Công nhân buồn bã đón tết

26/01/2013 03:15 GMT+7

Ngoài đường, không khí tết đã chộn rộn nhưng trong hàng ngàn dãy phòng trọ trên địa bàn TP.HCM, rất nhiều công nhân đang lo: tiền phòng tăng, tiền thưởng không có, còn lương thì cứ đợi.

Công nhân buồn bã đón tết

Tại chợ KCX Linh Trung 1, chị Nhanh đắn đo chọn quần áo tết gửi về cho con - Ảnh: Thanh Thùy

Không lương thưởng

 

Lương ít mà tháng nào cũng gửi tiền cho em gái đi học nên cuối năm đâu có để dành được tiền đâu mà về 

Chị N.T.M (25 tuổi, quê Hà Tĩnh)

Buổi chiều ở khu nhà trọ của bà Lan (Q.12) không yên tĩnh vì lời bàn tán chuyện tết. Anh Võ Hồng Dương (24 tuổi, quê Long An, đang làm công nhân may ở Q.12) than thở: “Tết nhất tới nơi, chờ dài cổ tiền lương mà chưa có, không dám kêu ca chứ đừng nói tiền thưởng”. Từ lúc vô làm tới giờ ít khi nào anh được nhận lương trọn vẹn. Đến ngày nhận lương, công ty cho ứng vài trăm ngàn đồng, rồi trừ dần.

Dương than thở: “Tháng rưỡi nay không có đồng lương nào luôn. Tụi tui đi làm có khi không có đồng bạc lận lưng”. Anh Dương cho biết công nhân chỉ biết ráng chịu vì mất việc thì còn thê thảm hơn. Anh T.Đ.S (27 tuổi, đang làm việc ở Q.Tân Bình) nhăn nhó “khoe” với chúng tôi tết này được thưởng một tờ lịch. “Giám đốc công ty hứa qua tết nếu cân đối tiền bạc được thì sẽ thưởng bù”, anh nói. Nhiều công nhân tâm sự, tiền lương không đủ lo đau ốm nên phải đi cầm điện thoại, giấy tờ tùy thân để có tiền chi tiêu.

Đi nhiều ngày xuống các khu trọ trên địa bàn Q.7, Q.12, Q.Thủ Đức..., PV Thanh Niên ghi nhận nhiều phòng trọ cho người lao động thuê đã tăng giá từ tháng 1.2013. Giá phòng mới tăng từ 100.000 - 200.000 đồng/phòng/tháng. Chị Linh (trọ P.Tân Thới Nhất, Q.12) than thở: “Chị đang lo các khoản tiền vậy mà từ tháng 1 lại phải gánh thêm 200.000 đồng vì phòng tăng giá.

Năm rồi, phòng chị giá 1,3 triệu/tháng, giờ lên 1,5 triệu”. Vợ chồng anh Huy (trọ KP.3, P.Linh Xuân, Q.Thủ Đức) cũng ngao ngán do phòng trọ tăng 150.000 đồng/tháng. “Hai vợ chồng đi làm còn nuôi con 4 tuổi ở quê. Chúng tôi cố gắng tiết kiệm lắm nên mới thuê cái phòng nhỏ để ở. Nhưng từ tháng 1.2013 này thì giá phòng lên 950.000 đồng/tháng, chưa kể tiền điện tiền nước. Biết than thở với ai bây giờ”, anh Huy buồn bã.

Căn phòng trọ ở Q.Tân Bình của chị N.T.M (25 tuổi, quê Hà Tĩnh) rộng 9 m2. Phòng nhỏ nhưng thoáng vì không có nhiều đồ đạc. Xắn tay áo dọn dẹp lại góc bếp và quần áo treo trên dây kẽm, M. nói nhỏ: “Ba tháng trước mới mất điện thoại đó, cái điện thoại có vài trăm ngàn mà ăn trộm nó cũng không tha”. Công ty của M. tết này không có thưởng. Lương tháng của chị cũng chỉ 3,6 triệu đồng với điều kiện ngày làm 9 tiếng. Nghe tôi hỏi tết về quê chứ, M. cười: “Còn khuya! Lương ít mà tháng nào cũng gửi tiền cho em gái đi học nên cuối năm đâu có để dành được tiền đâu mà về”.

