Công nhân chia sẻ cách tiết kiệm xin cơm dư công ty về làm cơm chiên gây 'bão' mạng

10/10/2023 13:38 GMT+7

Trong giai đoạn khó khăn, chi tiêu thế nào cho hợp lý là câu hỏi không dễ trả lời. Với những người công nhân, họ tiết kiệm vào từng bữa ăn, chi tiêu mua sắm hằng ngày.

Công nhân là những người chịu ảnh hưởng nặng nề trong cơn "bão" giảm việc làm. Quan điểm của mỗi người về chi tiêu hợp lý sẽ có sự khác nhau nhưng nhiều công nhân cho rằng, họ có thể tiết kiệm là ngay từ những bữa ăn, giá thuê phòng trọ.

"Cơm chiên cá mặn gây "sốt" mạng"

Đoạn clip lấy cơm công ty mang về làm cơm chiên cá mặn của một nam công nhân ở Bình Dương nhận được tới 19 triệu lượt xem trên mạng xã hội. Theo đó, người này sau khi đợi công nhân ăn xong, phần cơm dư của công ty được anh xin phép bếp ăn, cho vào bình đựng nước và mang về phòng trọ chiên ăn. 

Nhiều người xem clip cũng thắc mắc để lại bình luận giữa việc sống tiết kiệm so với sống hà tiện của chàng trai này.

Người lao động nghèo dè sẻn chi tiêu bám trụ lại TP.HCM: ‘Mua thiếu rồi cuối tháng trả’

Nhân vật trong clip trên là anh Nguyễn Đức Hòa (29 tuổi, quê Đồng Tháp). Năm 2014, anh khăn gói rời quê nhà lên Bình Dương làm công nhân. Phòng trọ nhỏ khoảng 10m2, đồ đạc sắm sửa đơn giản được anh thuê với giá 1,5 triệu đồng/tháng.

Công nhân chia sẻ cách tiết kiệm lấy cơm dư công ty về ăn gây 'bão' mạng - Ảnh 1.

Những clip về cuộc sống công nhân của anh Hòa được nhiều người chia sẻ

NVCC

Chia sẻ với Thanh Niên, anh Hòa cho biết, việc xin cơm dư ở công ty về ăn là điều anh thường làm để có món cơm chiên yêu thích và tiết kiệm chi phí. Theo anh, đó cũng là một trong những lý do để đoạn clip thu hút sự quan tâm của mọi người.

Từ khi xuất hiện dịch Covid-19, khối lượng công việc của anh giảm xuống. Điều này đồng nghĩa với việc anh không được tăng ca đều đặn và thu nhập giảm so với nhiều năm trước đó.

"Tôi chọn cách gói ghém chi tiêu, đi chợ mua những loại thực phẩm giá rẻ, nấu nhiều món kho để ăn được nhiều bữa. Tôi chỉ ăn ở nhà, ít khi ra ngoài ăn nên cũng tiết kiệm được chút ít. Tôi nghĩ không phải đến lúc có dư rồi mới tiết kiệm mà nên chắt bóp ngay từ khi đi làm để khi vướng việc gì có thể xoay xở được", anh chia sẻ.

Công nhân chia sẻ cách tiết kiệm lấy cơm dư công ty về ăn gây 'bão' mạng - Ảnh 2.

Anh Hòa làm công nhân 9 năm nay

NVCC

Nam công nhân cũng cho rằng, việc sống tiết kiệm khác với sống hà tiện, keo kiệt. Sống tiết kiệm là chi tiêu hợp lý, những thứ nào cần trong cuộc sống mới mua sắm. Còn sống hà tiện là không dám ăn, không dám mua những thứ bản thân thấy là thiết yếu trong cuộc sống.

Công nhân chia sẻ cách tiết kiệm lấy cơm dư công ty về ăn gây 'bão' mạng - Ảnh 3.

Anh thường nấu ăn ở nhà

NVCC

"Trên những clip tôi đăng cũng có những bình luận trái chiều về cách sống tiết kiệm và sống hà tiện. Mọi người thường hỏi lương công nhân có dư hay không, tôi nghĩ là do bản thân. Lương không quá cao nếu không tằn tiện, gói ghém sẽ không có dư và khi có chuyện không biết sẽ xử lý như thế nào nếu không có tiền", anh nói.

Bớt đi chơi, ăn ở ngoài

Chị Hoàng Thị Hằng (35 tuổi, quê Nghệ An) là công nhân PouYuen đang thuê trọ ở đường Trần Thanh Mại (Q.Bình Tân) với giá 1,5 triệu đồng mỗi tháng. Cách đây ít tháng, chồng chị nằm trong danh sách cắt giảm nhân sự công ty ở TP.HCM. Không để vợ lo kinh tế một mình, anh chuyển qua làm tài xế công nghệ nhưng vì không quen việc nên phải nghỉ. Giờ đây, anh buộc phải xuống Long An làm công nhân, việc đi lại khó khăn hơn nhưng đành chấp nhận.

Mỗi lần đi chợ, chị đều cố gắng mua thức ăn gói ghém chưa đến 100.000 đồng cho hai vợ chồng (thường mua 60.000 tiền thịt hoặc cá, 15.000 rau và ít trái cây). Trước đây, họ ở cùng hai đứa con (một đứa lớp 1, một đứa lớp 2) nhưng vì chi phí ăn học ở thành phố đắt đỏ nên dù nhớ con da diết, chị vẫn phải gửi con về quê nhờ ông bà chăm sóc.

Công nhân chia sẻ cách tiết kiệm lấy cơm dư công ty về ăn gây 'bão' mạng - Ảnh 4.

Công nhân cắt giảm chi tiêu ngay trong từng bữa ăn

NHẬT THỊNH

"Giữa thời buổi kinh tế khó khăn, tôi buộc phải tính toán lại việc chi tiêu sao cho phù hợp với cuộc sống hiện tại. Tôi bớt việc đi chơi, mua sắm, chỉ nấu ăn ở nhà thay vì đi ăn ngoài. Trước đây khi còn tăng ca, chi tiêu cho việc ăn uống không nằm trong sự tính toán nhưng bây giờ buộc phải giảm bớt để qua giai đoạn khó khăn này", chị chia sẻ.

Công nhân chia sẻ cách tiết kiệm lấy cơm dư công ty về ăn gây 'bão' mạng - Ảnh 5.

Nhiều người thấy may mắn khi vẫn có việc làm trong thời điểm hiện tại

NHẬT THỊNH

Bà Đặng Thị Thảo (51 tuổi) chủ cửa hàng tạp hóa gần các xóm trọ công nhân cho biết, thời gian này việc buôn bán của bà cũng bị ảnh hưởng. Công nhân cắt giảm chi tiêu khiến hàng hóa bán ra giảm 30 – 40%.

Công nhân chia sẻ cách tiết kiệm lấy cơm dư công ty về ăn gây 'bão' mạng - Ảnh 6.

Công nhân đang thắt chặt chi tiêu

NHẬT THỊNH

"Tôi thấy giờ những mặt hàng như bia, nước giải khát công nhân mua ít lại, hộ tập trung vào những mặt hàng thiết yếu như gạo, trứng, mì tôm. Công nhân có thu nhập ổn định việc buôn bán cũng dễ nhưng giờ họ sống tiết kiệm nên việc những hộ kinh doanh nhỏ lẻ như tôi cũng phải ráng chịu. Hi vọng những tháng cuối năm việc làm của công nhân khởi sắc, họ vui tôi cũng phấn khởi", bà cho hay.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.