Công nhân nhịn 6 giờ mới có suất ăn của công ty, đúng luật không?

Phạm Thu Ngân
Phạm Thu Ngân
17/03/2023 17:52 GMT+7

Theo quy định, thời giờ làm việc bình thường của công nhân, người lao động tại công ty không quá 8 giờ trong 1 ngày và không quá 48 giờ trong 1 tuần.

Một người lao động gửi câu hỏi đến Thanh Niên: "Tôi là công nhân ở một công ty điện tử. Ca ngày làm việc 12 tiếng, từ 6 giờ đến 18 giờ.

Công ty quy định thời giờ nghỉ giải lao như sau: từ 8 giờ - 8 giờ 10 nghỉ giải lao, ăn trưa từ 11 giờ - 11 giờ 30 và từ 15 giờ - 15 giờ 10 tiếp tục nghỉ giải lao. Khi ra về sẽ được phát cho phần ăn nhẹ.

Tương tự, làm ca đêm từ 18 giờ - 6 giờ sáng hôm sau, đầu ca sẽ được ăn cơm tại công ty, từ 22 giờ - 22 giờ 10 nghỉ giải lao, từ 1 giờ 15 - 2 giờ là giờ ăn, từ 4 giờ - 4 giờ 10 nghỉ giải lao.

Tôi thắc mắc quy định này của công ty có đúng luật không? Bởi lẽ công nhân phải nhịn ăn hơn 6 tiếng đồng hồ mới có được suất ăn. Trong khi đó, giờ giải lao chỉ 10 phút, không kịp để ăn thêm gì cho đỡ đói".

Công nhân nhịn 6 tiếng mới có suất ăn của công ty, có đúng luật không? - Ảnh 1.

Một suất ăn của công nhân

PHẠM THIỀU

Luật sư tư vấn

Luật sư Trương Văn Tuấn (Văn phòng luật sư Trạng Sài Gòn), cho biết thời gian làm việc của công ty mà người lao động gửi thắc mắc không phù hợp với quy định tại điều 105 bộ luật Lao động 2019 về thời gian làm việc.

Cụ thể, điều 105 quy định về thời giờ làm việc bình thường không quá 8 giờ trong 1 ngày và không quá 48 giờ trong 1 tuần.

Người sử dụng lao động có quyền quy định thời giờ làm việc theo ngày hoặc tuần nhưng phải thông báo cho người lao động biết; trường hợp theo tuần thì thời giờ làm việc bình thường không quá 10 giờ trong 1 ngày và không quá 48 giờ trong 1 tuần.

Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ đối với người lao động.

Người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm giới hạn thời gian làm việc tiếp xúc với yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại đúng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và pháp luật có liên quan.

Về nội dung "phải nhịn ăn hơn 6 giờ mới có được suất ăn, giờ giải lao 10 phút không kịp để ăn thêm gì đỡ đói", người lao động có thể đề xuất với công đoàn cơ sở để đối thoại với doanh nghiệp để có biện pháp giải quyết phù hợp, đảm bảo hài hòa mối quan hệ lao động tại đơn vị.

Luật sư Trương Văn Tuấn cũng lưu ý, hiện không có quy định về ăn uống giữa ca. Thế nên thời gian ăn được tính là nghỉ ngơi.

Như vậy, với trường hợp của người lao động thắc mắc, thời gian nghỉ trong giờ làm việc của công ty là phù hợp với quy định tại điều 109 bộ luật Lao động 2019 và điều 64 Nghị định 145/2020 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động.

Căn cứ vào quy định nêu trên, thời gian làm việc theo ca ngày được nghỉ giữa giờ ít nhất 30 phút liên tục. Đối với làm ca đêm thì thời gian nghỉ giữa giờ phải có ít nhất là 45 phút liên tục được tính vào giờ làm việc.

Xem nhanh 20h ngày 17.3: Trùng tu Nhà thờ Đức Bà gặp khó | VNA nói về nghi án 'xách tay thuốc lắc'

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.