Trình bày ý kiến đối với báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2018, ông Nguyễn Văn Pha, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp (UBTP), cho rằng bên cạnh những kết quả đạt được, công tác này vẫn còn một số hạn chế. “Đáng chú ý, đã có một số tội phạm xảy ra ngay trong chính cơ quan phòng, chống tội phạm, có sự tiếp tay hoặc tham gia của một số sĩ quan cấp cao trong lực lượng công an. Một số vụ việc liên quan tới sĩ quan công an, quân đội đã kéo dài nhiều năm nhưng đến nay mới xử lý được ”, ông Pha nêu và cho rằng nguyên nhân chính là do công tác quản lý cán bộ trong lực lượng chức năng nói chung và lực lượng phòng, chống tội phạm nói riêng vẫn còn sơ hở. Tổ chức bộ máy có nhiều điểm chưa hợp lý, dẫn đến một số cán bộ, sĩ quan lợi dụng để thực hiện hành vi phạm tội.
Từ đó, Phó chủ nhiệm UBTP kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng, đặc biệt là cơ quan phòng chống tội phạm kiểm tra, thanh tra nội bộ nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ công chức nói chung và cán bộ của cơ quan bảo vệ pháp luật trong sạch, vững mạnh; kịp thời phát hiện xử lý nghiêm các sai phạm tiêu cực, đặc biệt đối với người đứng đầu các cơ quan bảo vệ pháp luật trên tinh thần của Đảng là “không có vùng cấm, ngoại lệ, bất kể là ai”.
Còn ông Trương Trọng Nghĩa, Ủy viên UBTP, cho rằng những vụ như Vũ “nhôm”, Út “trọc” hay vụ đánh bạc trên mạng cho thấy cần phải có cơ chế để kiểm soát, quản lý những hoạt động mang tính chất bình phong hay việc lực lượng vũ trang tham gia làm kinh tế. Ông Nghĩa đề nghị nếu như chưa có cơ chế để quản lý, kiểm soát những hoạt động này thì cần phải suy nghĩ để đưa ra cơ chế thích hợp.
Trình bày báo cáo của Chính phủ về tình hình công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2018, thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an, nhấn mạnh hoạt động của các băng, ổ nhóm tội phạm hình sự có dấu hiệu phức tạp trở lại, có sự đan xen, gắn kết chặt chẽ giữa các lĩnh vực hình sự, kinh tế, ma túy, môi trường.
“Qua các vụ án lớn đã xử lý cho thấy, các đối tượng triệt để lợi dụng những sơ hở trong cơ chế, chính sách để thông đồng, tạo ra các “nhóm lợi ích”, hoặc móc ngoặc giữa khu vực nhà nước và doanh nghiệp tạo “sân sau”, “công ty gia đình”, dùng ảnh hưởng của mình để đấu thầu cho các dự án, thâu tóm đất công; cho vay sai nguyên tắc, thế chấp vòng vo, rút tiền của nhà nước, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng”, ông Vương nêu.
Đánh giá về báo cáo của Chính phủ, ông Nguyễn Văn Pha cũng nhận định, một số cá nhân, doanh nghiệp đã móc ngoặc với cán bộ có chức vụ, quyền hạn tại một số địa phương để tạo nhóm lợi ích hoặc lợi dụng công tác nghiệp vụ để tạo các tổ chức bình phong nhằm tạo ảnh hưởng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại rất lớn cho nhà nước, ảnh hưởng xấu đến công tác quản lý nhà nước tại địa phương, sự lành mạnh trong môi trường kinh doanh. “Bên cạnh đó, tình trạng mua bán, chuyển nhượng tài sản công, nhất là đất đai với giá rẻ cho tư nhân không thông qua bán đấu giá, không đúng thẩm quyền xảy ra tại một số địa phương, nhất là một số tỉnh, thành phố lớn có dấu hiệu vi phạm pháp luật, gây thất thoát lớn cho tài sản, đất đai của nhà nước”, ông Pha nêu và kiến nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát kiểm tra toàn diện tình hình mua bán, chuyển nhượng tài sản công, nhất là đất công, đất đai trên địa bàn cả nước, xử lý nghiêm đối với các cá nhân, tổ chức vi phạm, thu hồi tài sản, đất đai bị thất thoát.
Ông Vũ Trọng Kim, Ủy viên UBTP, đặt vấn đề: Trong các nguyên nhân mà báo cáo của Chính phủ đề cập không thấy nhắc tới nguyên nhân từ nội bộ, công tác quản lý nhà nước, quản lý của người đứng đầu. Ông Kim cho rằng cần phải đi từ nguyên nhân gốc rễ này để có hướng khắc phục, làm kỹ công tác quản lý cán bộ.
|
Bình luận (0)