Theo TechCrunch, báo cáo về dự án xây dựng tuyến cáp ngầm của Google xuất hiện lần đầu tiên trên Wall Street Journal vào tháng 4.2019. Đây là tuyến cáp riêng thứ ba của công ty, sau tuyến cáp Curie giữa Mỹ và Chile và tuyến cáp ngầm Dunant xuyên Đại Tây Dương kết nối Mỹ và châu Âu. Tuyến cáp Dunant dài 6.600 km dự kiến đi vào hoạt động năm 2020.
Google đã đầu tư khoảng 47 tỉ USD để cải thiện cơ sở hạ tầng công nghệ toàn cầu của hãng trong ba năm qua và Equiano là công ty đầu tư cáp ngầm thứ 14 của hãng. Google hiện cũng là đối tác trong một số tập đoàn vận hành các tuyến cáp trải rộng trên toàn cầu. Cáp ngầm là xương sống internet khi hiện chịu trách nhiệm cho khoảng 99% lưu lượng dữ liệu trên toàn cầu.
Công ty cho biết Equiano được đặt theo tên của nhà văn Olaudah Equiano người Nigeria. Đây sẽ là hệ thống cáp ngầm đầu tiên sử dụng chuyển mạch quang thay vì dùng bước sóng truyền thống. Điều này làm cho việc phân bổ công suất khi cần thiết dễ dàng hơn.
Google cũng nhấn mạnh rằng hệ thống cáp mới có thể mang công suất gấp khoảng 20 lần so với tuyến cáp cuối cùng được chế tạo phục vụ khu vực này. Cáp sẽ có nhiều đơn vị phân nhánh sau đó có thể sử dụng để kết nối đường dây với các quốc gia khác trên đường đi. Nhánh đầu tiên sẽ kết nối đến Lagos, Nigeria và các nhánh khác sẽ theo sau trong tương lai.
Không giống như một số đối thủ cạnh tranh, Google hiện không vận hành bất kỳ trung tâm dữ liệu nào trên lục địa châu Phi và vẫn chưa chia sẻ bất kỳ thông tin nào về kế hoạch thực hiện điều đó. Động thái mới nhất cho thấy Google muốn tốc độ kết nối đến châu Âu thậm chí còn nhanh hơn và cũng có thể Google sẽ đưa hệ thống cáp mới này làm bước đệm cho việc ra mắt trung tâm dữ liệu ở Nam Phi trong tương lai.
Bình luận (0)