Startup Hồng Kông làm 'nhà tù thông minh' bằng AI, camera giám sát

Thu Thảo
Thu Thảo
05/08/2019 07:49 GMT+7

Wildfaces Technology là hãng khởi nghiệp đang tìm cách ngăn chặn nỗ lực tự tử và bạo lực trong tù với sự trợ giúp của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI).

Theo South China Morning Post, hiện chính quyền và doanh nghiệp tư nhân tại nhiều thành phố ở Trung Quốc đang sử dụng AI để xây dựng cơ sở hạ tầng thành phố thông minh. Với máy ảnh hỗ trợ AI, Wildfaces phát triển hệ thống phân tích video cho Cục Cải huấn của thành phố để họ phát hiện nhiều hành vi đáng ngờ giữa số lượng lớn tù nhân. Các hành vi này có thể là tự gây hại bản thân hoặc bạo lực lẫn nhau.
Ivy Li, nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành Wildfaces cho biết việc thiếu dữ liệu chung về các hành vi dạng này là yếu tố thúc đẩy công ty bỏ qua công nghệ học sâu, tập trung vào việc phân tích hành vi dựa trên quy tắc để phát hiện dấu hiệu hoặc hành vi tiêu cực.
Hệ thống của doanh nghiệp tự động so sánh, phân tích các mô hình hành vi đáng ngờ thông qua hình ảnh thu được từ camera giám sát. Hệ thống không cần sự tham gia của con người. Trong trường hợp nhận thấy hành vi bất thường, chẳng hạn như một tù nhân đập đầu vào tường hay đứng cạnh cửa sổ cùng dây thừng, hệ thống sẽ cảnh báo nhân viên người thật về nguy cơ để họ can thiệp.
Hơn 40 camera với hệ thống AI được lắp đặt tại nhà tù Pik Uk vào tháng 2. Đây là nhà tù kiểu an ninh tối thiểu ở quận Sai Kung tại Hồng Kông. Pik Uk là một phần của dự án "nhà tù thông minh". Thêm nhiều camera dự kiến sẽ sớm được triển khai đến các nhà tù khác.
Li thành lập Wildfaces hồi năm ngoái. Doanh nghiệp đầu tiên của bà là iOmniscient, hãng AI và nhận dạng khuôn mặt được thành lập ở Úc cách đây 18 năm. Bà Li quyết định thành lập hãng mới để tập trung vào các ứng dụng AI dựa trên hình ảnh cho thị trường Hồng Kông cùng Đại lục, tận dụng công nghệ từ iOmniscient.
Ngoài nỗ lực ngăn chặn hành vi xấu, Wildfaces cũng đang khám phá cách sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt trên sân tập thể dục và nhà xưởng để quản lý một nhóm tù nhân lớn từ xa. Ngoài hệ thống video giám sát do Wildfaces phát triển, Cục Cải huấn cũng thử nghiệm vòng cổ tay thông minh để theo dõi sức khỏe tù nhân, và cánh tay robot để phát hiện ma túy trong phân người.
Dự án nhà tù thông minh là một phần trong sáng kiến thành phố thông minh lớn hơn của nữ lãnh đạo Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga. Bà Lâm muốn các cơ quan thực thi pháp luật ứng dụng thêm công nghệ để hoạt động hiệu quả hơn.
Doanh nghiệp và tổ chức công ở Hồng Kông ngày càng áp dụng AI nhiều hơn khi chính phủ tiếp tục khuyến khích thành lập thành phố thông minh, đạt đẳng cấp thế giới về mặt di chuyển, sống, môi trường, dịch vụ công và nhiều khía cạnh khác. Năm 2018, các nhà tù ở Hồng Kông ghi nhận hai trường hợp tử vong trong số 48 vụ tự làm hại bản thân, 483 vụ việc liên quan đến bạo lực, bao gồm các vụ đánh nhau giữa tù nhân và hành hung giám thị nhà tù. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.