Công nương 'đặc biệt' của hoàng gia châu Âu

30/05/2015 06:27 GMT+7

(TNTS) Họ đều là những thường dân cho đến khi bước vào hoàng gia. Dù ban đầu mang những khác biệt nhưng họ đã chinh phục được trái tim của mọi người bởi nỗ lực xây dựng hình ảnh không riêng cho bản thân mà cho cả gia đình quyền quý của chồng.

(TNTS) Họ đều là những thường dân cho đến khi bước vào hoàng gia. Dù ban đầu mang những khác biệt nhưng họ đã chinh phục được trái tim của mọi người bởi nỗ lực xây dựng hình ảnh không riêng cho bản thân mà cho cả gia đình quyền quý của chồng. Một người là con dâu của hoàng gia giàu nhất châu Âu, còn một người sẽ theo chồng lên kế vị ngai vàng của hoàng gia nghèo nhất khu vực này. 

Công nương 'đặc biệt' của hoàng gia châu ÂuJoseph Wenzel và Angela Brown
Nàng dâu da màu 
Là quốc gia nhỏ xíu (rộng 160 km2) và duy nhất nằm lọt thỏm trong dãy Alps, Liechtenstein sẽ khiến bạn ngỡ ngàng với nhiều con số: tỷ lệ thất nghiệp thấp thứ nhì thế giới (1,5%, chỉ sau công quốc Monaco), GDP đầu người cao nhất thế giới và hoàng gia nhiều tiền nhất châu Âu. Là con trai thứ 2 của hoàng thân Hans-Adam II với công nương Marie, hoàng tử Maximilian bỗng trở nên nổi tiếng hơn cả người đứng đầu trong danh sách thừa kế là thái tử Joseph Wenzel khi đính hôn với cô gái da màu Angela Brown năm 1999.
Đám cưới đầu năm 2000 được xem là một sự kiện lịch sử, đã đưa một thường dân châu Mỹ gốc Phi đầu tiên vào một trong số ít hoàng gia đang trị vì ở châu Âu bằng một nghi lễ được sự đồng ý và ủng hộ hoàn toàn của hoàng tộc. Đây cũng là sự kiện hút nhiều ý kiến trái chiều, có thành viên hoàng gia cho biết họ sốc trước tin này và xem cuộc hôn nhân đa chủng tộc này là “sự kết thúc của thời đại” trong khi có người lại tán thành nhiệt liệt. Không chỉ khác nhau về màu da, cô dâu của Liechtenstein còn lớn hơn chồng những 11 tuổi (Max năm nay 46 tuổi). Những khác biệt này không ngăn cản tình yêu như sét đánh khi hoàng tử Max, vốn đang làm việc cho một ngân hàng lớn ở New York, gặp nhà thiết kế thời trang đang làm cho nhà mốt danh tiếng Adrienne Vittadini. Mọi thứ diễn ra như sắp đặt, hai năm sau ngày hẹn hò là lễ đính hôn và đến đám cưới. Chỉ khi đến ngày đính hôn, Angela mới chính thức từ bỏ công việc Giám đốc thời trang tại Adrienne Vittadini - nơi đã mang lại cho cô giải thưởng uy tín trong ngành là Oscar de la Renta Gold Thimble Award. Angela đã từng gầy dựng thương hiệu A.Brown của riêng mình và bán đi 3 năm sau đó.
Cô gái sinh ra trong gia đình da màu tại Panama này đến Mỹ theo học trường thiết kế Parsons School of Design và trước khi khép lại sự nghiệp của mình đã để lại dấu ấn bằng một chiếc váy cưới do cô tự thiết kế. Chiếc váy trắng kết hợp với chiếc vương miện Kinsky mà cô em chồng là công chúa Tatjana đã đội trong đám cưới trước đó 1 năm là một khởi đầu suôn sẻ cho cuộc hôn nhân không mảy may có điều tiếng gì suốt 15 năm qua. Kết quả của tình yêu đó là sự ra đời của hoàng tử nhỏ Alfons năm 2001 - người đứng hàng thứ 6 trong danh sách thừa kế ngai vàng.
