Huawei đổ lỗi cho Mỹ về cuộc khủng hoảng chip toàn cầu

13/04/2021 13:26 GMT+7

Huawei Technologies hôm 12.4 nói lệnh trừng phạt của Mỹ đối với các công ty Trung Quốc đã đẩy hoạt động mua bán chip trên thế giới vào trạng thái hoảng loạn, theo Nikkei.

“Chúng tôi đã chứng kiến cơn hoảng loạn dự trữ từ các công ty toàn cầu, đặc biệt là các công ty Trung Quốc, do tác động từ lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Huawei. Trước đây, các công ty hầu như không tích trữ linh kiện, nhưng giờ họ đang trữ hàng tồn kho trong vòng 3 hoặc 6 tháng. Điều đó đã làm gián đoạn toàn bộ hệ thống”, Chủ tịch luân phiên của Huawei Eric Xu nói tại Hội nghị thượng đỉnh các nhà phân tích Huawei lần thứ 18.

Huawei cải tổ, tập trung vào các lĩnh vực ít phụ thuộc công nghệ Mỹ

Năm ngoái, chính quyền Washington đã mạnh tay đưa Huawei và các công ty công nghệ khác của Trung Quốc vào danh sách đen thương mại, hạn chế các thực thể này tiếp cận công nghệ của Mỹ với lý do gây rủi ro an ninh quốc gia. “Rõ ràng là lệnh trừng phạt không chính đáng của Mỹ đối với Huawei và các công ty Trung Quốc khác đang tạo ra tình trạng thiếu nguồn cung toàn ngành, điều này thậm chí có thể gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu mới”, ông Xu nhấn mạnh.
Phát biểu của ông Xu diễn ra vài giờ trước khi Nhà Trắng có kế hoạch tổ chức hội nghị để giải quyết tình trạng thiếu chip, trong đó tập trung đến tác động của nó đối với ngành công nghiệp ô tô. Hàng chục giám đốc điều hành từ các hãng công nghệ và nhà sản xuất ô tô hàng đầu của Mỹ, châu Á và châu Âu tham dự sự kiện này, bao gồm General Motors, Ford, Google, Intel, Taiwan Semiconductor Manufacturing Co (TSMC), Samsung Electronics và NXP. Giới chức Mỹ trước đó thừa nhận tình trạng thiếu chip khó có thể giải quyết trong ngắn hạn.

Các hãng sản xuất xe tải "lãnh đủ" vì thiếu chip bán dẫn

 
Ông Xu cho biết hạn chế thương mại của Mỹ đối với Huawei không chỉ làm suy yếu công ty mà còn làm hỏng mối quan hệ tin cậy trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu. Hiện tại, ngày càng nhiều quốc gia đẩy mạnh sản xuất chip trong nước thay vì dựa vào chuỗi cung ứng xuyên biên giới. Điều này đòi hỏi cần phải có ít nhất 1.000 tỉ USD đầu tư trả trước, kéo theo là giá chất bán dẫn sẽ bị đẩy lên từ 35% đến 65%, cuối cùng dẫn đến việc người dùng cuối phải mua thiết bị điện tử với giá cao hơn.
Cũng trong hội nghị hôm 12.4, ông Xu nói ông không ảo tưởng về việc chính quyền Tổng thống Joe Biden sẽ gỡ bỏ các biện pháp hạn chế đối với Huawei. Hãng viễn thông Trung Quốc đang lên kế hoạch chiến lược với giả định vẫn nằm trong danh sách đen của Mỹ.
Ông Xu cũng thừa nhận hiện tại không có nhà sản xuất chip nào trên thế giới có thể giúp Huawei đưa các thiết kế chip vào sản xuất vì các quy tắc kiểm soát xuất khẩu của Mỹ. Hàng tồn kho của Huawei cho phân khúc doanh nghiệp của công ty hiện đã đủ, nhưng sẽ “không duy trì trong một thời gian dài”. Tuy nhiên, Huawei sẽ tiếp tục đầu tư vào nghiên cứu và phát triển chip "miễn là chúng tôi có đủ khả năng chi trả". Công ty cũng tập trung vào kỹ thuật phần mềm trong 5 năm tới, với hy vọng thúc đẩy khả năng phục hồi và làm cho các sản phẩm trở nên cạnh tranh hơn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.