Cộng tác viên sức khỏe cộng đồng ở TP.HCM: Làm để giúp bà con

Du Yên
Du Yên
10/03/2024 06:14 GMT+7

Tại các trạm y tế phường, xã, ngoài lực lượng y tế tuyến đầu là nhân viên y tế tại trạm thì một lực lượng không thể thiếu chính là các cộng tác viên sức khỏe cộng đồng.

Tính đến cuối tháng 2.2024, Q.Bình Thạnh và Q.Bình Tân là 2 quận đầu tiên tại TP.HCM chủ động triển khai tuyển chọn cộng tác viên (CTV) sức khỏe cộng đồng (SKCĐ). Cụ thể, Q.Bình Tân đã tuyển chọn được 256 CTV SKCĐ (trong tổng số 1.499 CTV SKCĐ) và Q.Bình Thạnh tuyển chọn được 138 CTV SKCĐ (trong tổng số 1.000 CTV SKCĐ). Theo Sở Y tế, các quận, huyện cần nhanh chóng tuyển chọn CTV SKCĐ, đảm bảo khoảng 150 - 200 hộ dân ở khu vực nội thành và 100 - 150 hộ dân ở khu vực ngoại thành có 1 CTV. Theo kế hoạch của Sở Y tế, kể từ tháng 3.2024, các khóa tập huấn dành cho CTV SKCĐ sẽ được triển khai.

Cộng tác viên sức khỏe cộng đồng ở TP.HCM: Làm để giúp bà con- Ảnh 1.

Chị Trần Thị Phương Huyền (trái), cộng tác viên sức khỏe cộng đồng tại P.15 (Q.Bình Thạnh), động viên người cao tuổi đến trạm khám sức khỏe

Du Yên

CTV SKCĐ tại TP.HCM sẽ là cánh tay nối dài của y tế cơ sở trong công tác chăm sóc sức khỏe người dân.

Không làm vì tiền, không sợ dư luận

Sáng 7.3, PV Báo Thanh Niên theo chân chị Trần Thị Phương Huyền (47 tuổi, CTV SKCĐ P.15, Q.Bình Thạnh) kêu gọi những người cao tuổi đến trạm y tế (TYT) để khám sức khỏe miễn phí. Mặc dù đã kêu gọi từ hôm trước nhưng vì số lượng người cao tuổi đến khám vẫn chưa đủ nên chị phải dò lại danh sách để tiếp tục đi vận động, hỏi thăm tình hình sức khỏe nhiều cụ. Chị Huyền chia sẻ với PV mình tham gia làm CTV SKCĐ từ tháng 8.2023. Trước đó chị cũng đã làm ở tổ dân phố được hơn 6 năm nên chị cũng nắm khá rõ tình hình của các gia đình ở đây.

Chị Huyền nhớ lại những khó khăn khi lần đầu làm CTV SKCĐ, đó là vận động các bệnh nhân lao. Ban đầu khi nghe nói đến việc tiếp xúc với các bệnh nhân, chị rất e dè và lo sợ lây nhiễm. Nhưng nghĩ rằng bây giờ mình không làm thì ai làm đây. Sự nhiệt huyết trong công việc lấn át đi nỗi sợ, chị đã đi vận động 3 hộ gia đình có bệnh nhân lao uống thuốc để tránh kháng thuốc và lây nhiễm cho người nhà, cộng đồng người dân ở đây. Từ đây, chị tìm thấy được ý nghĩa của công việc.

"Việc gì cũng phải làm từ tâm của bản thân vì số tiền được trả khi làm CTV SKCĐ khá ít. Làm chủ yếu vì mong muốn được giúp đỡ mọi người, giúp những hoàn cảnh khó khăn ở khu phố nên tôi đăng ký tham gia. Chứ còn nói đến thành tích hoặc bằng khen thì đó chỉ là chứng nhận những nỗ lực mình bỏ ra, có cũng được mà không có cũng chẳng sao. Từ trong tâm mình thấy vui với công việc mình làm là được", chị Huyền tâm sự.

Cộng tác viên sức khỏe cộng đồng ở TP.HCM: Làm để giúp bà con- Ảnh 2.

Nhờ những hoạt động tích cực mà chị Huyền (trái) được nhiều người dân yêu mến và thường xuyên tặng quà

Du Yên

Mỗi khi đi làm, vận động hay giúp đỡ bà con, chị Huyền thường xuyên nhận được quà. Chị vui vẻ kể về những hộp bánh kẹo, những đồ đặc sản được mọi người tặng mình. Bên cạnh sự yêu thương từ bà con trong khu phố, chị Huyền chia sẻ đôi lúc cũng gặp những trường hợp khó chịu và không tin tưởng vào công việc chị làm.

"Bây giờ tới nhà dân, người ta sợ bị lừa gạt hoặc phiền phức lắm, mình phải tìm cách thuyết phục và lấy được sự tin tưởng của người dân. Luôn hòa nhã vui vẻ với mọi người thì sau này khi cần lấy thông tin hay xét nghiệm gì họ sẽ nhanh chóng cung cấp cho y tế phường liền. Tất cả các công việc là phải uy tín mới được, chứ không có uy tín và không có tâm thì cũng khó làm được. Công việc tuy chỉ có lương ít nhưng đổi lại có nhiều người thương mình. Sợ nhất là làm điều gì sai trái với lương tâm của mình thôi", chị Huyền nói.

Bà con yêu mến

Trước khi làm CTV SKCĐ, chị Huyền đã từng tham gia rất nhiều chương trình, hoạt động của phường như tình nguyện viên chống dịch Covid-19, hỗ trợ những gia đình có người mất trong đại dịch...