Công nương 'đặc biệt' của hoàng gia châu Âu 2Thái tử Haakon và công nương Mette-Marit
Cô dâu nổi loạn
Nếu công nương Angela càng kín tiếng (cả trước và sau khi bước vào hoàng cung) bao nhiêu thì công nương Mette-Marit của Na Uy - hoàng gia nghèo nhất châu Âu lại càng khiến dư luận Na Uy dậy sóng bấy nhiêu khi lễ đính hôn của cô với thái tử Haakon được công bố năm 2000. Bởi Mette-Marit không chỉ là một thường dân mà còn là một bà mẹ đơn thân với quá khứ nổi loạn. Sinh ra trong một gia đình không hạnh phúc (cha mẹ ly dị), Mette-Marit đã sống tự do từ nhỏ, hết mình với các môn thể thao như đua thuyền, bóng chuyền rồi ghi danh theo đủ các chương trình trao đổi học sinh để đến Úc và Anh. Chuyện học hành ở trung học của cô cũng kéo dài hơn bình thường bởi vừa đi học vừa đi làm.
Lễ hội âm nhạc thường niên Quart là nơi chứng kiến mối quan hệ giữa Mette-Marit và người kế vị ngai vàng ở Norway. Họ gặp nhau lần đầu tiên cuối thập niên 1990 nhưng có lẽ duyên chưa đến nên Mette-Marit lại trôi nổi với cuộc sống riêng để rồi làm mẹ của cậu con trai sinh năm 1997. Cũng là Quart vài năm sau đã kết nối họ lại với nhau. Sự ồn ào trong thời gian đầu về làm dâu hoàng gia này đã không cản trở một con người năng động như Mette-Marit. Cô hoàn tất chương trình thạc sĩ ngành quản trị kinh doanh và trở thành một thành viên hoàng gia tích cực trong các hoạt động từ thiện lẫn nghệ thuật.
Nếu nói về tiền tài thì con số của gia đình chồng công nương Mette-Marit quá nhỏ (tài sản riêng của vua Harald V chỉ khoảng 8 triệu bảng Anh) so với gia đình chồng công nương Angela. Nhưng tần suất xuất hiện trước công chúng của Mette-Marit thì Angela không thể bằng. Quá khứ là quá khứ và gần như không ai phủ nhận danh tiếng mà Mette-Marit gầy dựng sau khi lấy chồng.
Công nương 'đặc biệt' của hoàng gia châu Âu 3
Những hoàng gia giàu nhất châu Âu
1. Hoàng gia Lichtenstein của Lichtensten
Tổng tài sản 4,9 tỉ bảng Anh. Hoàn toàn sống bằng tiền làm ra, không dùng đến tiền thuế. Sở hữu công ty quản lý vốn và ngân hàng tư nhân lớn nhất thế giới.
2. Hoàng gia Grimaldi của Monaco
Hoàng thân Albert II có khối tài sản ước tính 1 tỉ bảng Anh, nắm giữ nhiều bất động sản ở Pháp, Monaco và cổ phần ở một resort Monte Carlo.
3. Hoàng gia Windsor của Khối thịnh vượng chung
Tài sản riêng của Nữ hoàng Elizabeth II là 295 triệu bảng Anh dù con số ước tính này dao động tùy theo cách tính (có thống kê đưa vào cả những lâu đài thuộc sở hữu nhà nước).
4. Hoàng gia Orange-Nassau của Hà Lan
Đa phần khối tài sản riêng ước tính 131 triệu bảng Anh (thực tế có thể cao hơn) của gia đình này đến từ cổ phần trong Công ty dầu khí Shell mặc dù họ không công bố con số chính thức.
5. Hoàng gia Bernadotte của Thụy Điển
Vua Carl XVI Gustaf là người giàu nhất trong vua ở Scandinavia với con số tài khoản ngân hàng ước tính là 27,5 triệu bảng Anh.
(1 bảng Anh hiện tương đương 1,55 USD)
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.