Đó là ý kiến được các nhà quản lý, chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước chỉ ra tại tọa đàm khoa học quốc tế "Chính sách công nghiệp: Thực trạng và định hướng đổi mới", do Ban Kinh tế T.Ư tổ chức hôm qua (25.8) tại Hà Nội.
Bét bảng về chất lượng chính sách
GS Kenicho Ohno, người có 21 năm nghiên cứu chiến lược công nghiệp VN và tư vấn chính sách cho hơn 20 quốc gia, nhận xét rằng chất lượng các văn bản trong lĩnh vực này của VN đứng cuối bảng trong các quốc gia mà ông làm việc; thua xa những nước lân cận trong khu vực, thậm chí là các nước chưa có nền công nghiệp phát triển của châu Phi. "Để tóm tắt những nét chính trong chính sách công nghiệp của các bạn quả là vất vả vì tầng lớp lộn xộn, không biết ý nào chính, cái nào phụ. Thông tin cốt lõi chưa rõ, trong khi quá nhiều về bối cảnh, mà cái này lại không có giá trị mấy", vị GS đến từ Trường Nghiên cứu chính sách Nhật Bản bày tỏ.
|
|
Về cấu trúc văn bản, ông Ohno cho rằng VN là nước duy nhất vẫn tuân thủ theo kết cấu chương hồi, mà ví dụ rất rõ là trong chính sách công nghiệp ô tô. “Còn mục tiêu lại quá tham vọng, như đề án phát triển công nghiệp trọng điểm ưu tiên từ 13 - 15 ngành, trong khi đáng ra chỉ 1 - 3 ngành mà thôi. Một khi quá nhiều ngành ưu tiên thì chẳng khác nào không có ưu tiên gì”, GS người Nhật Bản nói thêm.
TS Vũ Thành Tự Anh, Trường ĐH Fulbright, chỉ ra rằng bối cảnh kinh tế VN đã khác xa 2 thập niên trước, song phương pháp xây dựng chính sách vẫn dùng "hệ điều hành" cũ với thông tin đầu vào, cách thực hiện như xưa. "Ví dụ, khi xây dựng một quy định nào đó thì bên được tham vấn thường là các doanh nghiệp nhà nước - khu vực chỉ chiếm chưa tới 30% GDP và 20% giá trị sản xuất công nghiệp. Còn các công ty tư nhân - đối tượng quan trọng nhất lại nằm ngoài vòng trung tâm tham vấn", ông Tự Anh dẫn chứng. Và hệ quả là những văn bản ra đời không những thiếu hàm lượng thông tin cần thiết mà còn bị các ông lớn quốc doanh chi phối.
Là người trực tiếp chấp bút cho chiến lược công nghiệp 2014, TS Dương Đình Giám, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược và chính sách công nghiệp (Bộ Công thương), cho biết khi xây dựng tầm nhìn, mục tiêu được cơ quan soạn thảo cô đọng rất ngắn, nhưng khi cơ quan điều hành phê duyệt thì lại khác. "Như việc lên danh sách ngành công nghiệp ưu tiên, bản thân tôi là người đi lựa chọn cũng thấy không hài lòng vì quá nhiều, hầu như các ngành đều muốn có tên. Chúng tôi đã trấn an rằng đừng nghĩ không có tên thì không phát triển, nhưng cuối cùng không thuyết phục được", ông Giám nói.
Tập trung cho 3 - 4 mũi nhọn
Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng của Bộ Công thương, ông Trương Thanh Hoài, thừa nhận các đề án, chiến lược trước đây không thực hiện được vì duy ý chí. Dẫn chứng điển hình nhất là chiến lược cơ khí trọng điểm năm 2003 coi thép chế tạo, tuabin là ngành mũi nhọn. "Sau hơn một thập niên, VN vẫn chưa sản xuất được 1 kg thép chế tạo, tuabin thì hầu như không tưởng, còn công nghiệp hỗ trợ gần như không có gì", ông Hoài nói.
|
Tương tự, với công nghiệp ô tô, đại diện ngành công thương cho rằng "không hẳn thất bại" mà chỉ là mục tiêu ban đầu quá cao, không phù hợp với dung lượng thị trường nên các doanh nghiệp không thể chú tâm vào nội địa hóa.
Ông Hoài cũng cho rằng ngoại trừ trường hợp của Vinashin, thì hầu như nhà nước chưa có ưu đãi nguồn lực cho công nghiệp chế tạo. Do đó, ông kiến nghị nhà nước cần có thêm các quỹ phát triển công nghiệp hoặc bù lãi suất tín dụng, cởi thủ tục vay vốn thông thoáng hơn với khối này.
Phát biểu tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế T.Ư Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh phải loại bỏ tư tưởng "ngành tôi rất cần hỗ trợ để thành mũi nhọn", bởi ngân sách trong vài năm tới không còn dư địa cho việc này. "Nghị quyết của Đảng đã chỉ rõ kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nên cách làm không thể bỏ qua việc tham vấn khu vực tư nhân. Nguồn lực phát triển tới đây có lẽ cũng chỉ trông chờ tư nhân mà thôi", ông Bình nói.
Đồng tình với những ý kiến cho rằng chiến lược công nghiệp vừa qua thất bại do chính sách thiếu thực tế, chất lượng thấp và tổ chức thực hiện kém, Trưởng ban Kinh tế T.Ư khẳng định chiến lược sửa đổi phải theo hướng đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện và phù hợp với hoàn cảnh. Ông cũng cho biết dù chiến lược phát triển công nghiệp mới được phê duyệt chỉ 2 năm, rồi sau đó là quy hoạch định hướng đến 2025, tầm nhìn 2035 được ban hành, nhưng Đảng đã nhận thấy nhiều hạn chế, không phù hợp trong bối cảnh hội nhập sâu rộng. Do vậy, Ban Kinh tế T.Ư được Bộ Chính trị giao chủ trì sửa đổi, hoàn thiện đề án để trình Bộ Chính trị vào tháng 11.2016.
“Trong 5 năm tới, nguồn lực chỉ có thể tập trung cho 3 - 4 ngành mũi nhọn thôi, song lĩnh vực nào không có tên thì không đồng nghĩa với việc không cần phát triển. Nhưng mũi nhọn thì chỉ một mũi nhọn thôi, như quả tên lửa mới đi nhanh được chứ nhiều mũi nhọn thì khác nào quái thai”, ông Bình bày tỏ.
Góp ý cho định hướng sửa đổi, TS Vũ Thành Tự Anh lưu ý nếu nhìn vào giỏ hàng hóa xuất khẩu thì công nghiệp chế tạo vẫn chiếm 20%, song cần phân biệt rõ công nghệ cao và hàm lượng giá trị cao. "Như Samsung góp tỷ trọng lớn trong hàng xuất khẩu công nghệ cao, nhưng họ lại nhập khẩu tới 90% là linh kiện bên ngoài, chưa kể trừ đi ưu đãi đất đai thì có khi trong 1 đồng xuất khẩu của họ ta chỉ thu được vài chục xu. Vậy thì cứ đẩy mạnh công nghiệp công nghệ cao kiểu này liệu có tạo ra giá trị gia tăng cao", ông Tự Anh băn khoăn và tự tìm câu giải đáp: "Việc chọn ngành nào chưa quan trọng bằng sản xuất thế nào. Bởi sản xuất công nghiệp chỉ mang về hàm lượng giá trị gia tăng 17%, trong khi nông nghiệp lên tới 63%. Chưa kể, công nghiệp đang để lại hệ lụy vô cùng lớn về môi trường", ông cảnh báo.
|
Bình luận (0)