Giới đầu tư đổ xô vào ứng dụng phẫu thuật thẩm mỹ của Trung Quốc

Thu Thảo
Thu Thảo
05/05/2019 22:10 GMT+7

So-Young International, ứng dụng thị trường và mạng xã hội Trung Quốc tăng vọt trong ngày đầu niêm yết trên sàn chứng khoán Nasdaq trong tuần này.

Theo South China Morning Post, giới đầu tư tranh thủ mua cổ phiếu của doanh nghiệp nắm bắt nhu cầu “trùng tu” nhan sắc ngày càng rầm rộ ở nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới. Cổ phiếu doanh nghiệp 5 năm tuổi So-Young tăng 44% trong ngày đầu giao dịch trước khi đóng cửa ở mức 18,2 USD, cao hơn 32% so với giá ban đầu là 13,8 USD. So-Young đang có giá trị thị trường 1,8 tỉ USD.
Doanh nghiệp khởi động ở Bắc Kinh vào năm 2014, với tư cách ứng dụng chợ hay thị trường, kết nối các phòng khám với bệnh nhân. Nó còn hoạt động như một cộng đồng dành cho những người quan tâm phẫu thuật thẩm mỹ đến để chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm riêng.
Người dùng có thể đăng văn bản, hình ảnh và video về trải nghiệm của họ, xem video giải thích và phát trực tuyến nội dung từ các phòng khám, với sự xuất hiện của bác sĩ. Họ có thể kết nối và tương tác với người dùng khác hoặc với bác sĩ để tìm lời khuyên và được tư vấn khi sẵn sàng. Ngoài ra, người dùng còn có thể thực hiện mua hàng trên nền tảng.
Ngày đầu giao dịch tốt của So-Young phản ánh sự quan tâm lớn dành cho thị trường phẫu thuật thẩm mỹ đang bùng nổ ở Đại lục. Dân Trung Quốc ngày càng có thu nhập khả dụng cao hơn, và nhu cầu phẫu thuật thẩm mỹ để trông đẹp hơn cũng tỷ lệ thuận theo thu nhập.
Trung Quốc là một trong những thị trường dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ phát triển nhanh nhất thế giới, xếp thứ hai về quy mô thị trường năm 2017, chỉ sau Mỹ. Theo dự báo của Frost & Sullivan, nước này sẽ là thị trường phẫu thuật thẩm mỹ lớn nhất toàn cầu vào năm 2021. Doanh thu toàn ngành được ước tính đạt 360,1 tỉ nhân dân tệ, tương đương 53,5 tỉ USD năm 2023.
Nhu cầu phẫu thuật thẩm mỹ đi lên cùng thu nhập Ảnh: China Money Network
Quan điểm của dân Trung Quốc với sắc đẹp dao kéo đang thay đổi, đặc biệt là với những người dưới 24 tuổi. Điều này mở ra cơ hội thị trường lớn khi những người trẻ này vững vàng hơn về tài chính. “Thế hệ trẻ, những người sinh sau năm 1995, không xa lạ gì với khái niệm phẫu thuật thẩm mỹ. Hiện tại họ không đủ tiền để phẫu thuật, song một khi họ có việc làm hay đủ tuổi sở hữu thẻ tín dụng, không ai có thể ngăn cản họ”, nhà sáng lập kiêm CEO So-Young, ông Jin Xing, cho hay.
So-Young chiếm 1/3 các đợt đặt lịch thăm khám và phẫu thuật thẩm mỹ tại Trung Quốc trong năm qua, tạo điều kiện cho các giao dịch trị giá 2,1 tỉ nhân dân tệ. Trang web soyoung.com ghi nhận số lượt thăm trung bình hằng tháng là 10,3 triệu lượt, trong khi ứng dụng thì có 1,4 triệu người dùng có hoạt động.
So-Young tính phí quảng cáo và giao dịch cho các phòng khám và bác sĩ. Hãng có 89,8 triệu USD doanh thu và đã có lời với lợi nhuận 8 triệu USD năm 2018. Dù vậy, một số nhà phân tích đặt câu hỏi liệu So-Young có thể duy trì mối quan hệ với phòng khám và bệnh nhân trên nền tảng của mình hay không.
Nhà phân tích Zhen Zhou Toh tại hãng Aequitas Research cho hay: “Chúng tôi lo ngại về tính bền vững của doanh nghiệp vì các nhà cung ứng dịch vụ có thể dễ dàng phá vỡ mô hình So-Young khi họ có được khách hàng”.
So-Young không phải hãng công nghệ duy nhất kiếm tiền từ nhu cầu sắc đẹp của người Trung Quốc. Nước này còn nhiều nền tảng phẫu thuật thẩm mỹ nhỏ hơn như Gengmei và Yuemei. Ngoài ra, So-Young cũng vấp phải sự cạnh tranh từ các doanh nghiệp nền tảng cung ứng dịch vụ khác nhau như Meituan, hãng vừa công bố hợp tác với một số cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ hồi tháng 1. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.