Những xu hướng sắp tới của camera trong thị trường smartphone

Thành Luân
Thành Luân
23/02/2020 15:20 GMT+7

Năm 2020 tiếp tục xu hướng cải tiến nhiếp ảnh di động trên smartphone bằng những cải tiết về thiết kế, tăng tốc tiến bộ về cảm biến độ phân giải cao, khả năng zoom quang học, nhiếp ảnh tính toán…

Theo đó, hầu hết cải tiến trong nhiếp ảnh smartphone được thực hiện thông qua sự kết hợp giữa phần cứng và phần mềm hàng đầu mà các smartphone tốt nhất của năm 2020 mang lại.

Thiết kế cụm camera

Kể từ năm 2017, thế giới công nghệ ngày càng chứng kiến sự phổ biến của smartphone đi kèm camera với 2 cảm biến. Sau đó, số lượng cảm biến ngày càng được bổ sung lên 3, 4 hoặc thậm chí là 5. Điều này chưa bao gồm cả những cảm biến đặc biệt như 3D Time of Flight hay độ sâu...

Thiết kế cụm camera hình vuông giúp đặt nhiều cảm biến hơn

Ảnh: Engadget

Việc số lượng cảm biến cho camera sau ngày càng nhiều hơn cũng là lúc các nhà sản xuất điện thoại bắt đầu quan tâm đến cách bố trí vị trí các ống kính sao cho đẹp nhất có thể. Rất nhiều ý tưởng trong thiết kế đã được đưa ra, từ dọc cho đến ngang hay từ tròn cho đến vuông/chữ nhật, đều đã có mặt trên nhiều sản phẩm khác nhau.
Trong số này, camera dạng hình chữ nhật và hình vuông đang thực sự trở nên phổ biến hơn nhờ khả năng đặt được nhiều cảm biến hơn mà vẫn đảm bảo không tốn diện tích để cải tiến các thành phần khác trên máy, chẳng hạn như thỏi pin khủng hơn.

Cuộc đua độ phân giải vẫn chưa đến hồi kết

Năm 2019, camera 48 MP đã trở thành một tiêu chuẩn trên smartphone, trong khi camera 64 MP cũng bắt đầu đến với nhiều smartphone khác nhau. Không dừng lại ở đó, những chiếc smartphone với camera 108 MP đầu tiên cũng đã bắt đầu xuất hiện trong năm 2020.

Cuộc đua số megapixel trên camera smartphone vẫn chưa dừng lại

Ảnh: Engadget

Tuy độ phân giải trên thực tế chỉ là một phần rất nhỏ trong ảnh chụp trên thiết bị di động, tuy nhiên những con số megapixel khổng lồ lại có ảnh hưởng tích cực đến chất lượng ảnh của smartphone. Mặc dù các pixel riêng lẻ có thể nhỏ, kích thước của các cảm biến máy ảnh này đang bắt đầu leo lên nhờ các kỹ thuật kết hợp điểm ảnh. Cảm biến lớn hơn thu được nhiều ánh sáng tổng thể, giúp ảnh chụp chi tiết hơn và hình ảnh thiếu sáng tốt hơn khi chụp ở chế độ có độ phân giải thấp hơn.
Để ví dụ, camera 48 MP đã chứng minh có thể chụp ảnh 12 MP có độ nhạy sáng cao khi kết hợp 4 pixel thành 1 pixel. Giờ đây, kỹ thuật kết hợp 9 pixel thành 1 pixel ra đời khiến con số 48 MP hoặc 64 MP trở nên “quá nhỏ bé”. Tạo ra cảm biến 108 MP sẽ cho phép tạo ra bức ảnh 12 MP với kỹ thuật kết hợp 9 pixel thành 1 pixel có độ nhạy sáng ấn tượng hơn nhiều.
Vì vậy, sẽ không bất ngờ nếu smartphone có camera độ phân giải khủng 108 xuất hiện ngày càng nhiều, thậm chí đến 200 MP - vốn là giới hạn khả năng hỗ trợ của Snapdragon 865.