Nhớ lại những ngày phòng chống dịch Covid-19, chị xúc động khi nghĩ về những ngày cùng bà con gian khổ vượt qua đại dịch. Ở thời điểm phong tỏa, trong khu phố với phần lớn người dân là lao động chân tay không thể đi làm nên thiếu thốn về tiền bạc rất lớn. Thấy vậy, chị Huyền đã cùng chồng lấy số tiền tiết kiệm ra để cho mỗi gia đình mượn 2 triệu cầm cự qua đợt dịch.

Quả ngọt từ những ngày tháng cống hiến, làm việc tận tâm không ngừng nghỉ của chị Huyền là sự yêu thương của bà con trong khu phố. Theo chân chị Huyền đi vận động người dân đi khám sức khỏe miễn phí, PV bắt gặp những lời hỏi thăm từ người dân trong khu phố như "cô Huyền nay đi đâu đấy?" hay "Huyền nay làm gì đấy?". Thậm chí, có người còn chạy theo, dúi vào tay chị hai hũ mắm đặc sản vừa mang từ quê.

Cộng tác viên sức khỏe cộng đồng ở TP.HCM: Làm để giúp bà con- Ảnh 3.

Cộng tác viên sức khỏe cộng đồng là cánh tay nối dài của y tế địa phương với người dân

Luôn miệng khen ngợi những việc làm của chị Huyền, bà Nguyễn Thị Xuân Thu (68 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh) cho biết ngoài việc giúp đỡ những người dân trong việc xin đồ từ thiện, chị Huyền còn kêu gọi giúp bà con khó khăn trong khu phố có được những tấm thẻ BHYT miễn phí từ các nhà hảo tâm. "Hỗ trợ cho gạo, xin giúp tôi BHYT rất nhiều đợt. Ngay dịch Covid-19, cô Huyền còn giúp đỡ vận động cho rau, gạo người dân trong khu phố. Bây giờ, ai cho quà từ thiện gì cổ cũng đem về cho bà con lối xóm hết", bà Thu nói.

Vừa đi khám sức khỏe về bà Nguyễn Thị Thái (71 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh) cho biết chị Huyền luôn tiếp xúc rất ân cần chu đáo, ngoài giúp người dân xin bảo hiểm chị còn xin giúp tiền để người nghèo xây sửa nhà. Bà Thái chia sẻ: "Tại vì con người ta làm từ cái tâm, có tấm lòng. Nhiều người qua loa cho có hình thức, chứ cô Huyền làm việc rất nhiệt tình. Sáng nay vừa đi khám sức khỏe miễn phí trên y tế phường tôi thấy rất là tốt. Từ các bác sĩ, y tá cho đến chú bảo vệ dắt xe cho cũng rất ân cần. Địa phương mình mà được như vậy thì cuộc sống của người dân cũng sẽ tốt lên theo".

Công việc ý nghĩa nhưng còn ít người tham gia

Bác sĩ CK2 Quách Kim Ưng, Phó giám đốc Trung tâm y tế Q.Bình Thạnh, cho biết hiệu quả mà CTV SKCĐ mang lại cho y tế địa phương rất lớn. Phần nhiều các CTV SKCĐ là người cao tuổi nhưng luôn hăng hái tích cực tham gia hỗ trợ các TYT, kể cả trong đại dịch Covid-19 khắc nghiệt. Thông tin y tế được đưa đến người dân nhanh nhất là nhờ các CTV SKCĐ. Họ không chỉ đảm bảo quản lý sức khỏe cho người dân mà còn chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, đảm bảo công tác y tế dự phòng địa phương.

Bác sĩ Đỗ Thị Thùy Linh, Trưởng TYT P.15 (Q.Bình Thạnh), cho biết thêm hiện tại trạm đã tuyển được 10 CTV SKCĐ nhưng chưa vào đợt tập huấn nên chưa bắt đầu làm việc được. Nhưng TYT đang gặp khó khăn trong công tác tuyển chọn nhân sự mới theo đề án của thành phố. Với yêu cầu tuyển CTV SKCĐ theo đề án, yêu cầu phải có trình độ tốt nghiệp phổ thông trung học nên có khá ít người đăng ký vì mức hỗ trợ khá thấp. Các nhân viên tại TYT phải đi động viên các cô chú đã nghỉ hưu đăng ký, vận động họ làm để giúp người dân, giúp bà con lối xóm. (còn tiếp)

Ngày 11.11.2023, HĐND TP.HCM ban hành Nghị quyết 22 quy định về mức chi hỗ trợ CTV SKCĐ trên địa bàn TP.HCM. Theo Nghị quyết 22, CTV SKCĐ thuộc TP.Thủ Đức và 16 quận được hưởng mức hỗ trợ là 500.000 đồng/người/tháng và CTV SKCĐ thuộc 5 huyện được hưởng mức hỗ trợ là 550.000 đồng/người/tháng. Được hỗ trợ một phần kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế hộ gia đình đối với các trường hợp CTV SKCĐ chưa có thẻ bảo hiểm y tế là 300.000 đồng/người/năm.

UBND TP.HCM cũng có Quyết định 5632 về việc ban hành Đề án "Chính sách đặc thù phát triển mạng lưới CTV SKCĐ trên địa bàn TP.HCM". Mục đích của đề án là phát triển mạng lưới CTV SKCĐ làm "cánh tay nối dài" cho y tế cơ sở, giúp ngành y tế TP.HCM làm tốt công tác truyền thông, chăm sóc sức khỏe nhân dân tại cộng đồng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.