Trung Quốc và vùng lãnh thổ Đài Loan đang điên cuồng thúc đẩy đầu tư vào các xưởng gia công chip khắp châu Á. Nhật Bản và Singapore cũng tìm cách hưởng lợi từ nhu cầu chip mạnh mẽ. GlobalFoundries, xưởng gia công chất bán dẫn lớn thứ tư trên thế giới có trụ sở tại Mỹ, trong tuần đã công bố một nhà máy mới ở Singapore sau khi hãng này rút khỏi một nhà máy ở thành phố Thành Đô (Trung Quốc) hồi năm ngoái. GlobalFoundries sẽ đầu tư 4 tỉ USD vào một nhà máy mới ở đảo quốc sư tử để đáp ứng nhu cầu toàn cầu về chất bán dẫn. Theo South China Morning Post, dự án này có sự hỗ trợ của Ban Phát triển Kinh tế, một cơ quan chính phủ của Singapore.
Thông tin trên được công bố chỉ vài ngày sau khi Nikkei Asia đưa tin hãng bán dẫn Đài Loan Taiwan Semiconductor Manufacturing Co (TSMC) đang lên kế hoạch thành lập cơ sở đầu tiên tại Nhật Bản, trong bối cảnh Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga đưa chuỗi cung ứng nội địa đối với chất bán dẫn lên vị trí cao trong chương trình nghị sự của chính phủ.
Theo SEMI, hiệp hội công nghiệp đại diện cho 2.400 thành viên trong ngành bán dẫn, các nhà sản xuất chất bán dẫn sẽ bắt đầu xây dựng 19 công xưởng gia công khối lượng lớn mới vào cuối năm 2021 và động thổ 10 công xưởng khác vào năm 2022. Trung Quốc và Đài Loan sẽ là những cái tên dẫn đầu, khi mỗi bên chiếm 8 suất mới.
“Mở rộng công suất xưởng gia công sẽ giúp đáp ứng nhu cầu dự kiến mạnh mẽ đối với chất bán dẫn xuất phát từ các ứng dụng như xe tự hành, trí tuệ nhân tạo, điện toán hiệu suất cao và 5G, 6G”, Chủ tịch SEMI Ajit Manocha nói.
Dựa trên dữ liệu từ công ty tư vấn TrendForce, Đài Loan chiếm 63% doanh thu sản xuất chip toàn cầu năm 2020. Thị phần của Đài Loan dự kiến sẽ tăng lên 65% vào năm 2021. Hàn Quốc được kỳ vọng sẽ duy trì 18% thị phần sản xuất chip toàn cầu vào năm 2021. Trong khi đó, thị phần sản xuất chip toàn cầu của Trung Quốc dự kiến sẽ giảm từ 6% trong năm ngoái xuống 5% vào năm nay, nguyên nhân là đại lục không thể sản xuất chip “tiên tiến” do bị Washington chặn truy cập vào công nghệ của Mỹ.
Việc đầu tư ồ ạt vào sản xuất chip ở châu Á diễn ra trong bối cảnh nguồn cung toàn cầu đang thiếu hụt. TSMC đã xác nhận có kế hoạch chi 100 tỉ USD trong ba năm tới để đáp ứng nhu cầu mạnh hơn dự kiến. Các dự án mới cũng đã nhận được sự thúc đẩy của chính phủ. Ví dụ, Bắc Kinh đã khuyến khích dự án bán dẫn mới trong nước và đặt hy vọng vào các công ty lớn như Semiconductor Manufacturing International Corporation (SMIC) để giảm sự phụ thuộc vào chip nhập khẩu. SMIC hiện xây dựng hai nhà máy ở Bắc Kinh và Thâm Quyến với sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương.
Còn tại Mỹ, Tổng thống Joe Biden trong tháng này cho biết sẽ thành lập một lực lượng đặc nhiệm để giải quyết tình trạng thiếu chất bán dẫn và khắc phục các vấn đề khác. Thượng viện Mỹ đã thông qua Đạo luật Đổi mới và Cạnh tranh, dành 52 tỉ USD trong tổng số 250 tỉ USD để tài trợ cho các sáng kiến nghiên cứu, thiết kế và sản xuất chất bán dẫn của Mỹ khi nước này tăng cường cạnh tranh với Trung Quốc trong các ngành công nghệ cao. Liên minh châu Âu (EU) hồi tháng trước cho biết sẵn sàng cam kết xây dựng quỹ “đáng kể” để mở rộng sản xuất chất bán dẫn ở châu Âu.
Song, theo các nhà phân tích, một khi các công ty sản xuất chip trên toàn thế giới đẩy mạnh công suất để đáp ứng nhu cầu hiện tại, sự dư thừa sẽ bắt đầu có xu hướng xuất hiện. “Vẫn còn phải xem mức độ thiếu hụt chất bán dẫn hiện tại do sự gián đoạn ngắn hạn từ đại dịch là bao nhiêu, và mức độ thiếu hụt do nhu cầu ngày càng tăng đối với thiết bị điện tử là bao nhiêu”, một nghiên cứu gần đây của công ty tư vấn Semiconductor Intelligence viết.
Douglas B. Fuller, giáo sư tại Hồng Kông, cho biết có thể xảy ra tình trạng “dư thừa công suất” nếu tất cả các nhà máy được xây dựng và đi vào hoạt động theo kế hoạch.
Bình luận (0)