Công tác nhân sự Đại hội XIV phải làm khẩn trương, thận trọng
Chuẩn bị kỹ báo cáo đánh giá kinh tế - xã hội trình Bộ Chính trị

22/08/2024 05:51 GMT+7

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh công tác nhân sự Đại hội Đảng phải làm khẩn trương, thận trọng, phải bảo đảm sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng; phải bảo đảm duy trì vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng.

Sáng 21.8, tại trụ sở T.Ư Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, Trưởng tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng, chủ trì phiên họp thứ 2 của Tiểu ban Nhân sự.

Tham dự phiên họp có thành viên tiểu ban, gồm: Thủ tướng Phạm Minh Chính; Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Thường trực Ban Bí thư Lương Cường, Trưởng ban Tổ chức T.Ư Lê Minh Hưng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư Trần Cẩm Tú. Dự phiên họp còn có các thành viên tổ giúp việc của Tiểu ban Nhân sự.

Công tác nhân sự Đại hội XIV phải làm khẩn trương, thận trọng- Ảnh 1.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chủ trì phiên họp thứ hai Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng

Ảnh: TTXVN

Phát biểu kết luận phiên họp, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, Trưởng tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng, nhấn mạnh cần tiếp tục quán triệt sâu sắc, thống nhất nhận thức về vị trí, ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của công tác cán bộ và việc chuẩn bị nhân sự Đại hội XIV của Đảng. Cùng đó, kế thừa tư tưởng, định hướng lớn và cụ thể của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nguyên Trưởng tiểu ban Nhân sự, tại phiên họp thứ nhất.

Đặc biệt, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu phải lấy kết quả tổng kết nhân sự Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XIII để làm cơ sở quan trọng xây dựng phương hướng nhân sự Đại hội XIV của Đảng.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh công tác nhân sự Đại hội Đảng phải làm khẩn trương, thận trọng, phải bảo đảm sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng; phải bảo đảm duy trì vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng. Nhân sự được xem xét lựa chọn phải là cán bộ có năng lực lãnh đạo, trình độ chuyên môn, có uy tín trong dân, trong Đảng. Quá trình chuẩn bị nhân sự phải bảo đảm sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện, thường xuyên, liên tục, chặt chẽ, dân chủ của T.Ư Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy, tổ chức đảng; phải đặt lợi ích của Đảng, của quốc gia, dân tộc, nhân dân lên trên hết, trước hết.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chủ trì phiên họp Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV

* Chiều 21.8, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp thường trực Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Cuộc họp nhằm rà soát các công việc của tiểu ban, xác định các nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới và đặc biệt là cho ý kiến với dự thảo Báo cáo đánh giá 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2026 - 2030, trước khi họp toàn thể cho ý kiến với dự thảo để trình Bộ Chính trị, trình Hội nghị T.Ư lần thứ 10, khóa XIII.

Trong quá trình công tác, Tiểu ban đã tổ chức các đoàn công tác khảo sát, làm việc với 4 vùng: trung du miền núi phía bắc, đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung, Tây nguyên.

Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng tiểu ban, ghi nhận đánh giá cao các thành viên tiểu ban, tổ biên tập. Đồng thời, yêu cầu tổ chức các đoàn công tác của tiểu ban đi khảo sát, làm việc, lấy ý kiến tại 2 vùng là Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long; xin ý kiến các nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để bổ sung, hoàn thiện báo cáo.

Thủ tướng cũng lưu ý dự thảo báo cáo cần xác định rõ mức độ hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, nhất là chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế; nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi ngân sách được kiểm soát hiệu quả. Các điểm nhấn trong phát triển hạ tầng, như đường bộ cao tốc, đường dây tải điện 500 kV mạch 3, nghiên cứu xây dựng đường sắt tốc độ cao… Đồng thời, cần nêu bật thành tựu về an sinh xã hội, nhất là trong đại dịch Covid-19; tăng lương cho người lao động, tăng lương cơ sở cho công chức, viên chức...

Đặc biệt, dự thảo cần đề xuất các cơ chế đột phá để huy động mọi nguồn lực, nhất là hợp tác công tư cho phát triển hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục, văn hóa, xã hội… đạt mục tiêu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.