Đắt đỏ là vậy, nên đại đa số gần 3 vạn công nhân của KCN Thăng Long, H.Đông Anh, Hà Nội phải bấm bụng dùng nước giếng khoan, cho dù biết mười mười chất lượng nước không đảm bảo.
Biết có nhà báo về tìm hiểu thực trạng chất lượng nước giếng khoan, Trần Văn Sơn, một công nhân KCN Thăng Long quê quán huyện Tĩnh Gia (tỉnh Thanh Hóa), hiện đang thuê trọ tại đội 5, thôn Bầu, xã Kim Chung, H.Đông Anh mời chúng tôi vào phòng, rồi chỉ vào đôi chân chi chít những nốt mụn nước to cỡ hạt đậu xanh, mà nói như kể tội: “Đây, tận mắt nhà báo coi, đây không là ghẻ nước thì là gì đây. Phòng em có ba đứa mới ở quê ra đây thuê trọ làm công nhân được nửa năm thì cả ba đứa đều bị”.
Nói đoạn, Văn Sơn lại cùng các bạn trong xóm trọ dẫn tôi tham quan bể nước. Đó là bể chứa nước chừng 5m2 được để trên tầng hai, qua hệ thống lọc bằng cát vàng, trước khi dẫn tới hệ thống ống nhựa. Và cũng giống như những bể lọc, chứa nước mà chúng tôi đã tận mắt thấy được trước đó, bể nước khu trọ nơi Sơn ở cũng xuất hiện vô số những mảng cặn vàng. Còn khi gí sát mũi, chúng tôi lại thấy mùi tanh tanh.
“Nước giếng khoan ở khu trọ của em thì có mùi và váng nhiều lắm. Chỉ cần pha trà rồi để một lát là y như rằng nước trà sẽ chuyển qua màu xanh ngay lập tức. Chính vì lý do này mà bọn em cũng chỉ dùng nước máy để nấu ăn, đun nước uống. Còn lại, tất thảy những nhu cầu sinh hoạt hằng ngày khác từ việc tắm giặt, đến vệ sinh cá nhân đều sử dụng nước giếng khoan cho tiết kiệm”, công nhân tên Hà Thị Hòa, quê quán Kim Bôi, Hòa Bình, hiện đang thuê trọ tại xóm 1, thôn Bầu kể.
Cũng theo lời Hòa, hiện mỗi tháng Hòa phải nộp cho chủ trọ 40.000 đồng tiền nước. Còn nếu muốn dùng nước máy như nhà chủ, Hòa phải trả với giá 12.000 đồng/m3, tương đương với gần 60.000 đồng/tháng.
Theo khảo sát của Thanh Niên tại khu vực nội thành Hà Nội, nếu một gia đình bốn nhân khẩu, vào mùa hè, lượng nước sử dụng có cao đi chăng nữa cũng khó lòng vượt quá mức 100.000 đồng/tháng.
“Gia đình tôi bốn người, thêm một người giúp việc là năm. Thế mà dùng thoải mái cả tháng trời, nào là máy giặt rồi lại bình nóng lạnh nữa, cũng chỉ hết 17m3, tính thành tiền là 68.700 đồng”, chị Trương Thu Hiền ở số nhà 16, ngõ 54, phố Hoa Bằng, kể.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Phan Văn Biên, Chủ tịch UBND xã Kim Chung cho biết, theo thống kê, hiện trên toàn xã Kim Chung có hơn 2,6 vạn công nhân đang ở trọ trong khu nhà dân, kèm theo đó là 2.500 giếng khoan phục vụ nhu cầu nước sinh hoạt.
Tuy nhiên theo ông, chất lượng nước giếng khoan đang ở mức độ ô nhiễm đáng lo ngại, ngay cả khi các giếng khoan này có độ sâu hàng chục mét. Bằng chứng được ông Biên đưa ra đó là dùng nước tại những giếng khoan này pha chè thì có màu xanh lét, khi giặt giũ quần áo có hiện tượng ố vàng, nước dùng có cặn...
Khi được hỏi về mức giá thu nước máy sinh hoạt đối với công nhân thuê trọ trên địa bàn xã, ông Biên cho hay mỗi người công nhân lao động muốn sử dụng nước sạch, sẽ phải trả tiền nước với giá kinh doanh dịch vụ là 12.000 đồng/m3.
Cũng theo ông Biên, trong nhiều cuộc họp, lãnh đạo xã đã không ít lần đưa ra kiến nghị tới Xí nghiệp kinh doanh nước sạch Đông Anh, trực thuộc Công ty nước sạch số 2 Hà Nội, nhằm tạo điều kiện cho công nhân được hưởng mức giá như hộ gia đình sử sụng - cứ 4 đến 5 người được tách riêng ra thành một công tơ nước thu tiền không theo giá dịch vụ, như ngành điện đã làm theo chỉ đạo của thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, tới nay, dường như mọi việc vẫn không thay đổi.
Hà An
Bình luận (0)