Thưởng tết trung bình hơn 18 triệu đồng/người
Nhiều năm làm công nhân may tại Tổng công ty May 10 (Q.Long Biên, Hà Nội), chưa bao giờ chị Nguyễn Thị Hoa (trú Q.Long Biên) bớt chờ mong thưởng tết.
"Cả năm đi làm, thu nhập căn bản cũng đủ trang trải chi phí sinh hoạt gia đình, chỉ dư dả một chút. Tết đến, trăm thứ phải chi, bởi vậy, công nhân chúng tôi rất mong có khoản thưởng tết kha khá. Năm nay, công việc đều đặn suốt năm, anh em rất hy vọng sẽ có mức thưởng tết tốt hơn", chị Hoa nói.
Anh Bùi Anh Tùng (trú H.Tiên Lữ, Hưng Yên), công nhân Tổ 37 Công ty CP Tiên Hưng (H.Tiên Lữ, Hưng Yên), cũng háo hức chờ đón mức thưởng cuối năm.
"Năm trước, khoản thưởng cuối năm tôi nhận được gần 20 triệu đồng. Hai vợ chồng tôi đều làm công nhân may, năm nay hy vọng công ty sẽ tăng thưởng tết một chút để cả nhà có cái tết tươm tất, đủ đầy hơn", anh Tùng nói.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Thập, Phó chủ tịch Công đoàn Công ty CP Tiên Hưng, cho biết năm nay doanh nghiệp dự kiến thưởng cuối năm cho người lao động tăng khoảng 5% so với năm trước. Cụ thể, tổng mức thưởng tết và lương tháng 13 trung bình khoảng 20 - 22 triệu đồng/người. Với trên 3.700 lao động, dự kiến số tiền công ty chi thưởng tết năm nay dao động 74,1 - 81,5 tỉ đồng.
Công nhân xuyên đêm lắp đèn để cầu Ba Son rực sáng đêm giao thừa!
Các mức thưởng tết cho công nhân chia theo diện lao động làm đủ năm và không đủ năm. Khoảng giữa tháng 1.2025, người lao động sẽ nắm được thông tin về thưởng tết. Thông thường, doanh nghiệp sẽ chi thưởng tết vào khoảng sát tết, cách ngày 23 tháng chạp khoảng 1 tuần.
"Ngoài thưởng tết bằng tiền cho người lao động, công ty sẽ tiến hành kiểm tra, rà soát các trường hợp công nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, gia đình có người mắc bệnh hiểm nghèo…, kết hợp với tổ chức công đoàn tiến hành thăm, tặng quà riêng cho các gia đình với mức hỗ trợ khoảng 1,5 - 3 triệu đồng/hộ", ông Thập nói.
Tại Tổng công ty May 10, ngay từ quý 3, doanh nghiệp đã có kế hoạch tài chính cho lương, thưởng tết cho người lao động. Theo đó, hơn 12.000 lao động của May 10 sẽ nhận mức thưởng tết với tháng lương thứ 13 bình quân khoảng 1,6 tháng lương.
Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 Thân Đức Việt cho biết, đơn hàng của doanh nghiệp đã kín đến tháng 3.2025. Với tình hình khả quan, May 10 quyết định chi thưởng tết bằng năm ngoái. Tuy nhiên, năm nay lương, thu nhập của người lao động tăng hơn so với năm 2023 là 8% nên mức thưởng tết thực nhận nhỉnh hơn năm ngoái. Cùng với chính sách thưởng tết tháng lương thứ 13, May 10 cũng có thêm nhiều chính sách phúc lợi khác nhằm chăm lo tốt hơn cho người lao động.
Theo ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), năm 2024, Vinatex bảo toàn được nguồn lực cốt lõi là lao động và khách hàng. Lợi nhuận hợp nhất ước đạt 740 tỉ đồng, bằng 137,5% so với năm 2023; thu nhập bình quân đạt 10,3 triệu đồng/người/tháng, bằng 108,9% so với năm 2023. Theo thống kê sơ bộ, lương tháng 13 và thưởng tết cho người lao động trong hệ thống ước bình quân đạt hơn 18 triệu đồng/người, tương đương 1,5 - 2 tháng lương.
