sớm phủ sóng 85% dân số trong thời gian tới.
Hiện tại với người dùng cá nhân, mạng 5G nói chung sẽ thích hợp cho quá trình trải nghiệm các dịch vụ đòi hỏi băng thông lớn, độ trễ thấp như chơi game trên nền tảng đám mây (Cloud Gaming), phát trực tiếp (livestream), thực tế ảo/thực tế tăng cường AR/VR/XR, xem video 4K/8K/360...
Bình luận (0)