Startup tiết kiệm chi phí tới 90% nhờ điện toán đám mây

11/11/2020 15:07 GMT+7

Đối với các startup (công ty khởi nghiệp) mỗi đồng bỏ ra đều quý giá nên việc có thể tiết kiệm tối đa chi phí máy chủ sẽ tiết kiệm không chỉ về tiền bạc, thời gian mà còn về nhân sự.

Tại Việt Nam, giai đoạn năm 2017 tới 2020 được xem là thời điểm “chín muồi” cho khởi nghiệp và sự ra đời của các startup ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp, cùng với đó là nhiều hoạt động, cộng đồng khởi nghiệp được hình thành, triển khai…
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính tới tháng 7.2020 cả nước có khoảng 760.000 doanh nghiệp, trong đó 97% là các đơn vị quy mô vừa và nhỏ. Còn theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), giai đoạn 2016 - 2019 mỗi năm có trên 126.000 doanh nghiệp mới thành lập, tăng gấp 1,6 lần so với giai đoạn 2011 - 2015.
Việt Nam được đánh giá đứng thứ ba toàn khu vực Đông Nam Á về số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp, tuy nhiên lại nằm trong số 20 quốc gia có khả năng thực hiện kế hoạch kinh doanh thấp, chỉ 3% có thể xem là thành công.
Thực tế, việc thành lập startup không chỉ cần ý tưởng và đam mê. Theo AWS (Amazon Web Services - công ty cung cấp dịch vụ điện toán đám mây trực thuộc tập đoàn Amazon), đối với các đơn vị khởi nghiệp, mỗi USD bỏ ra đều đáng quý và mỗi doanh nghiệp bắt dầu hoạt động đều phải đối mặt với vấn đề về tài chính.
Trong đó, 3 khoản chi phí lớn nhất cho hoạt động gồm chi phí về con người, dịch vụ lưu trữ và marketing. Để có thể thành công, những đơn vị này cần có biện pháp quản lý tốt nguồn vốn của mình. Việc tối ưu hóa chi phí cho dịch vụ lưu trữ đám mây (hoặc phần mềm dạng dịch vụ - SaaS) vừa giúp tiết kiệm vốn đầu tư về cơ sở hạ tầng, máy chủ, vừa giảm tải nhu cầu nhân sự, từ đó giúp doanh nghiệp có thêm chi phí cho dịch vụ khác như marketing hoặc để hoạt động về lâu dài hơn.

Điện toán đám mây là giải pháp tiết kiệm cả chi phí, thời gian lẫn nhân sự cho startup

Ảnh: AFP

“Dịch vụ như điện toán đám mây sẽ tối ưu hóa được nhiều chi phí, đồng thời giúp doanh nghiệp triển khai nhanh và hiệu quả nhu cầu, có thể ‘toàn cầu hóa’ chỉ trong chốc lát để mở rộng quy mô với tốc độ cao”, ông Digbijoy Shukla, Trưởng phòng Phát triển kinh doanh Startup AWS khu vực ASEAN chia sẻ.
Ở thời đại 4.0, doanh nghiệp sẽ không cần bỏ tiền mua sắm trang thiết bị, xây dựng hệ thống máy chủ phục vụ hoạt động phát triển. Nhu cầu thí điểm các giải pháp mới cũng được giải quyết nhờ dịch vụ như điện toán đám mây. Ví dụ, việc sử dụng máy chủ thuê ngoài để chạy các chương trình thí điểm nếu cho kết quả thất bại sẽ giúp doanh nghiệp sớm kết thúc thử nghiệm, giảm thiểu chi phí. Ngược lại, thử nghiệm thành công sẽ rút ngắn được thời gian chuẩn bị, giúp họ triển khai thực tiễn nhanh chóng, mở rộng quy mô…
Bên cạnh đó, nếu doanh nghiệp phải xây dựng hệ thống công nghệ thông tin, quản lý bảo dưỡng, bảo trì sẽ tốn kém về tiền bạc và nhân sự. Thực tế, không phải startup nào cũng có thể tự tạo đội ngũ công nghệ thông tin nên phải tìm tới giải pháp thuê ngoài để có thể tập trung nhân lực phục vụ thế mạnh cốt lõi của họ, thay vì chia nhân sự cho các mảng khác nhau.

Ông Digbijoy Shukla, Trưởng phòng Phát triển kinh doanh Startup AWS khu vực ASEAN

Ảnh: NVCC

Những công cụ, giải pháp do nền tảng điện toán đám mây như AWS Cost Explorer, AWS Budgets, AWS Trusted Advisor hay AWS Well Architected Review cung cấp cũng giúp startup quản lý được chi phí, đặt ra ngưỡng đầu tư tối đa đối với mỗi lựa chọn và nhận cảnh báo từ hệ thống khi sắp chạm mốc này. “Báo cáo từ công cụ sẽ giúp người dùng biết họ đang đầu tư vào hạng mục nào và điều đó có đáng với số tiền bỏ ra hay không”, ông Shukla nói.
Để tiết kiệm chi phí điện toán đám mây, vị lãnh đạo AWS khuyến nghị startup sử dụng công cụ để tối ưu hóa, dùng tài nguyên phù hợp với nhu cầu, thuê dịch vụ phù hợp với mong muốn. “AWS sẽ làm việc cùng với startup để đánh giá, tư vấn về vấn đề này”, ông nói.
Theo ông, việc nắm bắt, kiểm soát được nhu cầu dịch vụ điện toán đám mây có thể giúp công ty khởi nghiệp tiết kiệm từ 72% tới 90% chi phí. “Tại AWS, chúng tôi cung cấp các công cụ quản lý tài chính đám mây và các gói dịch vụ khác nhau. Việc sử dụng kết hợp linh hoạt sẽ tiết kiệm nhiều chi phí”.
Ông lấy ví dụ đối với dịch vụ máy chủ giao ngay (Spot Instance) Amazon EC2 phù hợp với công việc ngắn hạn như kiểm thử, trong khi gói cam kết với thời gian sử dụng lâu dài sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí từ khoản giảm giá…
Qua quá trình hoạt động từ khi thành lập năm 2006 tới nay, AWS nhận thấy startup nói chung và đơn vị khởi nghiệp ở lĩnh vực công nghệ thông tin nói riêng sử dụng dịch vụ điện toán đám mây ngay từ những ngày đầu thành lập và để không lãng phí tiền, họ chọn cách dùng bao nhiêu trả bấy nhiêu. Khi cần máy chủ, họ chỉ cần mất vài phút để triển khai mà không tốn thời gian nhiều tuần, thậm chí hằng tháng để đấu thầu, lắp đặt, đồng thời nhanh chóng thay đổi phương án khi thấy không phù hợp mà không xảy ra tốn kém nào. AWS cũng thiết kế chương trình AWS Activate nhằm cung cấp các công cụ miễn phí cũng như hỗ trợ tài nguyên và kỹ thuật cho các startup để có thể nhanh chóng sử dụng các dịch vụ của AWS cho tăng trưởng và phát triển kinh doanh của mình. Tại Việt Nam, nhiều startup cũng đã được hưởng lợi từ chương trình này như JobsGO, nền tảng chuyên về tuyển dụng, việc làm đang có những bước tăng trưởng ấn tượng.
“Việt Nam đang ở giai đoạn thiên thời - địa lợi - nhân hòa cho phát triển startup và công ty khởi nghiệp của Việt Nam không hề yếu hơn so với các quốc gia khác, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ thông tin còn có nhiều doanh nghiệp rất mạnh mẽ”, ông Shukla đánh giá.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.