Theo South China Morning Post, một con gián có thể tải gấp 900 lần trọng lượng cơ thể nó, co lại còn 1/4 chiều cao để vừa vặn trong các kẽ hở nhỏ... Lấy cảm hứng từ khả năng của gián, một nhóm các nhà nghiên cứu Mỹ và Trung Quốc tạo ra nguyên mẫu robot thu nhỏ, di chuyển nhanh và gần như không thể bị phá hủy. Robo này có tiềm năng thay thế những chú chó đánh hơi, phát hiện người mắc kẹt trong đống đổ nát sau một trận động đất lớn hay thảm họa khác.
Cụ thể, các nhà nghiên cứu từ Đại học California, Berkeley và Đại học Thanh Hoa công bố nghiên cứu của họ về "những robot mềm" trên tạp chí khoa học Science Robotics hồi tuần trước. Zhang Min, trợ lý giáo sư tại Đại học Thanh Hoa, một trong các tác giả của nghiên cứu, chia sẻ: "Dù gián là loài gây hại khó chịu, nó có một số khả năng thú vị, trong đó có việc di chuyển nhanh trong không gian nhỏ và khó lòng bị bẹp dí. Những khả năng này truyền cảm hứng để chúng tôi phát triển robot mềm, di chuyển nhanh và mạnh mẽ".
|
Nghiên cứu robot mềm được thực hiện dưới quan hệ hợp tác trong mảng khoa học môi trường và công nghệ năng lượng mới của hai trường đại học Mỹ, Trung Quốc. Các nhà nghiên cứu từ lâu đã lấy cảm hứng từ côn trùng, trong đó có cả gián, để tạo robot. Giới nghiên cứu từ Đại học California, Berkeley hồi năm 2017 từng phát triển robot có kích thước vừa lòng bàn tay, to gấp 20 lần một con bọ thông thường và dùng trong hoạt động cứu hộ.
Nguyên mẫu "robot gián" mới đạt nhiều đột phá về kích thước, tốc độ và sức mạnh. Robot mới nhất có kích thước bằng một con tem bưu chính, nặng chưa đến 1/10 gram, gồm một màng mỏng điện áp linh hoạt và "khung xương" polymer với hai chân. Dù nhỏ nhắn, nguyên mẫu robot có tốc độ nhanh nhất trong số các robot với kích cỡ côn trùng và trọng lượng tương tự. Lin Liwei, giáo sư kỹ thuật cơ khí tại Đại học California, Berkeley, mô tả robot là "siêu mạnh mẽ".
"Robot gián" có thể di chuyển nhanh như một con gián. Mỗi giây, nó đi được khoảng cách dài gấp 20 lần chiều dài cơ thể. Nó cũng có thể tiếp tục di chuyển sau khi bị một người trưởng thành nặng 60kg giẫm lên. 60kg là nặng gấp 1 triệu lần so với khối lượng robot.
|
Những tính năng này giúp "robot gián" trở thành nhân viên tìm kiếm, cứu nạn tiềm năng. Kích thước, sự nhanh nhẹn và khả năng phục hồi của nó là vô giá để giúp phát hiện người sống sót, mắc kẹt dưới đống đổ nát hậu thảm họa.
"Cải tiến quan trọng là vật liệu, cấu trúc mềm. Nếu robot quá mềm, nó không thể di chuyển nhanh. Nếu robot quá cứng, nó không thể chịu được trọng lượng của con người", giáo sư Lin chia sẻ. Nghiên cứu mô tả chi tiết cách kết hợp đúng giữa vật liệu và cấu trúc mềm để robot hoạt động hiệu quả.
Hiện robot được gắn với dây cáp mỏng giúp nó nhận năng lượng, song các nhà nghiên cứu cũng tìm cách tích hợp pin và mạch điều khiển để loại bỏ dây trong thiết kế, giúp mở rộng ứng dụng robot trong nhiều trường hợp khác. "Chúng tôi muốn robot có thể đem được cảm biến nhỏ, chẳng hạn như cảm biến khí để có nhiều khả năng hơn. Cảm biến khí giúp robot phát hiện được rò rỉ khí độc", một trong các tác giả của nghiên cứu cho biết.
Bình luận (0)