Ghé dãy phòng trọ ở đường số 4 (KP.3, P.Linh Trung, Q.Thủ Đức), tôi hỏi thăm có anh chị nào tết này không về, người đàn ông tên Trung vừa chỉ tay qua các phòng vừa nói: “Người không về đầy! Đây nè, những phòng này ở lại ăn tết Sài Gòn đấy”. Một thanh niên chạy ra khỏi phòng  kêu: “Em không về tết nè”. Vừa dứt lời, chị Lan (quê Hà Tĩnh) liền hô: “Làm như có mình mi không về, anh chị cũng có về mô!”. Gia đình anh Doãn Văn Yên (39 tuổi, quê Tuyên Quang) đã nhiều năm rồi không về quê ăn tết. Anh Yên nói giá xe về tết lên cao hơn thường ngày, quà cáp cũng vậy nên đành ở lại Sài Gòn đón tết.

Mất việc cuối năm

Bà Tống Thị Minh, Vụ trưởng Vụ Lao động tiền lương (Bộ LĐ-TB-XH), cho biết theo tổng hợp của 27 tỉnh, thành phố trên cả nước, hiện có 103 doanh nghiệp đang nợ lương của người lao động. Đến cuối tháng 12.2012, tổng số người lao động bị nợ lương là 10.191 người với tổng số tiền bị nợ hơn 70 tỉ đồng.

Không chỉ bị nợ lương, hàng nghìn người cũng lâm vào cảnh mất việc. Công ty TNHH linh kiện điện tử Sanyo OPT Việt Nam (KCN Quang Châu, Bắc Giang) đột ngột ngừng hoạt động (sau khi báo cáo và được sự đồng ý của cơ quan chức năng VN). Gần 4.000 lao động, chủ yếu là nữ, lâm vào tình cảnh mất việc khi Tết Nguyên đán cận kề. Lý do được tổng giám đốc công ty trần tình là "làm ăn thua lỗ". Mặc dù ngày 31.1 mới chính thức ngừng hoạt động, nhưng công ty thông báo người lao động có thể nghỉ làm từ 8.1, chờ hướng dẫn làm thủ tục chấm dứt hợp đồng. Công ty Sanyo OPT Việt Nam cho biết công nhân đã được nhận lương tháng 12.2012. Những người chưa hết ngày phép năm 2012 được công ty quy đổi ra tiền (một ngày phép bằng hai ngày lương) và chi trả đầy đủ. Công ty cam kết với các cơ quan chức năng, việc thưởng Tết Nguyên đán 2013 vẫn được thực hiện dựa theo thời gian làm việc của người lao động trong năm 2012.

Tình trạng công nhân mất việc không chỉ xảy ra ở Bắc Giang mà còn ở rất nhiều địa phương khác nhau. Việc xóa 17 trạm thu phí đường bộ từ ngày 1.1.2013 khiến hơn 1.000 lao động bị cắt giảm. Tại Hà Nội, Liên đoàn Lao động Hà Nội cho biết khảo sát sơ bộ cho thấy chỉ có 50% doanh nghiệp (DN) công nghiệp đủ việc làm cho dịp cuối năm, có 12,2% DN đang dư thừa lao động và có thể cắt giảm nhân sự.  

 

Chăm lo người lao động

Để đảm bảo đời sống cho người lao động trong dịp Tết Nguyên đán, ngày 22.1, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Phạm Thị Hải Chuyền có công điện gửi chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố đề nghị tạm ứng ngân sách địa phương để trả cho người lao động tại các DN có chủ bỏ trốn và bị nợ lương nhưng không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp. “Tuần vừa rồi chúng tôi bàn nhiều giải pháp, có những giải pháp như đề nghị dành nguồn kinh phí quốc gia hỗ trợ việc làm cho người lao động. Nếu như có sự thống nhất cao chúng tôi sẽ trình Chính phủ”, bà Minh nói.

Tại một số tỉnh thành như TP.HCM, nhiều tổ chức đang tích cực chăm lo tết, chia sẻ khó khăn cùng công nhân. Ban Quản lý KCX - KCN TP.HCM cho biết đến nay các DN trong KCX - KCN đã góp gần 8 tỉ đồng mua 30.515 phần quà tết cho người lao động. Ngoài ra, công đoàn KCX - KCN vận động 6.000 vé xe và hơn 700 triệu đồng hỗ trợ vé xe cho công nhân về tết. Ban Quản lý KCX - KCN sẽ phối hợp với các đơn vị, DN tổ chức chương trình “Vui tết cùng công nhân” tại 5 cụm KCX - KCN kết hợp tặng 2.250 phần quà (300.000 đồng/phần) cho công nhân không có điều kiện về tết.

Thanh Thùy - Thu Hằng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.