Theo CNBC, việc tung bộ vi mạch xử lý AI cho thiết bị di động thể hiện tham vọng của Huawei và nhiều hãng Trung Quốc khác trong việc ngừng phụ thuộc vào công nghệ Mỹ, đặc biệt là công nghệ chip.
Huawei cho ra mắt bộ vi mạch xử lý Kirin 980 tại triển lãm điện tử tiêu dùng IFA ở Berlin (Đức). Kirin 980 còn được gọi là bộ vi xử lý 7 nanomet, được Huawei sử dụng trong smartphone Mate 20 sẽ ra thị trường vào tháng 10. Nếu đúng như thế, Huawei có thể là doanh nghiệp đầu tiên trên thế giới cho ra mắt bộ chip 7 nanomet.
Các thế hệ bộ vi mạch xử lý trước đó có kích thước 10 nanomet. Kích thước 7 nanomet nhỏ hơn, giúp chip chiếm ít không gian hơn trong thiết bị. Dù kích thước giảm, sức mạnh của vi mạch tăng lên. Huawei tuyên bố chip mới có thể giúp thiết bị nhận ra 4.500 hình ảnh mỗi phút, gấp đôi khả năng của thế hệ chip trước đó là Kirin 970.
“Huawei tiếp tục thúc đẩy việc thiết kế chip điện thoại thông minh. Động thái tiến đến công nghệ xử lý 7 nanomet ấn tượng, và sự tập trung vào AI bắt đầu đem lại quả ngọt”, chuyên gia nghiên cứu Ben Wood tại CCS Insight cho hay.
|
Huawei không phải hãng điện tử lớn duy nhất thiết kế chip riêng. Samsung có bộ chip riêng tên Exynos, Apple thì có A11 Bionic. Trong khi bộ vi xử lý 7 nanomet của Huawei sẽ được tung ra vào tháng 10, Apple được cho là sẽ giới thiệu chip A12 trong thế hệ iPhone kế tiếp sẽ được công bố vào tháng 9. A12 cũng là chip 7 nanomet nên có tiềm năng nhận danh hiệu “đầu tiên trên thế giới”. Tất cả phụ thuộc vào thời điểm mà Mate 20 và iPhone thực sự được phân phối.
Samsung và Qualcomm cũng đang phát triển bộ vi xử lý 7 nanomet, song sẽ không cho ra mắt đến tận năm sau. Các nhà sản xuất smartphone lớn trên thế giới tập trung vào việc sản xuất silicon riêng vì nó giúp kiểm soát tốt hơn sản phẩm cuối cùng. Đây là một trong các yếu tố đứng sau thành công gần đây của Huawei trong việc vượt Apple, trở thành nhà cung ứng smartphone lớn thứ nhì thế giới xét theo thị phần.
Với Huawei, việc thúc đẩy sản xuất chip AI thể hiện mong muốn dừng phụ thuộc vào các hãng công nghệ Mỹ, đặc biệt là Qualcomm. Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đang cố gắng khắc phục điểm yếu trong một số ngành công nghệ chủ chốt, từ 5G cho đến chất bán dẫn. Họ càng tích cực hơn khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc lên cao.
Bình luận (0)