Nâng thu nhập để giữ chân người lao động
Ông Hiếu nhìn nhận, năm 2024, một trong những khó khăn nội tại mà nhiều doanh nghiệp dệt may phải đối mặt là biến động lao động.
"Năm 2023, lao động rất dồi dào nhưng đơn hàng thiếu. Năm 2024 thì ngược lại, đơn hàng đủ, lao động lại rất thiếu. Có đơn vị biến động lao động lên tới 20%. Lao động sau khi nghỉ có thể tuyển lại nhưng lượng tuyển không đủ bù đắp; thậm chí, nhiều trường hợp việc tuyển dụng lại lao động rất khó khăn. Quan trọng nhất là khi lao động có tay nghề nghỉ, việc tuyển lao động mới cũng khó giải quyết vấn đề biến động năng suất", ông Hiếu phản ánh.
Năm 2024, Tổng công ty May Hưng Yên (TP.Hưng Yên, Hưng Yên) cũng đối mặt một số khó khăn, thách thức, trong đó có vấn đề chi phí phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh tăng cao, lực lượng lao động giảm… Tuy nhiên, doanh nghiệp đã thực hiện triệt để nhiều giải pháp nhằm ổn định, đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, cải thiện điều kiện làm việc, đời sống cho người lao động. Thu nhập bình quân của người lao động năm 2024 đạt 11,6 triệu đồng/người/tháng, bằng 105% so với năm 2023…
"Năng suất bình quân năm 2024 tại May Hưng Yên tăng 12%, thu nhập người lao động tăng; trong đó có đơn vị đạt trên 20 triệu đồng/người/tháng, chưa tính thưởng tết. Trước tình hình lao động giảm 8%, tổng công ty nỗ lực đảm bảo thu nhập người lao động tăng 7 - 8% để giữ chân người lao động trong điều kiện áp lực cạnh tranh lao động ngày càng gia tăng", ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty May Hưng Yên, cho biết.
Năm 2025, dự báo tình hình xuất khẩu dệt may có nhiều tín hiệu tích cực, ông Cao Hữu Hiếu chia sẻ: "Đến nay, nhiều đơn vị ngành may đã có đơn hàng hết quý 1/2025, một số đơn vị đã có đơn hàng đến hết tháng 5.2025". Tuy nhiên, theo lãnh đạo Vinatex, năm 2025 sẽ tiếp tục tái diễn tình trạng thiếu hụt lao động, đặc biệt là trong ngành may.
"Ngoài cạnh tranh lao động giữa các doanh nghiệp dệt may Việt Nam với doanh nghiệp FDI cùng ngành nghề hoặc với các doanh nghiệp ngành nghề khác, một trong những nguyên nhân lớn khiến ngành dệt may thiếu hụt lao động là tỷ lệ lao động nghỉ việc để đi xuất khẩu lao động khá cao", ông Hiếu nói.
Với May Hưng Yên, dự báo hoạt động sản xuất, kinh doanh năm tới cũng có nhiều khởi sắc khi đơn hàng đã ký đến tháng 6.2025, giá cơ bản giữ như năm 2024. Doanh nghiệp đặt kế hoạch tổng doanh thu 616 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 60 tỉ đồng…
Để ứng phó với những khó khăn, thách thức đang diễn biến phức tạp, thời gian tới, Tổng công ty May Hưng Yên xác định tập trung ổn định thị trường cũ, phát triển thị trường mới tiềm năng; đào tạo và nâng cao kỹ năng, trình độ của đội ngũ cán bộ công nhân viên, người lao động; tiếp tục nâng cao thu nhập và tăng cường chăm lo đời sống mọi mặt của người lao động…
Bình luận (0)