CNBC dẫn nguồn từ chính phủ liên bang tiết lộ vụ lừa đảo xoay quanh iPhone giả mạo được chuyển đến hai sinh viên Quan Jiang và Yangyang Zhou từ “đồng sự” ở Trung Quốc. Jiang và Zhou bị cáo buộc gửi iPhone giả đến Apple để sửa chữa theo chương trình bảo hành của doanh nghiệp. Apple, trong nhiều trường hợp, thay thế linh kiện iPhone chính hãng cho số hàng giả nói trên. Tổng cộng, họ đã gửi hàng ngàn yêu cầu bảo hành cho iPhone giả tính đến cuối năm 2017, theo đơn khiếu nại mà chính phủ liên bang Mỹ nộp vào tháng 3.2018 và tháng 3 năm nay.
tin liên quan
iPhone XR thống trị thị trường smartphone MỹJiang được cho là sinh viên tại Đại học bang Oregon khi lừa đảo Apple. Chỉ trong năm 2017, anh gửi hơn 2.000 yêu cầu bảo hành. Hồ sơ của Apple thì cho thấy có đến 3.000 yêu cầu bảo hành truy nguồn trở lại Jiang. Trong tất cả các trường hợp, Jiang cho biết iPhone không bật được, và đây là điểm mấu chốt của trò lừa đảo.
“Việc đem đến chiếc iPhone không bật nguồn được là quan trọng để thực hiện gian lận bảo hành iPhone, vì điện thoại sẽ không được kiểm tra hoặc sửa chữa ngay lập tức bởi các kỹ thuật viên Apple, đơn kiện của chính phủ viết. Thường thì Apple phải gửi iPhone thay thế theo chính sách bảo hành.
Dù Apple xác nhận được nhiều trong số iPhone giả mà Jiang gửi đến không phải hàng chính hãng, công ty vẫn nhận vào 1.493 chiếc điện thoại mà Jiang gửi hàng thật đến, rồi trả iPhone thay thế. Mỗi chiếc iPhone thay thế dạng này có chi phí 600 USD, và tổng thiệt hại lên đến 895.800 USD cho hãng "táo khuyết".
Jiang khai với giới chức rằng anh thường xuyên nhận được nhiều gói điện thoại với số lượng từ 20 đến 30 chiếc từ “đồng sự” ở Trung Quốc, cùng hướng dẫn gửi điện thoại đến iPhone để yêu cầu bảo hành. Sau khi nhận lại được iPhone từ Apple, Jiang chuyển chúng về Trung Quốc. Tại đây, điện thoại được bán ra thị trường. “Đồng sự” giấu tên sẽ trả một phần lợi nhuận cho mẹ của Jiang ở Trung Quốc. Bà này gửi lại tiền vào tài khoản ngân hàng mà Jiang có thể tiếp cận từ Mỹ.
Năm ngoái, giới chức liên bang lục soát nhà của Jiang ở Oregon và phát hiện hơn 300 iPhone giả, hồ sơ vận chuyển và đơn yêu cầu bảo hành. Ngoài ra, ở nhà Jiang cũng có nhiều hộp được gửi đến Zhou, sinh viên được xem là đồng phạm của Jiang. Zhou học ngành kỹ thuật tại Đại học Cộng đồng Linn Benton mùa xuân năm ngoái. Apple có hơn 200 đơn yêu cầu bảo hành nhận từ Zhou.
Hiện Zhou đối mặt khoản tiền phạt 10.000 USD và 5 năm tù với cáo buộc gửi thông tin sai lệch về tờ khai xuất khẩu. Trong khi đó, Jiang có thể đối mặt án phạt 2 triệu USD và 10 năm tù vì cáo buộc buôn lậu, 20 năm tù nữa vì cáo buộc lừa đảo thông tin - viễn thông. Cả Jiang lẫn Zhou đều cho hay họ không biết về những chiếc điện thoại được gửi đến cho mình là hàng nhái iPhone. Jiang nói thêm Apple chưa từng thông báo với anh rằng bất cứ điện thoại nào anh gửi đến là hàng giả.
Bình luận (0)