Việc dừng quảng cáo có thể giúp bảo vệ người dùng trước những nội dung được lan truyền rộng rãi có thể gây hiểu lầm liên quan đến việc bầu cử. Đây có thể xem là nỗ lực của mạng xã hội lớn nhất thế giới trước hàng loạt cáo buộc do không kiểm soát thông tin gây ảnh hưởng đến quyền dân sự của người dùng.
Tuy nhiên, quyết định này cũng có thể gây tổn hại đến những chiến dịch tranh cử chính thống, giảm khả năng tiếp cận thông tin mới của các cử tri. Hiện ban lãnh đạo Facebook chưa xác nhận thông tin này và bỏ ngỏ thời điểm áp dụng lệnh cấm.
Đây là động thái mới nhất của Facebook sau một loạt động thái bất thành nhằm xoa dịu các phong trào tẩy chay mạng xã hội này.
Giá cổ phiếu Facebook giảm mạnh
Trong bài đăng trên trang cá nhân vào ngày 7.7, bà Sheryl Sandberg, Giám đốc vận hành của Facebook, cho biết Facebook đã đầu tư hàng tỉ USD để phát hiện và loại bỏ phát ngôn thù hận. Bà Sandberg khẳng định rằng động thái này của Facebook là nhằm bảo vệ quyền dân sự của người dùng chứ không phải để đối phó với làn sóng tẩy chay quảng cáo đang ngày càng lan rộng.
Cũng trong ngày 7.7, đội ngũ ban lãnh đạo Facebook đã ngồi lại thảo luận với các thủ lĩnh của phong trào #StopHateforProfit. Phong trào này kêu gọi các công ty ngừng quảng cáo trên Facebook và Instagram trong ít nhất là tháng 7 khởi nguồn từ việc Facebook đã không can thiệp vào một bài của Tổng thống Donald Trump khi ông này đe dọa sử dụng bạo lực với người biểu tình đòi bình đẳng.
Sáng kiến này đã thu hút sự ủng hộ đáng kinh ngạc từ hơn 500 công ty, trong đó có Coca-Cola, Starbucks, Ford, Microsoft đồng ý tạm dừng chi ngân sách quảng cáo trên Facebook và Instagram, khiến cổ phiếu của mạng xã hội lớn nhất thế giới giảm 8% ngay trong đầu tháng 7 và tiếp tục giữ mức thấp cho đến tuần qua.
Cần thêm nhiều công ty tham gia
Tờ The New York Times ngày 8.7 đưa tin nhóm vận động đưa ra nhiều yêu cầu đối với Facebook nhằm đảm bảo quyền dân sự cho người dùng bao gồm bổ nhiệm một giám đốc chuyên về dân quyền, nộp bản kiểm toán độc lập thường xuyên và cập nhật thêm các tiêu chuẩn cộng đồng. Tuy nhiên, Facebook chỉ cam kết sẽ tuyển dụng nhân sự cho vị trí dân quyền mà không kèm theo giải pháp nào khác.
Forbes dẫn lời Jonathan Greenblatt, một trong những người dẫn đầu phong trào, cho biết ông cảm thấy rất thất vọng sau buổi gặp gỡ. “Họ không có bất kỳ câu trả lời cụ thể nào cho những yêu cầu của chúng tôi”, ông Greenblatt nhấn mạnh. Chủ tịch Hiệp hội quốc gia vì sự tiến bộ của người da màu NAAC Derrick Johnson cũng bác bỏ những nỗ lực của Facebook vì cho rằng công ty này chỉ quan tâm đến cuộc đối thoại hơn là hành động cụ thể.
Theo các chuyên gia kinh tế chia sẻ với Forbes, mặc dù khiến giá cổ phiếu của Facebook chao đảo, nhưng chiến dịch tẩy chay sẽ phải cần thêm rất nhiều công ty tham gia trong một khoảng thời gian dài hơn để có thể khiến nền tảng này suy nghĩ lại về cách vận hành của mình.
“Chúng ta sẽ không thay đổi chính sách hoặc cách tiếp cận đối với bất kỳ điều gì chỉ vì mối đe dọa đối với doanh thu. Các công ty rồi sẽ sớm quảng cáo trở lại”, tờ The Information trích tin nhắn của CEO Mark Zuckerberg gửi cho các nhân viên hồi đầu tháng 7.
Bình luận (0)