Quy định mới của Vietcombank đẩy trách nhiệm cho khách hàng?

03/05/2017 09:45 GMT+7

Vietcombank vừa đưa ra những quy định mới liên quan đến việc sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử. Tuy nhiên, có những điều khoản khá bất hợp lý và có thể khiến người dùng phải chịu phần thiệt khi gặp sự cố về bảo mật.

Theo đó, trong email gửi đến khách hàng, phía Ngân hàng Vietcombank đã ra thông báo từ ngày 10.5 tới sẽ điều chỉnh nội dung thỏa thuận sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử và chính thức áp dụng với các khách hàng cá nhân.
Các dịch vụ ngân hàng điện tử của Vietcombank áp dụng điều chỉnh bao gồm: dịch vụ ngân hàng trực tuyến VCB-iB@nking, dịch vụ ngân hàng qua điện thoại di động VCB-Mobile B@nking và Mobile Bankplus, dịch vụ ngân hàng qua tin nhắn di dộng VCB-SMS B@nking và dịch vụ ngân hàng qua điện thoại cố định VCB-Phone B@nking.
Nội dung email mà Vietcombank gửi đến khách hàng về việc sẽ thay đổi quy định sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử Ảnh chụp màn hình
Chi tiết nội dung thay đổi được Vietcombank công bố trên trang web www.vietcombank.com.vn. Tại đây, Vietcombank đã liệt kê ra 16 mục mà khách hàng cần lưu ý, trong đó mục 4 quy định cụ thể về “Nghĩa vụ bảo mật của khách hàng”, với hàng loạt yêu cầu phải tuân thủ.
Đáng chú ý, điều 4.7 nói rằng khách hàng không truy cập dịch vụ từ bất cứ thiết bị nào kết nối với hệ thống máy tính cục bộ (hay mạng LAN), nếu không đảm bảo rằng không ai khác có thể theo dõi hay sao chép việc truy cập của khách hàng.


Theo ý kiến cá nhân của tôi, ngân hàng nên tách điều 4.7 và 4.8 ra thành mục khuyến cáo cho khách hàng. Có thể đưa ra những hướng dẫn thiết thực để khách hàng nâng cao kiến thức về bảo mật. Ngân hàng có thể đề nghị khách hàng nên dùng phần mềm diệt virus trên máy ra sao cho an toàn

Ông Ngô Trần Vũ


Ngoài ra, điều 4.8 ghi rõ khách hàng phải chịu trách nhiệm đảm bảo rằng thiết bị đầu cuối và các thiết bị khác mà khách hàng sử dụng (trừ các thiết bị của Vietcombank cung cấp để khách hàng tự thực hiện) để kết nối với các dịch vụ là không có và được bảo vệ chắc chắn khỏi virus và các phần mềm máy tính gây hại.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Ngô Trần Vũ, Giám đốc điều hành Công ty bảo mật Nam Trường Sơn cho biết tại điều 4.7, ngân hàng đang đặt ra trường hợp tuyệt đối an toàn và khách hàng khó có thể thực hiện đúng. Đây là một trong các điều khoản cần xem xét lại. Các hệ thống mạng khách hàng đang tham gia như mạng công ty, Wi-Fi cà phê, và ngay cả Wi-Fi gia đình rất khó để nhận biết nó an toàn hay không.
Ông Trần Vũ phân tích, khi khách hàng xác nhận điều khoản này thì họ chắc chắn là bên bất lợi nếu thiệt hại xảy ra. Bởi lẽ, hiện nay ngay cả các hệ thống mạng của các cơ quan lớn vẫn chưa đạt được mức độ an toàn tuyệt đối. Và khi muốn thực hiện một giao dịch sẽ không biết phải xử lý ra sao vì nếu xảy ra sự cố ngân hàng có thể chối bỏ trách nhiệm có liên quan.
Đối với điều 4.8, ngân hàng yêu cầu khách hàng phải dùng một thiết bị an toàn để kết nối dịch vụ. Thiết bị phổ biến hiện nay là máy tính, máy tính bảng, điện thoại thông minh... Vậy ngân hàng cho rằng "bảo vệ chắc chắn khỏi virus" có phải là mức độ an toàn tuyệt đối hay không? Nếu vậy khách hàng rất khó thực hiện, nhất là trong bối cảnh mã độc đang ngày một phát tán mạnh và gây ra nhiều hiểm họa cho nhiều nước trên thế giới, chứ không chỉ riêng tại Việt Nam.
Khách hàng cần cẩn trọng khi tham gia giao dịch trực tuyến Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Anh Nguyễn Hồng Phúc, một chuyên gia bảo mật hoạt động độc lập nhận xét, các yêu cầu về bảo mật phía khách hàng như trong văn bản mà Vietcombank đưa ra khó khả thi cho người dùng cá nhân. Bởi lẽ, ngay cả với chuyên gia bảo mật nếu bị tin tặc thực hiện tấn công có chủ đích, cũng có thể trở thành nạn nhân nếu mất cảnh giác, đặc biệt là với tốc độ phát triển các loại mã độc đang ngày một nhiều như hiện nay.
"Về phần ngân hàng việc gia cố bảo mật là đương nhiên phải thực hiện, cũng như ngân hàng cần áp dụng nhiều lớp bảo mật, nhiều lớp xác thực đối với các giao dịch của khách hàng, để giảm thiểu khả năng hacker có thể sử dụng các thông tin đăng nhập của khách hàng mà thực hiện giao dịch. Ngoài ra, cần có quy trình xử lý khẩn cấp khi khách hàng thông báo có trường hợp hacker vượt qua được tất cả các lớp bảo mật để thực hiện giao dịch thành công. Nhiều ngân hàng hiện nay xử lý báo cáo tài khoản bị xâm nhập hay giao dịch bất thường của khách hàng rất nhiêu khê và chậm chạp, trong khi để càng lâu thì khả năng giải quyết hậu quả càng khó", anh Hồng Phúc nói.
Vietcombank ngưng hỗ trợ máy tính sử dụng Windows XP
Trong thông báo mới được đưa ra, Vietcombank cho biết đã ngừng cung cấp dịch vụ VCB-iB@nking đối với các máy tính đang cài đặt trình duyệt Internet Explorer (IE) phiên bản 10 trở về trước trên hệ điều hành Windows XP kể từ ngày 15.4.
Cụ thể, Vietcombank khuyến cáo khách hàng nên nâng cấp lên phiên bản mới nhất trình duyệt web Internet Explorer 11 hoặc chuyển sang sử dụng các trình duyệt khác như Microsoft Edge, Mozilla Firefox, Google Chrome… phiên bản mới nhất, đồng thời nên sử dụng các hệ điều hành mới hơn như Windows 7, 8 hoặc 10 để tránh bị gián đoạn trong quá trình sử dụng dịch vụ.
Bên cạnh đó, Vietcombank cũng khuyến cáo khách hàng nên thường xuyên thay đổi mật khẩu sử dụng dịch vụ, không nên chọn mật khẩu dễ đoán liên quan đến thông tin cá nhân và tuyệt đối không chia sẻ tài khoản cho các bên thứ ba.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.