Zoom siêu xa

Zoom quang học được biết đến là kỹ thuật giúp phóng to khung hình mà không làm mất chi tiết, giúp mọi người có thể chụp những cảnh xa dễ dàng. Trong khi những năm đầu, zoom quang chỉ có giới hạn khả năng 2x hoặc 3x thì giờ đây, bằng các kỹ thuật sắp xếp ống kính tiên tiến mà các công ty đã đưa khả năng zoom quang học lên tầm cao mới, với mức 5x hoặc thậm chí 10x.

Nhờ các kỹ thuật tiên tiến, Space Zoom trên Galaxy S20 Ultra cho phép zoom đến 100x

Ảnh: T.Luân

Không dừng lại ở đó, sự phát triển của máy ảnh chính có độ phân giải cao và cải tiến thuật toán zoom siêu phân giải nên smartphone cao cấp hiện nay cũng có khả năng xử lý zoom kỹ thuật số (bằng phần mềm) với chất lượng cao, ngay cả lên đến 100x.
Các zoom kỹ thuật số dựa trên cải tạo chi tiết qua mạng nơ-ron thần kinh đang cho phép zoom xa với chất lượng thậm chí gần tương đương với zoom quang. Đó thực sự là một ý tưởng tuyệt vời mà không cần phải trang bị hệ thống ống kính đặc biệt, giúp đảm bảo sự gọn gàng trong thiết kế smartphone.

Nhiếp ảnh thông minh hơn với AI

Máy ảnh AI, hoặc nhiếp ảnh tính toán, là một yếu tố chính của thị trường smartphone hiện đại. Gần như mọi thương hiệu smartphone đều hứa hẹn một số hình thức thông minh dựa trên AI để giúp hình ảnh chụp được đẹp hơn.

Single Take là một tính năng dựa trên AI để nâng cao trải nghiệm của người dùng

Ảnh: CNET

Trong khi nhiều thuật toán tăng màu dựa trên cảnh ban đầu chưa thực sự tốt thì các kỹ thuật nhiếp ảnh tính toán đã nhanh chóng phát triển thành các tính năng thiết yếu của máy ảnh. Điều này bắt nguồn từ phần cứng AI và ISP ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn nữa. Các thuật toán khử nhiễu dựa trên máy học ngày càng được sử dụng để làm sạch hình ảnh trong điều kiện ánh sáng yếu mà không làm mất quá nhiều chi tiết.
Rất nhiều kỹ thuật tận dụng nhiếp ảnh tính toán đã được triển khai trên smartphone, chẳng hạn như HDR đa khung, chế độ ban đêm, hiệu ứng phần mềm cho ảnh chân dung và mới đây là tính năng Single Take trên Galaxy S20 giúp ghi lại nhiều khoảnh khắc chỉ với một lần bấm máy. Single Take sau đó gợi ý bức ảnh và video cùng một loạt hiệu ứng xóa phông, crop, góc siêu rộng.
Rõ ràng, các tính năng nhiếp ảnh tính toán đã vượt trội chỉ một vài năm trước đây, và sẽ không bất ngờ nếu điều đó mở rộng hơn nữa trong tương lai.

Quay video ngày càng siêu nét hơn

Không chỉ nhiếp ảnh mà khả năng quay video siêu nét, siêu mượt 8K đang trở nên phổ biến hơn trong năm nay, mặc dù khả năng này đã xuất hiện trước đó một thời gian. Điều này nhờ chip Snapdragon 865 cung cấp năng lượng cho phần lớn smartphone hàng đầu năm 2020 mang đến bộ xử lý tín hiệu hình ảnh (ISP) mạnh mẽ hơn nhiều để hỗ trợ các trường hợp sử dụng băng thông cao này. Sự hỗ trợ này có thể giúp thúc đẩy việc tạo nội dung 8K.

Ngày càng nhiều smartphone có khả năng quay video 8K hơn

Ảnh: T.Luân

Hơn nữa, Snapdragon 865 hỗ trợ video siêu chậm 720p 960 fps (khung hình/giây) nhờ ISP chạy mát hơn nhiều so với các thiết bị trước đó, có nghĩa người dùng có thể quay video độ phân giải cao hoặc quay siêu chậm mà không bị giới hạn thời gian.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.