Xu hướng ‘bẻ khóa sinh học’ cấy microchip vào cơ thể

Thu Thảo
Thu Thảo
22/10/2018 09:34 GMT+7

Bloomberg vừa có bài viết về xu hướng bẻ khóa sinh học, gắn chip siêu nhỏ đảm nhiệm nhiều tác vụ vào cơ thể người. Thị trường này dự kiến có thể tăng gấp 10 lần, lên 2,3 tỉ USD vào năm 2025.

Ông Patrick Kramer đưa một cây kim vào tay khách hàng và tiêm microchip, có kích thước của một hạt gạo, vào dưới da. “Bây giờ bạn đã là nửa người, nửa máy", Kramer nói sau khi dán vết thương nhỏ giữa ngón tay cái và tay trỏ của ông Guilherme Geronimo. Người đàn ông Brazil 34 tuổi Geronimo có kế hoạch dùng con chip, tương tự như thứ được cấy vào hàng triệu con mèo, con chó và gia súc, để mở khóa cửa, lưu trữ danh thiếp kỹ thuật số.
Ông Kramer là CEO Digiwell, startup ở Hamburg (Đức) chuyên lĩnh vực bẻ khóa sinh học hay đưa công nghệ kỹ thuật số vào cơ thể người. Ông cho hay mình đã cấy khoảng 2.000 chip như thế trong 18 tháng qua và ông có ba chip gắn sẵn trên tay: chip để mở cửa văn phòng, để lưu trữ dữ liệu y tế và để chia sẻ thông tin liên lạc của mình.
Digiwell là một trong số ít các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tương tự. Những người ủng hộ bẻ khóa sinh học ước tính có khoảng 100.000 người “nửa người, nửa máy” trên toàn thế giới.
Hãng nghiên cứu Gartner xác định rằng công nghệ bẻ khóa sinh học là một trong năm xu hướng công nghệ, bên cạnh những cái tên nổi trội khác như trí tuệ nhân tạo (AI) và blockchain, có khả năng biến đổi mạnh mẽ các doanh nghiệp.
Thị trường tăng cường cho con người, bao gồm việc cấy ghép, lắp chân - tay mô phỏng sinh học và kết nối não - máy, sẽ tăng gấp 10 lần, lên 2,3 tỉ USD, vào năm 2025. Nhiều ngành công nghiệp như y tế, quốc phòng, thể thao và sản xuất sẽ áp dụng công nghệ này, hãng nghiên cứu OG Analysis dự báo.
Ông Kramer thể hiện cách mở cửa bằng chip gắn trong tay Ảnh: AFP
“Chúng ta chỉ mới bắt đầu xu hướng”, giáo sư Oliver Bendel thuộc Đại học khoa học ứng dụng và nghệ thuật Tây Bắc Thụy Sĩ cho hay.
Một vũ công Tây Ban Nha tên Moon Ribas có gắn chip trên cánh tay với cảm biến địa chấn, được kích hoạt khi có chấn động, rung lắc ở bất kỳ nơi nào trên thế giới. Cô sử dụng nó trong một tác phẩm nghệ thuật có tên “Waiting for Earthquakes”. Nghệ sĩ mù màu Neil Harbisson đến từ Bắc Ireland có cảm biến ăng-ten trên đầu, giúp ông “nghe được” màu sắc.
Rich Lee đến từ Utah (Mỹ) thì chi 15.000 USD để phát triển đồ chơi tình dục “nửa người, nửa máy” có tên Lovetron 9000. Lovetron 9000 là thiết bị rung được cấy vào khung xương chậu người. Ông Lee đến nay chưa bán hay dùng Lovetron, song ông cũng có thiết bị cấy ghép nam châm trong đầu ngón tay để nhặt các vật kim loại, hai microchip trên bày tay để gửi tin nhắn đến điện thoại và một cảm biến trên cẳng tay để đo nhiệt độ.
“Chúng tôi là những người đi đầu, nhưng khi công nghệ trở nên chủ đạo hơn, sẽ có nhiều ứng dụng tiềm năng cho tất cả mọi người”, ông Lee nói.
Thực tế, bẻ khóa sinh học là xu hướng kéo theo nhiều vấn đề đạo đức, đặc biệt là về bảo vệ dữ liệu và an ninh mạng vì hầu hết đồ công nghệ đều đứng trước nguy cơ bị thao túng hoặc tấn công mạng. Đồ công nghệ cấy ghép vào cơ thể có thể trở thành vũ khí mạng, có thể gửi nhiều liên kết độc hại đến người khác.
“Bạn có thể tắt điện thoại thông minh bị nhiễm yếu tố độc hại, song bạn không thể tắt thứ được cấy ghép”, nhà hoạt động Friedemann Ebelt thuộc Digitalcourage, nhóm bảo mật dữ liệu và quyền lợi internet Đức, cho hay.
"Tiêm" microchip vào bàn tay Ảnh: Youtube
Tuy nhiên mối lo ngại trên vẫn không ngăn được việc nhiều doanh nghiệp ủng hộ bẻ khóa sinh học. Nhà sáng lập Tesla Elon Musk, người từng cho hay con người phải tiến lên mức “nửa người, nửa máy” để phát triển, đã huy động được ít nhất 27 triệu USD cho hãng Neuralink. Đây là startup phát triển giao dịch não - máy tính, đang lên kế hoạch đưa ra tuyên bố “tuyệt hơn điều tất cả mọi người có thể nghĩ ra”, ông Musk cho biết hôm 7.9, trong chương trình podcast gây ồn ào vì ông hút cần sa.
Năm ngoái, Three Square Market, doanh nghiệp ở Wisconsin, có hỏi 200 nhân viên liệu họ có muốn được gắn chip vào cơ thể hay không. Hơn 90 người trả lời có và hiện họ đã dùng chip để vào tòa nhà, mở khóa máy tính, mua đồ ăn vặt từ máy bán hàng tự động của doanh nghiệp.
Microchip cấy vào cơ thể của hãng Digiwell có giá từ 40-250 USD và ông Kramer tính phí thêm 30 USD để đưa chúng vào cơ thể. Ông có thể phục vụ tại văn phòng ở Hamburg hoặc đến tận nơi khách hàng muốn. Khách hàng của ông gồm: Các luật sư muốn truy cập vào tập tin mật mà không cần nhớ mật khẩu, một cậu thiếu niên không có tay phải dùng chip gắn vào chân để mở cửa, một người già mắc bệnh Parkinson dùng chip để mở cửa nhà.
Ông Kramer cũng là nhà đồng sáng lập VivoKey Technologies, công ty đang phát triển cấy ghép tiên tiến hơn được dự kiến ra mắt vào năm sau. Thiết bị có thể tạo mật khẩu cho giao dịch trực tuyến và người mua có thể tải xuống phần mềm để nâng cấp thêm nhiều chức năng. “Nhân loại không thể chờ hàng triệu năm để tiến hóa bộ não và cơ thể. Đó là lý do chúng ta tự làm điều này”, ông Kramer chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.