Thay đổi tư duy tiêu dùng
Hầu hết máy vi tính ở Việt Nam đều cài hệ điều hành Windows và bộ Office của Microsoft mà không có bản quyền. Gia nhập WTO, chúng ta cần phải mau chóng nhận thức đầy đủ để quyết định việc sử dụng phần mềm đúng với nhu cầu sử dụng.
Chúng ta nên phân tích rõ mình cần gì trong máy vi tính để quyết định mua Windows, MS Office hay sử dụng miễn phí Linux và Open Office. Các công ty, cá nhân và nhất là cơ quan nhà nước thường dùng máy tính cho việc lưu trữ dữ liệu và xử lý văn bản. Thêm nữa là việc truy cập internet và giải trí. Nếu chỉ như vậy thì không nhất thiết chúng ta phải trả một khoản tiền quá lớn cho phần mềm có bản quyền, trong khí đó hệ điều hành, các sản phẩm của cộng đồng mã nguồn mở có thể đáp ứng được tất cả những nhu cầu trên.
Cần nói thêm rằng việc sử dụng Linux, Open Office trong các cơ quan nhà nước và trong hệ thống giáo dục gần như là quyết định duy nhất của chúng ta. Điều này không chỉ tiết kiệm được tiền mà quan trọng hơn nó tạo cho chúng ta một tư duy tiêu dùng không phụ thuộc vào Microsoft. Hơn thế nữa, môi trường mã nguồn mở trong nhà trường, trường đại học giúp học sinh, sinh viên học tập, làm việc để có thể tạo ra những sảm phẩm thật sự của Việt Nam trong tương lai.
Vấn đề outsourcing và đội ngũ làm phần mềm nội địa
Trong những buổi đầu làm quen với máy vi tính, nhiều lập trình viên, nhiều công ty trong nước đã có những sản phầm thiết thực cho việc sử dụng máy vi tính. Những nhóm sản phẩm có thể kể đến như: hỗ trợ gõ tiếng Việt (Vietkey, UniKey…); giáo dục, học hành (từ điển Lạc Việt, English Study…); diệt vi-rút (Bkav, D2) và nhiều sản phẩm cho doanh nghiệp... Nhưng thời gian gần đây, những sản phẩm như thế hầu như không được sản sinh ra nữa, một số sản phẩm đoạt các giải thưởng được đề cao nhưng chỉ dừng ở mức giải thưởng mà thôi.
Mặc dù Chính phủ có những chính sách khuyến khích các doanh nghiệp làm phần mềm, nhưng dường như việc làm phần mềm nội địa hoặc xuất khẩu vẫn không tiến triển. Đó là do chi phí làm phần mềm cao nhưng bán giá rẻ. Hơn nữa, doanh nghiệp không thể tự bảo vệ được bản quyền phần mềm. Trong khi đó có thể khẳng định Việt Nam hoàn toàn có thể làm được những sản phẩm tốt so với các nước trên thế giới.
Từ lâu nhiều người đánh đồng phần mềm xuất khẩu với phần mềm "thuê làm từ bên ngoài" (outsourcing). Outsourcing là việc các công ty nước ngoài thuê nhân công giá rẻ ở nước khác để làm một số công đoạn trong khâu làm phần mềm. Ví dụ việc phân tích về sản phẩm được làm ở Mỹ, sau đó việc lập trình (coding), kiểm tra (testing) được làm ở Việt Nam. Outsourcing thường mang lại lợi nhuận cao hơn nhiều so với làm phần mềm phục vụ nội địa.
"Phần mềm xuất khẩu" phải là phần mềm được chúng ta nghiên cứu và phát triển toàn bộ, sau đó bán cho nước ngoài. Như vậy một phần mềm đem xuất khẩu phải là phần mềm có những tiện ích tương đối thông dụng và dễ dàng thích ứng với văn hóa, quy trình làm việc ở nhiều nước trên thế giới. Có thể thấy Việt Nam chúng ta hầu như chẳng có phần mềm nào xuất khẩu cả, thay vào đó chúng ta chỉ làm outsourcing. Có một công ty từng tuyên bố "outsourcing là mục tiêu của chúng tôi" (outsourcing is our passion).
Ấn Độ từng nổi lên là một đất nước làm outsourcing phần mềm lớn nhất trên thế giới, nhưng nay họ đã điều chỉnh chiến lược phát triển, chuyển sang làm phần mềm xuất khẩu. Outsourcing thực chất là bán chất xám, hiện tượng này nên chỉ là một giai đoạn phát triển chứ không nên là mục tiêu của chúng ta. Ngoài ra, Trung Quốc là một đất nước có nguồn lao động dồi dào, họ cũng đang thèm khác outsourcing phần mềm, chúng ta sẽ rất khó khăn để giành giật khách hàng với họ.
Phát huy nội lực trong công nghệ phần mềm
Việc vi phạm bản quyền, việc chảy máu chất xám là điều không thể tránh khỏi đối với nhiều quốc gia trong gia đoạn đầu của công nghiệp phần mềm. Đã đến lúc chúng ta cần nhìn lại mình để có định hướng đúng cho tương lai.
Nhu cầu phần mềm cho công cuộc phát triển nước ta là rất cao. Có rất nhiều phần mềm kế toán, quản lý nhân sự… được bán trên thị trường. Nhưng nhiều người vẫn than phiền rằng họ vẫn không thể tìm được một sản phẩm phù hợp với công ty của họ. Như đã nói trên, chi phí cao cộng với việc vi phạm bản quyền làm cho các doanh nghiệp phần mềm không đủ nguồn lực đầu tư thật sự cho một sản phẩm. Vì vậy, Nhà nước và các công ty cần vạch ra những kế hoạch cụ thể để thúc đẩy việc tạo ra những phần mềm trước hết phục vụ cho nội địa. Đừng để cái gì chúng ta cũng mua, cũng phụ thuộc vào những công ty phần mềm tên tuổi nước ngoài.
Mặc dù outsourcing là chảy máu chất xám, nhưng nó sẽ mang về cho chúng ta những kinh nghiệm quý báu. Đến một lúc nào đó, những con người trong môi trường outsourcing sẽ trở lại để làm những phần mềm cho VN, của VN. Để được như vậy, cần lắm một chiến lược đường dài của Nhà nước ta. Khi đó, chúng ta hoàn toàn có thể nghĩ đến việc xuất khẩu phần mềm trong một tương lai gần.
Nhìn lại nền kinh tế, chúng ta đã phụ thuộc quá nhiều vào nền công nghiệp xe máy, xe hơi, dầu hỏa và nhiều lĩnh vực khác. Đừng để một ngày nào đó chúng ta mua phần mềm của nước ngoài mà mấy năm trước nó được thuê làm ở VN. Cụm từ "đi tắt đón đầu" ám chỉ một nền kinh tế tri thức rất đáng để thôi thúc chúng ta tiến về phía trước. Thế nhưng, chúng ta thật sự đi tắt đón đầu được chưa? Hay là vẫn đang chạy theo một nền công nghiệp phần mềm trong nền kinh tế tri thức? Câu trả lời vẫn còn đang ở phía trước.
V.C
Bình luận (0)